Đã ngoài 70 tuổi, Nguyễn Ánh 9 không còn khỏe như trước vì căn bệnh nghẹt thở mãn tính. Khi ngồi giao lưu với phóng viên về liveshow Kỷ niệm, sẽ diễn ra vào hai ngày 16 và 17/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, giọng ông run run một phần vì hạnh phúc, một phần vì cơ thể đã yếu. Thi thoảng, ông phải ngừng nói để ho, thở sâu rồi mới tiếp tục trò chuyện.
Nguyễn Ánh 9 nói, ông bắt đầu cảm thấy khó thở cách đây 3 năm do thói quen hút thuốc lá từ thời trẻ. Bây giờ ông phải dùng thuốc thường xuyên và liều thuốc thì càng ngày càng tăng. Có thời điểm, chỉ trong vòng 6 tháng, ông sút 6kg, người gầy dộc, tay chân cũng teo tóp đi nhiều. Ông không biết mình sẽ sống được bao lâu nữa, nhưng chỉ cần còn tồn tại trên đời, ông vẫn gắn bó với cây đàn piano, say sưa với âm nhạc và muốn được cống hiến nhiều hơn cho khán giả. "Nhìn bề ngoài tôi yếu lắm rồi, nhưng chỉ cần ngồi bên piano, sức khỏe ở đâu tự dưng vụt về, bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến. Nhưng lúc đàn xong, tôi mới thấy mình xuống sức quá nhanh, có khi chết lúc nào tôi không hay. Người nghệ sĩ là vậy, sống với âm nhạc và chết cũng với âm nhạc", ông tâm sự.
Hồi tưởng lại con đường nghệ thuật hơn 50 năm qua, đôi mắt tác giả Tình khúc chiều mưa ánh lên vẻ xa xăm. Ông không bao giờ quên cái ngày kiên quyết từ bố mẹ, rời khỏi ngôi nhà thân thương để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc. Nguyễn Ánh 9 kể rằng, ngày ấy, bố mẹ cho ông học ở trường Tây với viễn cảnh về cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, những năm trung học, ông bắt đầu tập piano và bị cây đàn 'hành hạ'. Ông say mê đến mức có thể từ bỏ tất cả: gia đình, tương lai sáng lạn và cả mối tình đầu dang dở. "Bố tôi nghiêm khắc nói rằng, nếu lựa chọn cây đàn, làm ơn hãy bước ra khỏi nhà. Ý nghĩ của thằng con trai 18 tuổi học trường Tây khi ấy là: mình có thể tự lập, tại sao mình lại phải sống nhờ vào gia đình, nghe theo ý kiến và sự sắp xếp của họ. Đàn piano có gì xấu đâu. Nó là một môn nghệ thuật cơ mà!".
Khi từ mặt bố mẹ, đi theo tiếng gọi của cây đàn, bố mẹ Nguyễn Ánh 9 cũng cắt đứt liên lạc vì giận con trai út. Nhờ quen biết với nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được nhạc sĩ này dìu dắt trong những ngày đầu theo âm nhạc. Khi đã trở thành nhạc công, ông biểu diễn khắp nơi và gặp người vợ hiện tại - bà Ngọc Hân, một vũ công thiết hài (tapdance: bộ môn sử dụng hình thể và những bước di chuyển bằng gót, mũi, bàn chân tạo ra những âm thanh sôi động qua một miếng kim loại gắn ở mặt đế chiếc giày). Ông nhớ lại: "Bố mẹ tôi thường nói 'xướng ca vô loài'. Vì thế, tôi lấy vợ cũng làm nghệ thuật để chứng minh cho bố mẹ thấy. Tôi quay về nhà, nói rằng mình yêu Ngọc Hân và xin bố mẹ cưới cho mình. Bố mẹ không bằng lòng nhưng phải đành chịu trước con trai cứng đầu. Kết hôn xong, tôi sang nhà vợ ở".
Sau đám cưới, Nguyễn Ánh 9 tiếp tục đi làm nhạc công và một lòng muốn nổi tiếng để khẳng định, không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu làm cho cái nghề xấu đi. Một vài năm sau đó, Nguyễn Ánh 9 có dịp đệm đàn cho Khánh Ly hát ở Nhật Bản. Khi trò chuyện với nữ danh ca về mối tình đầu, ông đã ôm đàn guitar và bật ra những giai điệu, ca từ của bài Không: 'Không! Không! Tôi không còn, không còn yêu em nữa...". Đây cũng là sáng tác đầu tiên giúp chàng nhạc công Nguyễn Ánh trở thành nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
"Điều tôi ân hận nhất là việc tôi đã hiểu sai về bố mình. Khi ông mất đi, tôi biết rằng ông thương mình đến thế nào. Tất cả những bài hát, băng đĩa của tôi, ông đều cất giữ trong một chiếc tủ. Lúc tôi biết chuyện thì đã quá muộn", ông nghẹn ngào tâm sự. Cũng vì sự ăn năn với người bố đã khuất mà bây giờ, Nguyễn Ánh 9 luôn cố gắng sống để các con cháu không bao giờ lặp lại sai lầm của mình.
Mặc dù có cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng những bài hát của Nguyễn Ánh 9 đều đượm một nỗi buồn man mác như Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Ai đưa em về, Chia phôi, Lời cuối cho em... Khi hỏi về điều này, ông cười nói, mỗi ca khúc là một câu chuyện cuộc đời của bản thân ông và cả những người bạn xung quanh mình. "Ai cũng nghĩ chắc tôi đào hoa lắm mới viết được các bài hát như thế. Tôi thì có nhiều bóng hồng lắm! Nhưng toàn là bóng hồng của người ta chứ đâu phải của mình. Cũng như mỗi nhà thơ, nhà văn khi sáng tác, tôi vẫn hay tưởng tượng trong lúc viết nhạc, nhưng nó đều xuất phát từ thực tế. Tôi luôn muốn viết về tình yêu nhẹ nhàng, sâu lắng và đẹp đẽ. Tôi không muốn tình yêu trong âm nhạc của mình quá sỗ sàng, hùng hổ". Nguyễn Ánh 9 tâm niệm, để tác phẩm của mình sống lâu theo thời gian, cảm xúc trong mỗi bài hát dù đơn giản cũng phải xuất phát từ chính trái tim người viết. Ông bảo: "Nếu viết theo đơn đặt hàng, tất nhiên tôi vẫn sẽ viết được nhưng cảm xúc khi ấy là giả tạo. Sự giả tạo thì không thể nào bền bỉ được".
Có nhạc phẩm ông viết rất nhanh vì có cảm hứng (bài Không) nhưng cũng có bài hát ông phải mất đến mấy năm mới có thể hoàn thành. Ví như bài Cô đơn, ông chấp bút trong suốt 5 năm trời. Nguyễn Ánh 9 tâm sự, trong một ngày đạp xe đi làm về vào buổi đêm, ông tự ngâm nga hát: "Người hỡi cho tôi quên đi, bao nhiêu kỷ niệm xa xưa/ Người hỡi cho tôi quên đi, bao nhiêu mộng đẹp nên thơ". Khi về nhà, ông viết thêm được hai câu: "Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi/ Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài". Mới sáng tác được đoạn kết bài hát, ông nghĩ hoài không thể viết tiếp được phần mở đầu nên bỏ dở cho đến khi đi dự đám cưới của một học trò. Nghe được câu chuyện tình yêu đẹp của họ từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi trưởng thành, Nguyễn Ánh 9 mới chợt nảy ra lời ca cho đoạn mở bài: "Hạnh phúc như đôi chim uyên, tung bay ngập trời nắng ấm/ Hạnh phúc như sương ban mai, long lanh đậu cành lá thắm". Dần dần, ca khúc Cô đơn hoàn thiện và được khán giả yêu thích.
Nói về cuộc sống hiện tại, Nguyễn Ánh 9 nói, niềm vui giản dị của ông bây giờ là tận hưởng thời gian cuối đời bên người thân. Hai con trai ông đều có gia đình riêng, thậm chí ông đã lên chức cụ nội nên cứ vào cuối tuần, vợ chồng Nguyễn Ánh 9 lại đi thăm các cháu. "Tôi thấy mình có lỗi với vợ con nhiều lắm bởi tôi làm âm nhạc vì đam mê chứ không vì tiền. Thời trẻ tôi chưa nghĩ được như thế, cứ mải miết đi biểu diễn xa mà không màng tới chuyện nhà. May mắn là vợ tôi hiểu đó là tính nghệ sĩ trong tôi. Thi thoảng, để bù đắp cho vợ, tôi đưa bà ấy đi chơi, tặng bà ấy một món quà, nhưng rồi sau đó lại tiếp tục xa nhà".
Nguyễn Ánh 9 ấp ủ một giấc mơ mà có lẽ không bao giờ ông thực hiện được, đó là đàn cùng hai con trai - nhạc sĩ Nguyễn Quang và nhạc sĩ Nguyễn Đình Quang Anh để vợ nhảy thiết hài. Tuy nhiên, vợ ông bị ngã một vài lần, chân đã yếu nên không thể nhảy được nữa. Trong hai đêm nhạc vào ngày 16 và 17/5 sắp tới, ông tiếc nuối vì bà xã không thể ra Hà Nội ủng hộ ông.
Quỳnh Như