Xuất hiện tại buổi gặp gỡ thân mật mang tên Today we meet again - Bạn có hẹn với Gào diễn ra chiều 12/8 tại Hà Nội, nữ nhà văn 30 tuổi chia sẻ về gia đình nhiều hơn những ý tưởng kinh doanh hay dự định ra đầu sách. Gào cho rằng cô đã thay đổi nhiều kể từ khi làm mẹ, không chỉ ngoại hình mà còn cách suy nghĩ, niềm đam mê. Mối quan tâm lớn nhất của nữ nhà văn lúc này là chăm sóc, nuôi dạy ba con Bìn, Min và Thỏ. Bà mẹ ba con mong muốn các bé có tuổi thơ hạnh phúc, biết yêu thương nhau và hiểu được giá trị của gia đình.
Bé Bìn, con gái lớn của Gào, làm chị khi mới hai tuổi rưỡi. Lúc Bìn chào đời, Gào bắt đầu thói quen tâm sự cùng con trước khi đi ngủ. Sau khi hôn nhẹ lên trán bé, nữ nhà văn thủ thỉ: "Mẹ rất yêu thương con. Mẹ mong muốn sau này lớn lên con sẽ trở thành một cô bé nhân hậu và biết yêu thương người khác". Gào áp dụng phương pháp này nhờ đọc được một số tài liệu trong quá trình mang thai. Theo nữ nhà văn, việc lặp lại nhiều lần lời cha mẹ muốn nhắn nhủ sẽ giúp điều đó dễ dàng đi vào tiềm thức của trẻ. Khi mang bầu lần hai, Gào dạy Bìn hôn bụng mẹ và nói yêu em mỗi ngày. Trước khi đi ngủ, bé Bìn thường vuốt ve bụng bầu, trò chuyện cùng em Min (khi đó tên là Khỉ): "Em Khỉ ơi! Chị là chị Bìn đây. Sau này em sẽ là em trai của chị và chị sẽ yêu em thật nhiều".
Gào lo lắng sự ra đời của bé Min sẽ khiến Bìn tủi thân nên cô luôn hướng dẫn con cùng chăm em. Bà mẹ ba con cho rằng đứa trẻ nào cũng cảm thấy tự hào nếu được khen "giỏi như người lớn". Cô hay dành cho con những lời động viên: "Con thật là giỏi. Mẹ rất tự hào về con. Không có con thì mẹ chẳng biết chăm em thế nào cả" hay "Mẹ mệt quá, con có thể giúp mẹ được không?". Cô bé Bìn khi ấy mới gần ba tuổi, chưa thể giữ được em nhưng vợ chồng Gào vẫn thỉnh thoảng để con bế em bé rồi ngồi cạnh đỡ. Gào cho rằng những lúc đó, Bìn cảm thấy rất hạnh phúc và hãnh diện với vai trò chị cả. Tình cảm của hai chị em cũng nhờ thế mà gắn bó hơn mỗi ngày.
Vợ chồng Gào cho Bìn học trường mẫu giáo thiên về nghệ thuật vì bé thể hiện năng khiếu hội họa, ca hát. Min được gửi tới lớp học hình khối để phù hợp với bé trai. Vì phải học khác trường, Min tỏ ra không vui, thường ủ rũ mỗi lần xa chị. Nữ nhà văn quyết định chuyển trường cho con trai học cùng chị để hai bé hào hứng tới lớp mỗi ngày. Lớp Min ở tầng trên nhưng cứ giờ giải lao là Bìn lên thăm để biết em đang làm gì. Bìn làm quen và nhớ tên các bạn trong lớp của Min để về kể với mẹ. Min rất mê ôtô, thường giành hết ôtô của các bạn để chơi riêng. Buổi tối khi đang làm việc nhà, Gào nghe thấy con gái khuyên nhủ em: "Min ơi, em phải chia sẻ đồ chơi cho người khác với. Mình đánh bạn là mình không tốt đâu". Quan sát hành trình lớn lên của các con, bà mẹ nhà văn cảm nhận rõ, tính cách và hành động của bé Min được ảnh hưởng nhiều từ chị gái Bìn.
Min được mẹ ví như "cái đuôi" của chị Bìn bởi đi đâu hai đứa trẻ cũng quấn quýt. Gào cho rằng cách giáo dục con của vợ chồng cô không có gì đặc biệt, chủ yếu gắn kết các bé bằng tình yêu, giúp con nhận ra anh, chị, em là ruột thịt, là phần không thể thiếu để mình yêu thương, che chở và giữ gìn.
Lam Trà