Ông Guo Hui, chủ công ty vệ sinh Feiyun ở Quảng Châu bị tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group nợ 20 triệu nhân dân tệ (3,1 triệu USD), khiến công ty ông đứng trước bờ vực phá sản. "Chúng tôi đã liên hệ với những người phụ trách nhưng họ nói rằng họ không có tiền hoặc không biết khi nào họ có thể giải quyết các khoản thanh toán", ông Guo cho biết.
Ông Guo, người gốc Tứ Xuyên, đã thành lập doanh nghiệp chuyên về vệ sinh có tên là Feiyun, hơn hai thập kỷ trước. Giống như nhiều doanh nhân tự thân cùng thế hệ, ông Guo coi câu chuyện làm giàu của mình là ví dụ điển hình trong thời kỳ trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc. Gou đã hợp tác với Evergrande từ năm 2017. Các hợp đồng với Evergrande chiếm 90% hoạt động kinh doanh của công ty Gou. Mọi rắc rối của Guo bắt đầu vào tháng 6, khi các khoản thanh toán không được Evergrande thực hiện trong bối cảnh công ty này thiếu tiền mặt và gánh khoản nợ lên tới 305 tỷ USD.
"Chúng tôi hoàn toàn rơi vào tình thế rất bị động", Guo than thở.
Feiyun cung cấp dịch vụ dọn dẹp và sửa chữa cho các căn hộ Evergrande ở tỉnh Quảng Đông, đảm bảo rằng các tòa nhà mới luôn sạch sẽ trước khi ra mắt khách hàng. Công ty này có khoảng 100 nhân viên thường trực và sử dụng 700-800 nhân viên bán thời gian, hầu hết trong số họ là người di cư từ các tỉnh ít giàu có hơn, ông Guo nói.
Vài tháng trước, ông Guo có một đội gồm 300 người dọn dẹp hàng nghìn căn hộ tại dự án Zhanjiang Evergrande Waitan Gardens cao cấp ở cực tây nam của tỉnh với hai hợp đồng tổng trị giá khoảng 1,5 triệu nhân dân tệ.
"Họ đã làm việc cả ngày lẫn đêm cho chúng tôi. Tôi đang cố gắng hết sức để trả lương cho họ từ các khoản tôi đã vay, nhưng tôi chỉ có thể xoay xở được một phần ba hoặc phần tư trong số đó. Chúng tôi vẫn nợ họ khoảng hai triệu nhân dân tệ", ông nói. Guo còn đề cập đến việc nợ nhân viên trong ba dự án khác nhau.
Là người đam mê hoạt động ngoài trời, Guo đã lên kế hoạch giao công việc kinh doanh của mình cho con trai Guo Jing, để ông cùng vợ đi du lịch nước ngoài. Kế hoạch này của doanh nhân 50 tuổi bị hoãn do đại dịch Covid-19 bùng phát và hiện là cuộc khủng hoảng nợ của đối tác Evergrande. Trong khi đó, chính phủ phần lớn im lặng về tình hình Evergrande, vốn đã làm chao đảo thị trường toàn cầu và khiến các nhà đầu tư cũng như hàng trăm nghìn người mua các căn hộ chưa hoàn thiện đối mặt với khả năng mất trắng.
"Chúng tôi chỉ có thể đợi Evergrande tự giải quyết hoặc chính phủ giúp đỡ. Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn tin tưởng vào chính phủ. Việc này phải có câu trả lời", Guo nói.
Cách đây vài ngày, Guo đã lái chiếc siêu xe Porsche Cayenne, thứ mà ông coi là món quà cho sự chăm chỉ của ông, đến đại lý để bán. Khi giao dịch hoàn tất, ông lưu luyến muốn ngồi trong chiếc xe yêu quý thêm một lần nữa trước khi chia tay. Dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo sắp phá sản, Guo tự tin rằng vận may của mình sẽ thay đổi. "Tôi chắc chắn sẽ mua lại chiếc xe của mình, khi tôi kiếm được một số tiền. Tôi chắc chắn rằng tôi có thể lấy lại nó".
Guo là một trong những ví dụ điển hình của vô số nhà cung cấp bị Evergrande liên lụy khi nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc này thiếu tiền mặt và đang gánh khoản nợ khổng lồ 305 tỷ USD. Ngoài các nhà cung cấp dịch vụ, hơn 70.000 nhà đầu tư các sản phẩm tài chính lợi suất cao của Evergrande cũng đối mặt với nguy cơ mất trắng khi gã bất động sản này chìm trong các khoản nợ và mất khả năng thanh khoản. Hồi giữa tháng 9, các nhà đầu tư của Evergrande đã tổ chức biểu tình bên ngoài trụ sở chính công ty này ở Thâm Quyến để đòi tiền nhưng không có kết quả. Hiện tất cả họ đều trông cậy vào chính phủ để khắc phục cuộc khủng hoảng nợ của gã khổng lồ bất động sản này.
Sơn Nam (Theo Reuters)