- Xin ông cho biết sự giống và khác nhau giữa bệnh lợn tai xanh và bệnh liên cầu khuẩn ở lợn?
- Bệnh liên cầu lợn hoàn toàn khác với căn bệnh lợn tai xanh. Bệnh lợn tai xanh do virus gây ra còn bệnh liên cầu ở lợn lại do vi trùng. Bệnh lợn “tai xanh” thực chất là bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS).
Bệnh do virus Lelystad gây ra. Virus này tồn tại trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch, phân và có thể phát tán theo gió (đi xa tới 3km) thông qua quá trình tiếp xúc, vận chuyển lợn bệnh. Triệu chứng của lợn khi mắc căn bệnh này là bỏ ăn, tai chuyển sang màu xanh.
Những con bị nặng có thể chết sau 5-7 ngày với các chứng nhiễm trùng cơ hội như người bị nhiễm virus HIV. Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn do vi trùng nhưng những con lợn đã bị bệnh tai xanh có thể rất dễ nhiễm và phát bệnh do liên cầu khuẩn nếu như vi khuẩn này có sẵn trong cơ thể lợn hoặc trong môi trường xung quanh. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là không phải tất cả lợn bệnh đều có nhiễm liên cầu khuẩn.
- Hai căn bệnh này hiện đang lây lan thành dịch rất nhanh. Ngoài những thiệt hại về kinh tế, bệnh gây nguy hiểm đến sức khỏe con người như thế nào?
- Chưa có tài liệu nào chứng minh bệnh lợn “tai xanh” có khả năng lây từ lợn sang người. So với bệnh lợn tai xanh, bệnh liên cầu khuẩn ở lợn nguy hiểm hơn do vi khuẩn có khả năng khả năng lây sang người.
Theo những thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2007 đến nay đã có 22 bệnh nhân phải vào điều trị tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia vì căn bệnh liên cầu lợn, trong đó 2 người đã tử vong.
Bệnh có khả năng lây trực tiếp sang người qua các vết xước trên da, trên niêm mạc. Khi lây sang người, bệnh nhân thường có biểu hiện bị sốt, xuất huyết, bại huyết hoặc viêm màng não có mủ. Người bệnh sốt cao, thậm chí mê man...
- Những đối tượng nào dễ bị nhiễm bệnh nhiều nhất và cách phòng tránh?
- Hầu hết những người bị nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn đều ít nhiều có tiếp xúc với gia súc bị bệnh. Nhóm đối tượng này có khả năng phơi nhiễm cao nhất.
Có trường hợp bệnh nhân là học sinh nghỉ hè, giúp gia đình bán thịt lợn 1-2 ngày cũng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Vì vậy, những người trực tiếp giết mổ, công nhân tại các lò mổ, nhân viên thú y và người chăn nuôi nên cẩn thận khi tiếp xúc với gia súc bệnh. Nếu giết mổ lợn phải có găng tay bảo vệ vì khuẩn liên cầu có khả năng lây rất nhanh.
- Làm sao để người tiêu dùng nhận biết được lợn bị nhiễm bệnh “tai xanh” và liên cầu khuẩn khi mua thịt?
- Hiện nay, việc nhận biết lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn rất khó được xác định bằng mắt thường, phải qua phòng thí nghiệm với các chẩn đoán vi trùng học.
Tuy nhiên, người dân có thể dựa vào các triệu chứng da đỏ, thịt đỏ hơn mức bình thường và nội tạng cũng đỏ để tránh ăn phải lợn bệnh dù đó bất kỳ là bệnh gì. Người tiêu dùng cũng nên mua lợn tại các cửa hàng có uy tín, lợn có giấy kiểm dịch và nấu thật chín trước khi ăn.
Với những ai có thói quen ăn tiết canh (không chỉ của lợn mà của dê và các gia súc khác) nên từ bỏ sở thích này vì bệnh liên cầu khuẩn có thể lây sang những con gia súc, gia cầm khác như bò, cừu, dê, chó, thậm chí cả hươu, nai...
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã khảo sát và cho biết, bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn ở Hà Tây ăn rất nhiều tiết canh lợn, 16 - 17 lần/tháng. Hiện bệnh nhân này ra viện nhưng vẫn bị ù tai, mờ mắt.
(Theo Công An Nhân Dân)