![]() |
''Ban nhạc và nhạc công, một phần tất yếu của đám cưới!'' |
Nhóm nhạc của Hiệp “xắc-xô“, vì anh chơi kèn xắc-xô, có 6 người, mỗi người sống một nghề. Người thì làm thợ điện, người thợ hồ, người đang là sinh viên, thậm chí có người không làm gì cả... nhưng tất cả cùng chung sở thích là chơi nhạc. Sẵn có dàn âm thanh được thừa kế từ người cha cũng chơi nhạc, Hiệp trở thành cổ đông lớn nhất của ban và được coi là trưởng nhóm, còn nhạc cụ ai chơi gì mỗi người tự bỏ tiền túi mua lấy.
Rất ít nhạc công chơi nhạc ở những đám tiệc được đào tạo bài bản. Chẳng qua trường lớp nào cả nhưng có năng khiếu, thích và chơi tương đối rành một loại nhạc cụ, vậy là ban nhạc được thành lập với đầy đủ đồ nghề. Chẳng cần phô trương, quảng cáo gì nhưng được cái chịu khó nên nhiều người biết, cứ có đám thì kêu. Đó cũng là đặc điểm chung của những nhạc công phục vụ đám cưới ở Đà Nẵng.
Đồ nghề của mỗi ban nhạc thường gồm dàn âm thanh, guitar solo, guitar bass, organ, bộ trống. Ban nhạc nào "ngon" thì có thêm chiếc kèn, trống bongo và một số nhạc cụ khác cho rình rang. Chẳng có mấy ban nhạc ở Đà Nẵng có tên, người ta tìm ban nhạc nhờ những người quen hoặc chính những ban nhạc giới thiệu, mai mối cho nhau.
Nhiều người nghĩ rằng nghề nhạc công chẳng nặng nhọc gì, vừa được chơi, vừa được ăn lại có tiền mang về. Nhưng sự thật không hẳn dễ dàng như vậy. Thường thì thành viên ban nhạc là những người nằm trong độ tuổi từ 17 đến 45. Họ lập nhóm để được thỏa chí chơi nhạc chứ chưa thể sống được bằng nghề này. Mỗi sô diễn chia đều ra, mỗi nhạc công chỉ được 40.000-50.000 đồng, mà đâu phải thu nhập đều như vậy, tháng nào nhiều nhất thì cũng chỉ nhận được độ 10 đám. Giá bình quân mỗi suất chơi nhạc của một ban nhạc tương đối đầy đủ nhạc cụ ở huyện khoảng 300.000-500.000 đồng, tùy theo thời điểm, chất lượng âm thanh hay tay nghề nhạc công của ban nhạc. Riêng ở thành phố Đà Nẵng, giá nhỉnh hơn: 400.000-800.000 đồng do chất lượng âm thanh tốt hơn, tay nghề nhạc công cao hơn.
Tháng cao điểm, nhiều đám cưới, mỗi ban nhạc nhận được hơn chục hợp đồng, nhưng có tháng thì “mo”, nhất là mùa mưa. Mỗi “sô diễn” ban nhạc chơi từ 2 đến 3 giờ, nếu gia chủ muốn ban nhạc chơi thêm thì bồi dưỡng thêm tiền. Tuy nhiên, không ít lần chơi ở những đám chơi đẹp, vui vẻ, ban nhạc cứ thế chơi tới không cần tính toán đến thời gian.
Cùng một nghề nhưng nhạc công làm việc ở thành phố Đà Nẵng và ở huyện có những đặc thù riêng. Ở Đà Nẵng, phần lớn các đám cưới, hội nghị đều tổ chức ở nhà hàng, khách sạn, trong phòng kín nên chất lượng âm thanh hay vì không bị loãng. Ngoài ra, do tiệc đám cưới ở nhà hàng, khách sạn đã được quy định thời gian nên ít khi nhạc công vỡ kế hoạch vì chơi thêm giờ.
Để chuẩn bị âm thanh, nhạc công ở Đà Nẵng phải chuẩn bị từ rất sớm, ít nhất 3-5 giờ trước khi vào tiệc. Chất lượng của ban nhạc còn tùy thuộc vào quản trò (người dẫn chương trình) và ca sĩ. Những ban nhạc hay kết hợp với các quản trò giỏi, biết cách làm sôi động không khí cuộc vui, biết hát để chữa cháy những khoảng trống thời gian.
Quang Tuấn, nhạc công của một ban nhạc ở thị trấn Vĩnh Điện (Quảng Nam), cho biết: "Chơi nhạc trong những bữa tiệc quan trọng phụ thuộc vào giờ giấc của gia chủ. Phải đến đúng giờ bất kể mưa gió. Thu nhập có mức độ dù địa điểm, không gian hay thời gian thế nào thì "lương" cũng như vậy". Có nhạc công còn say mê chơi nhạc đến mức quên luôn cả là mình đang dự đám cưới cùng bà xã.
Anh Phan Văn Khôi, một nhạc công lâu năm, cười: "Có một lần mình cùng vợ đi dự đám cưới ở Hà Lam, hôm ấy sau khi làm vài ve bỗng thấy "ngứa nghề" vậy là nhảy lên ban nhạc của họ xin tay chơi trống nhường cho mình chơi vài bản. Nghe nói là bạn nghề, tay này nhường ngay để tranh thủ được nhậu chùa. Mình chơi cũng tạm tạm nên hắn cứ thế yên tâm ngồi nhậu tới bến. Nhưng khi sực tỉnh, ngó xuống dưới thì chẳng thấy vợ mình đâu, lần ấy mình bị vợ giận cả tuần liền...".
Đặc thù của ca nhạc đám cưới là không được tập dợt trước như những chương trình biểu diễn ở sân khấu, hơn nữa "ca sĩ" thuộc đủ thành phần nên không ít lần các ban nhạc bị "out" do "ca sĩ " không biết nhạc lý. Nhạc đánh một “tông”, ca sĩ lại chơi “tông” khác thế là nhạc đi một hướng, lời đi một nẻo ban nhạc buộc phải chạy theo “ca sĩ” muốn ná thở. Có ca sĩ bị "bể dĩa" kiểu này điên tiết quay lại mắng ban nhạc không biết chơi, chơi dở ẹt. Đang lúc đám tiệc vui vẻ, nhạc công đành ngậm bồ hòn cười trừ.
Nhưng có trường hợp đụng phải thứ dữ đó là những khách mời là dân chuyên nghiệp lại cao hứng “làm” mấy bài nhạc Pháp, Mexico... lạ hoắc, những ca khúc mà nhạc công chưa nghe lấy một lần. Gặp những trường hợp này, nhạc công giàu kinh nghiệm có chơi nhạc nước đôi, cứ “phừng phừng" rồi khen "ca sĩ" hát... có thần. Ca sĩ nghe ban nhạc khen, sướng quá quên luôn chuyện nhạc nhã. Và mệt mỏi nhất là những lúc khách dự đám cưới xỉn lại đòi hát, hát hoài mà chẳng chịu kết thúc.
Theo Thanh Niên, tại những đám cưới, ban nhạc chỉ giữ vai trò giúp vui nhưng không ít lần họ đã cứu cho gia chủ nhiều bàn thua trông thấy. Cách đây ít lâu, tại một đám cưới tổ chức ở nhà hàng Hương Cau, một bợm vốn là người yêu cũ của cô dâu thất tình uống rượu rồi xông vào quậy chửi ỏm tỏi. Vừa ngửi thấy mùi "chiến sự", tay trống đã hất đầu ra hiệu cho đồng nghiệp tăng cường âm lượng tối đa để tiếng nhạc át đi tiếng... chửi. Kịp lúc bảo vệ nhà hàng và bạn bè cô dâu chú rể đã đưa vị khách không mời mà đến ra ngoài...
Ở quê, tại nhiều đám cưới, nhạc công phải cười ra... nước mắt. Không ít lần thành viên của ban nhạc bị dính "đạn lạc" của khách dự đám cưới. "Họ uống rượu rồi gây gổ, ném ly, chúng tôi đang mải mê chơi nhạc nên nhiều phen bị bị dính đòn", vừa nói anh Khoa vừa vén mái tóc trước lên, một vết sẹo trên trán như một minh chứng cho lời kể của mình.
Từ niềm đam mê âm nhạc họ kết hợp cùng nhau để được chơi nhạc, nhưng có lẽ chưa may mắn hoặc năng khiếu chỉ có hạn họ đã hình thành nên những ban nhạc... đám cưới. Ước tính ở Đà Nẵng có khoảng 15 ban nhạc đám cưới và con số tương đương ở các vùng quê Quảng Nam.