Thi hài anh Hạ Hồ Nam được đưa về nước qua cửa khẩu sân bay Nội Bài. Ảnh: Pháp luật TP HCM. |
Từ năm 2004, Việt Nam chính thức đưa lao động sang thị trường Malaysia. Đến thời điểm này đã có khoảng 115.000 lao động đang làm việc tại quốc gia này. Malaysia là thị trường nước ngoài có nhiều lao động Việt Nam nhất. Với mức lương trung bình mỗi người lao động Việt Nam nhận được từ các chủ nhà máy từ 2,5 đến 4 triệu đồng một tháng, nhiều người chấp nhận đi vay đi mượn để làm thủ tục đi làm việc tại Malaysia với hy vọng thoát khỏi nghèo khó.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Malaysia được xem là thị trường có lao động Việt Nam tử vong nhiều nhất. Dư luận bàng hoàng khi biết rằng có hàng trăm chiếc quan tài đã được chuyển về nước qua cảng hàng không sân bay Nội Bài, lý do thường được thông báo là đột tử, tai nạn giao thông và bị sát hại... Khá nhiều người chết chưa rõ nguyên nhân. Ngay trong tháng 1 năm nay, đã có hơn 10 trường hợp lao động chết tại Malaysia được đưa về nước, trong đó có cả lao động nữ.
Theo luật của Malaysia, người lao động hợp pháp nếu chết sẽ được bồi thường một khoản tương đương 70-80 triệu đồng. Nhưng theo gia đình các nạn nhân, đến nay chỉ có vài chục trường hợp được nhận nhưng là nhận của doanh nghiệp đưa đi với mức hỗ trợ tùy tâm, khoảng 20-30 triệu đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Thanh Hòa, con số 315 người lao động VN tử vong sau 5 năm ở Malaysia do Cục Quản lý lao động ngoài nước thống kê là không chính xác. Con số chính thức phải lấy từ Tổng cục Thống kê. 10 năm Tổng cục mới đưa ra thống kê một lần về số lao động VN tử vong ở nước ngoài. Lần gần đây nhất là năm 1999 nên hiện chưa thể có con số chính xác được.
Tuy nhiên, nếu so sánh tỷ lệ phần trăm thì thấy đã giảm đáng kể. Năm 2005 có 100 trên tổng số khoảng 70.000 lao động tử vong (chiếm tỷ lệ 0,14%) thì năm 2007 chỉ có 107 người trên tổng số 120.000 (0,09%). |
Trao đổi với báo chí ngày 4/3, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động, cho rằng: "Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng người lao động Việt Nam bị chết tại Malaysia là do khâu khám sức khỏe cho lao động đơn giản quá. Không loại trừ trong đó có cả những trường hợp không khám mà vẫn được chứng nhận đủ sức khỏe. Trong khi đó, khâu khám sức khỏe đối với người đi lao động Hàn Quốc, phía bạn làm rất chặt chẽ nên không xảy ra hiện tượng trên. Bên cạnh đó, các yếu tố như môi trường, khí hậu, công việc, an toàn lao động... của Malaysia chưa phù hợp với người lao động VN dẫn đến nhiều người tử vong. Cũng phải kể đến việc nhiều lao động sinh hoạt không điều độ, uống rượu nhiều, làm việc quá sức dẫn đến chết người...".
Theo tìm hiểu của báo Pháp Luật TP HCM, anh Hạ Hồ Nam, 38 tuổi, ở xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, làm công nhân vận hành máy cơ khí sản xuất găng tay cao su cho Công ty Strategic tại bang Selangor. 5 tháng sau khi đi, gia đình nhận được tin anh đột tử tại khu ký túc xá. Tuy nhiên, nguyên nhân cái chết của anh lại gây nên nhiều nghi vấn. Giấy chứng tử của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia ghi nguyên nhân chết là bệnh phổi. Sau đó, Đại sứ quán Việt Nam có giấy chứng tử khác ghi nguyên nhân chết là bệnh tụy. Giấy xác nhận của chuyên gia y tế quận Sepang, bang Selangor, Malaysia lại ghi về nguyên nhân chết là xuất huyết viêm tuyến tụy cấp. Giấy báo tử của Cục Đăng ký khai sinh, khai tử tại Malaysia lại ghi lý do chết là xuất huyết lá lách cấp tính... Trong khi gia đình anh Nam lại khẳng định anh là người rất khỏe mạnh, không bệnh tật gì.
Trường hợp của anh Mai Văn Sơn, bạn cùng phòng với anh Hạ Hồ Nam, 28 tuổi, quê ở xã Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cũng chết trong tình huống rất khó hiểu. Sau khi đi làm về, anh Sơn vẫn ăn uống, sinh hoạt với bạn bè bình thường, khoảng 11h đêm thì đi ngủ. Sáng sớm, người cùng phòng phát hiện anh Sơn tím tái toàn thân, khó thở, đưa đến bệnh viện thì chết. Nguyên nhân cái chết của anh được báo về cho gia đình là đột tử.
Theo ông Mai Văn Cường, cha của anh Sơn, thì có thể con trai ông chết vì phải làm việc trong môi trường độc hại. Nhà máy nơi anh Sơn làm việc sản xuất các sản phẩm cao su, trong đó có bóng bay. Nhiều lần gọi điện thoại về nhà Sơn kể thường xuyên phải ngâm nửa mình trong hầm hóa chất để pha chế trộn màu bóng bay.
Bên cạnh vấn đề sức khỏe, môi trường làm việc, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, hiện ở Malaysia xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm người Việt. Nhóm này có những người có thể lọt lưới từ trong nước, ở nhà nhân thân chưa tốt. Có những người trong thời gian làm việc, vì nhiều lý do bị thay đổi. Đại sứ quán cũng như nhiều bộ, ngành liên quan đang tìm biện pháp xử lý.
Khôi Nguyên