Thông báo tuyển dụng dán dày đặc, nhưng tìm được việc phù hợp cũng không phải dễ dàng. |
Đến hẹn lại lên, trong mấy năm gần đây, thời điểm sau Tết là lúc mà nhiều công ty dệt may lo lắng nhất về lực lượng lao động. Nhiều công ty 1 tháng sau Tết mới chỉ có 50-60% lao động về quê ăn Tết trở lại nhận việc, thậm chí có nơi chỉ còn 40%. Nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động đầu năm cũng rất khó khăn trong chuyện tìm người. Ông Phùng Đình Ngọ - Giám đốc Công ty may Bình Hòa cho biết, công ty ông đang cần tuyển khoảng 50 công nhân nhưng mãi vẫn chưa đủ. Cũng như nhiều công ty khác, Bình Hòa vẫn chấp nhận tuyển dụng các lao động chưa biết nghề để đào tạo và vẫn trả lương. Với Công ty may Sài Gòn 3, dù số lượng công nhân sau Tết đã vào đủ đến 90% nhưng công ty cũng rao tuyển thêm 200 lao động mới...
Ở các trung tâm dịch vụ việc làm, những công việc được rao tuyển nhiều nhất là may mặc, bán hàng, giao nhận hàng hóa, giúp việc nhà. Các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin từ FPT, TMA đến Pyramid Consulting, Công ty thiết kế phần mềm... cũng đang có nhu cầu tuyển nhiều ứng viên cho nhiều vị trí khác nhau. Thử truy cập vào trang web www.vietnamworks.com là thấy ngay nhu cầu tuyển dụng đa dạng và phong phú đến mức nào. Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty TMA, cho biết, việc tuyển dụng của công ty vào thời điểm này là bình thường. Lý do đây là lúc các tân kỹ sư của Đại học Bách khoa và Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM ra trường. Hơn nữa, thời điểm đầu năm mới nhiều công ty cũng có những dự án phát triển, mở rộng kinh doanh nên nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên. Chỉ riêng Công ty FPT Mobile, ngay từ ngày đầu tiên làm việc trở lại sau Tết, bộ phận nhân sự đã phải xếp lịch phỏng vấn liên tục khi nhu cầu tuyển lao động trở nên cấp thiết. Chị Phạm Thanh Mai - Trưởng phòng Hành chính nhân sự FPT Mobile cho biết, suốt hơn một tuần qua chị đã phải phỏng vấn gần 50 ứng viên cho các vị trí bán hàng, nhân sự...
Người tìm việc
Mới 8 giờ sáng, văn phòng Công ty lao động Viễn Đông (CMTT, quận 10) đã đông chật người. Các văn phòng giới thiệu việc làm khác cũng tương tự như vậy. Lam, quê Quảng Nam, vừa tốt nghiệp Trường cao đẳng Tài chính Kế toán 4, có thâm niên làm kế toán viên gần 1 năm nay. Dù đang có công việc ổn định tại một công ty ở quận 5 với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng nhưng Lam vẫn đang chạy tìm một chỗ làm khác ở Tân Bình để gần chỗ dạy kèm buổi tối. Trong khi đó, Thu, 30 tuổi, quê Thanh Hóa, sau nhiều năm chuyên may bao tay đã "ngán công việc phải ngồi suốt ngày" đó nên cô muốn đổi việc khác.
Vừa xuống xe, chị Hà, 34 tuổi, người Hải Phòng, cùng một người bạn ngoài quê mang theo cả va li đến một trung tâm giới thiệu việc làm ở đường 3 Tháng 2. Chị từng làm nhiều công việc khác nhau, từ phụ giúp việc nhà, giữ em bé đến việc phụ giúp bán cửa hàng, nấu cơm cho xí nghiệp... Chị Hà kể, năm vừa rồi chị nấu cơm cho một xí nghiệp ở Tân Bình nhưng suốt ngày phải đứng cạnh lò than tổ ong nóng quá nên trước khi về quê ăn Tết đã xin nghỉ luôn. Vì vậy bây giờ vô phải đi tìm chỗ làm khác. Tại Trung tâm Vinhempich, tôi bắt chuyện với Vinh, một công nhân điện lạnh học ở trường trung cấp dạy nghề ra. Vinh đã làm cho một công ty ở quận 7 được 1 năm với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng (không có ăn, ở). Giờ đây, Vinh muốn tìm cho mình một công việc mới với mức lương cao hơn. "Em thấy ở đây cũng có nhiều nơi tuyển dụng thợ điện lạnh với lương được 1,4-1,5 triệu đồng/tháng, thậm chí có nơi còn có chỗ ở cho mình nữa", Vinh nói. Còn với Thi, nhân viên marketing có nhiều năm kinh nghiệm tại một công ty thực phẩm - lại muốn đổi việc khác vì "môi trường cũ làm hoài cũng chán". Dự định thay đổi của cô có từ cuối năm 2005 nhưng cô đành "nán" lại để chờ sau Tết vì món tiền thưởng cuối năm không dễ bỏ qua. Nhìn sơ qua các trung tâm lao động, số lượng lao động nữ đi tìm việc đông hơn nam giới. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các công ty, xí nghiệp hoặc các cơ sở, hộ kinh doanh cá thể.
Vui buồn lẫn lộn
Việc tìm người - người tìm việc, nhưng để hai nhu cầu này "kết nối" được với nhau cũng chẳng dễ. Lý do chủ yếu là ứng viên không phù hợp công việc, người tuyển dụng và người lao động không thỏa thuận được về mức lương. Một cán bộ nhân sự của công ty tin học M. kể: hôm thứ hai vừa qua, anh phỏng vấn một ứng viên đi du học ở Australia về. Sau khi trao đổi hết về kinh nghiệm, khả năng, cô ứng viên hỏi đến mức lương của công ty M.. Người phụ trách nhân sự này cho biết đây là công ty trong nước, vì chưa có kinh nghiệm nên mức lương khởi điểm của cô ấy khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nghe xong, cô nàng hỏi lại "mức lương đó có đủ sống không anh?". Lúc đầu, người phỏng vấn ngạc nhiên và tưởng bị hỏi "móc hông" nhưng sau nghĩ lại, thấy cô ấy khá thành thật vì một thời gian ở xa Việt Nam nên chưa kịp cập nhật lại giá cả đời sống trong nước. Thế nhưng, anh bị "sốc" nặng nhất là gặp một nữ ứng viên khác sau khi nghe mức lương khởi điểm đã lập tức đứng lên và xin phép ra về với câu nói "để suy nghĩ lại".
Còn với người đi tìm việc, những nhọc nhằn cũng không phải là ít. Dù lao động phổ thông được rao tuyển khá nhiều, nhưng không phải bất kỳ người nào muốn tìm việc cũng có. Anh Văn, 45 tuổi, quê Quảng Ngãi, đã hơn 1 tuần đi tìm khắp nơi nhưng chưa có nơi nào giới thiệu công việc cho anh vì lý do "lớn tuổi". Hầu hết những nơi tuyển dụng đều kèm theo điểu kiện yêu cầu độ tuổi khoảng 20-30, cao nhất là mức 35 tuổi. Sau khi cậu con trai thi đậu vào một trường cao đẳng tại TP HCM, anh phải theo vào để tìm việc làm mong có tiền chu cấp hằng tháng cho con. "Tôi chỉ muốn tìm bất cứ công việc gì từ giữ xe, bảo vệ hay giao nhận hàng hóa... với mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng để trang trải cho hai bố con ở trong này là được rồi", anh Văn lo lắng. Tuy có chiếc xe máy làm phương tiện đi lại và cũng nhanh nhẹn nhưng trước mắt, anh sẽ còn vất vả rảo quanh các trung tâm giới thiệu việc làm dù chỗ nào cũng dán dày đặc thông báo tuyển người.
(Theo Thanh Niên)