Đảo mèo Aoshima (Nhật Bản)
Đảo mèo Aoshima không phải cái tên xa lạ trong giới cat-lovers (những người yêu mèo), thuộc quận Nagahama, thành phố Ozu, tỉnh Ehime. Là hòn đảo nổi lên giữa vùng biển nội địa Seto, Aoshima từng có số dân khoảng 900 người nhưng sau đó, giới trẻ dần "bỏ quê lên phố", để lại số lượng người già ít ỏi. Họ bắt đầu nuôi mèo để chống lại lũ chuột hoành hành ở các thuyền đánh cá. Về sau, đàn mèo sinh sôi nảy nở, số lượng không ngừng tăng lên.
Với số lượng hàng trăm con, "team mèo" trên đảo Aoshima có lúc còn đông hơn cả số người sống tại đây. Nhiều đội tình nguyện, cứu hộ mèo hỗ trợ người dân chăm sóc sức khỏe cho đàn mèo nên chúng đều có ngoại hình xinh xắn, sạch sẽ. Sau khi độ nổi tiếng của các "hoàng thượng" được lan truyền, hòn đảo trở thành điểm du lịch hot cho những ai yêu mèo. Mỗi ngày có hai chuyến phà chuyên chở khách từ đất liền ra đảo tham quan, chơi cùng mèo.
Làng mèo Hầu Động (Đài Loan)
Đài Loan được biết tới là thiên đường dành cho những ai yêu mèo. Mèo xuất hiện ở rất nhiều nơi trên hòn đảo này, chúng được cưng chiều, ngay cả mèo hoang. Hầu Động (Houtong) là một ngôi làng nhỏ, nằm sát bên sườn núi và cách thành phố Đài Bắc khoảng 36 km về phía tây, là điểm hẹn nổi tiếng nhất trong giới mê mèo ở Đài Loan. Ngôi làng trước đây từng là khu vực khai thác than, sau đó bị bỏ hoang. Từ năm 2008, các đội tình nguyện tập hợp mèo lang thang về đây để chăm sóc.
Họ đăng tải hình ảnh thường ngày của các "hoàng thượng" lên mạng xã hội và khiến ngôi làng được biết tới nhiều hơn, thậm chí vươn ra quốc tế. Hầu Động từ một ngôi làng bị bỏ hoang dần trở thành điểm du lịch hút khách. Người dân xây dựng một số cơ sở phục vụ du lịch, tham quan, ăn uống, mua sắm đồ lưu niệm. Các quán cà phê, nhà vệ sinh... đều được trang trí hình mèo. Du khách tới đây phải tuân thủ một số quy tắc nhỏ như không chạm vào mèo vì có thể khiến chúng bị làm phiền, đặc biệt không đánh thức khi mèo đang ngủ.
Quốc gia yêu mèo Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ được biết tới là một trong những quốc gia cuồng mèo nhất thế giới, không khó để bắt gặp những chú mèo trên đường phố. Chúng tự do đi lại, "đột nhập" các cửa hàng, xin ăn thực khách, "soát vé" trong ga tàu, nằm sưởi nắng hay chễm chệ trên các quầy hàng mà không hề bị xua đuổi. Trái lại, chúng luôn được chào đón và cưng nựng bởi người đi đường.
Trên Instagram từng có trend "làm thế nào để người khác biết bạn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ mà không nói hẳn ra". Phần lớn người dùng đều trả lời bằng cách quay video những chú mèo họ gặp trên đường phố, bởi loài vật này chính là đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thành phố Istanbul còn được mệnh danh "thủ đô mèo" với 30.000 chú mèo hoang đang sinh sống. Chúng không có chủ nhưng luôn được chăm sóc, cho ăn, chuẩn bị chỗ ngủ ấm áp, đôi khi là cả khám chữa bệnh. "Nếu một ngày Istanbul không còn mèo hoang thì đó chẳng còn là Istanbul nữa" là một câu nói nổi tiếng trong bộ phim tài liệu Kedi (2017), chứng minh sự phổ biến của các "boss" ở thành phố này.
Đảo Santorini (Hy Lạp)
Santorini được biết đến là nơi ngắm hoàng hôn đẹp bậc nhất thế giới. Nhưng nơi này cũng "có số có má" trong giới yêu mèo. Không khó để bắt gặp những chú mèo nằm sưởi nắng, đi lại thong dong ở các con dốc. Chúng leo trèo trên các bậc thềm, nhảy từ cửa sổ này sang cửa sổ khác hay ngồi chầu chực khách trong các nhà hàng, trở thành điểm nhấn cho du lịch Santorini.
Hy Lạp nằm gần Ai Cập, nơi được cho là nuôi loài mèo thuần hóa đầu tiên hàng nghìn năm trước. Do đó, không khó hiểu vì sao loài vật này được yêu mến ở Hy Lạp nói chung và Santorini nói riêng. Ngày nay, đàn mèo hoang ở hòn đảo này được người dân chăm sóc chu đáo.
Thành phố mèo Kuching (Malaysia)
Người dân Malaysia rất yêu mèo, họ còn có hẳn một thành phố mang tên Kuching, nghĩa là "mèo". Loài vật này gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố. Những bức tượng mèo khổng lồ xuất hiện ở khắp mọi nơi, trở thành điểm nhấn đặc biệt hút khách du lịch. Hình tượng mèo có mặt ở các quán cà phê, nhà hàng, poster, tranh graffiti trên tường... Du khách còn có thể tìm mua quà lưu niệm hình mèo hoặc ghé thăm bảo tàng mèo nổi tiếng với 4.000 tác phẩm.