![]() |
Bệnh viện Nhi TW, một giường phải chứa tới 3 bệnh nhi. |
Trời lạnh, trẻ em bị ốm đã tăng nhanh trong 3 ngày qua. Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi quá tải số bệnh nhi đến khám. Những ngày trước đó chỉ có khoảng 700 - 800 bệnh nhân khám mỗi ngày, thì trong ba ngày qua đã tăng lên 1.100 - 1.200 bệnh nhân.
Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Văn Lộc cho biết: "Có tới gần 30% các ca nhập viện mắc các chứng bệnh qua đường hô hấp. Phần lớn là các trường hợp bị viêm đường hô hấp và tiêu hoá, rất nhiều trẻ sơ sinh. Các cháu không chỉ đến từ Hà Nội mà còn ở Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên. Khoa Hô hấp bệnh viện Nhi chỉ có 50 giường bệnh, nên nay, 2 đến 3 cháu bé phải nằm cùng giường. Khoa Tiêu hoá cũng chỉ có 40 giường, nhưng lên tới 80 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày".
Ở bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cũng tương tự. Bác sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi - PGĐ cho hay: "Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 1.500 bệnh nhân, ca bệnh liên quan đến hệ hô hấp cũng chiếm tới 35 - 40%. Khoa Hô hấp chỉ có 40 giường bệnh nên cũng đang rất quá tải".
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, trong thời tiết này, nên hạn chế đưa trẻ ra ngoài trời lạnh. Thức ăn cần đảm bảo các thành phần dinh dưỡng. Trời lạnh sẽ làm lớp mỡ ở dưới da đông vón lại và làm cho trẻ không thể hấp thụ, hô hấp và chuyển hoá các chất dinh dưỡng.
Hơn nữa, các vi khuẩn, virus tồn tại rất nhiều trong không khí, sẽ đi thẳng vào phổi cũng như các cơ quan khác mà không gặp trở ngại nào. Rotavirus gây tiêu chảy khi thâm nhập vào cơ thể, dễ dàng "thắng" hệ thống đề kháng còn quá yếu ớt của các cháu bé, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
Đặc biệt khi vệ sinh thân thể cho trẻ cần vệ sinh từng bộ phân cơ thể và phải kín gió, tránh gió lùa. Những trẻ lớn đi học cần mặc ấm khi đến trường, trời lạnh không nên bắt học sinh phải mặc đồng phục. Những trẻ bán trú ở trường, ngủ trưa cần có chăn ấm, tránh nằm sát nền nhà.
Các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp khi trời lạnh sẽ "ồ ạt tấn công" con người. Tại Khoa Dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai trong 3 ngày qua số bệnh nhân bị hen lên cơn khó thở phải nhập viện khá đông. Những bệnh nhân này mặc dù đã dùng thuốc xịt, thuốc cắt cơn nhưng cơn khó thở vẫn kéo dài phải đến bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ của Khoa Dị ứng khuyến cáo mọi người nên giữ gìn cơ thể ấm, đặc biệt là mũi họng để tránh bị viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm phế quản... vì những bệnh này mắc lâu ngày dẫn dễ bị hen.
Khoa Hô hấp - bệnh viện Bạch Mai đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng. Những bệnh nhân này có tiền sử mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn, do đó gặp thời tiết lạnh đã nhiễm bệnh và phải vào viện điều trị.
Người già khi trời rét dẫn dễ mắc bệnh vì sức đề kháng cơ thể yếu, khi bị bệnh rất dễ mắc nhiều bệnh. Do vậy, người già nên hạn chế ra ngoài khi trời lạnh. Lúc ra ngoài nên tránh buổi sáng sớm và tối muộn, cần mặc quần áo ấm, đi tất chân và quàng khăn cổ.
(Theo Lao Động)