- Tại sao anh lại chọn chủ đề “nóng” - tranh, ảnh khỏa thân, như vậy để “mở màn” cho các cuộc triển lãm của mình?
![]() |
Họa sĩ Lê Thiết Cương. |
- Bởi vì khỏa thân là một mảng rất độc đáo, nhưng cũng rất gần gũi. Bất cứ một họa sĩ nào vào nghề cũng đều vẽ khỏa thân. Cơ thể con người là kết tụ mọi vẻ đẹp của thiên nhiên, từ đường nét đến tỉ lệ. Tuy nhiên, không phải ai cũng vẽ tranh khỏa thân đẹp. Những bức tranh tại triển lãm này, tôi đã sưu tập từ hơn chục năm nay, và giờ đây, khi cảm thấy đã đến lúc, tôi muốn chia sẻ cùng công chúng.
- Tranh, ảnh khỏa thân là không phù hợp với tâm lý, thẩm mỹ Á Đông. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Thế những cô ngực trần đánh ghen trong tranh Đông Hồ có phải là Á Đông không? Những bức phù điêu trang trí trong đình Phù Lão, Bắc Giang xây dựng từ thế kỷ 17 đều là những hình ảnh khỏa thân, thậm chí là sex. Trên nắp thạp đồng Đào Thịnh, rõ ràng có các đôi nam nữ đang tình tự. Ai bảo đó không phải là Á Đông, là không Việt Nam?
- Anh từng nói "Đứng trước một người mẫu khỏa thân, tôi có ham muốn bình thường của một người đàn ông với một người đàn bà". Vậy đâu là ranh giới giữa nhục cảm và mỹ cảm trong nghệ thuật khỏa thân?
- Tôi không tin nghệ sĩ không có xúc cảm ham muốn khi đứng trước người mẫu. Nếu vậy, sao không mời một bà già ngồi mẫu mà phải mời những cô gái trẻ trung, căng tràn nhựa sống? Vẻ đẹp của người mẫu làm cho anh khao khát, khiến anh muốn lưu giữ lại cái đẹp của tạo hóa, chính lúc đó nghệ thuật được thăng hoa. Nhục cảm chính là cái cớ để mỹ cảm hiện hình.
(Theo Người Lao Động)