Thời điểm những năm 2000-2001 khi nhà chung cư có giá, rất nhiều người đã bỏ một số tiền không nhỏ để... đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khoản tiền mua chung cư trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình. Anh Thắng, một người mua nhà, gặp ai cũng than thở: "Bà vợ vác tiền đi mua liền lúc 2 căn hộ chung cư ở gần Cầu Giấy, mỗi căn gần tỷ, không mua được trực tiếp, phải qua trung gian. Nay muốn xuống đất ở, muốn bán, chỉ mong bán hoà giá gốc mà cũng không ai mua".
Trường hợp như anh Thắng tìm cách bán chung cư để mua nhà mặt đất ở không phải ít. Chẳng khác gì những năm 80 của thế kỷ trước, lúc nhà chung cư lắp ghép mới ra đời thành mơ ước của không biết bao nhiêu cư dân của nhà tập thể cấp 4. Lúc chung cư đời mới ra đời anh Thắng cũng lao lên chung cư và giờ đây lại nhất nhất... lao xuống.
Cùng nỗi lo với anh Thắng, một Giám đốc Công ty XNK quốc tế tại Hà Nội cũng cho biết: "Đã đầu tư mua hơn 10 căn hộ chung cư vào thời điểm năm 2001-2002. Chẳng phải bây giờ, năm 2003 đã muốn bán bớt nhưng không lãi, qua 2004 rồi tới bây giờ càng lỗ nặng, ấy là tôi toàn mua giá gốc cả".
Trong vai một người đi mua nhà, PV tới khoảng 5 khu từ Nam Thăng Long tới Trung Hoà-Nhân Chính rồi Linh Đàm... Tất cả các khu này đều nhận được thông tin sẵn sàng bán nhà giá gốc tại các văn phòng môi giới nhà đất. Một số văn phòng còn khẳng định là không thu phí. Tất nhiên "không thu phí" ở đây là không thu phí người mua, còn phí môi giới đã được người bán trả, cũng có nghĩa là các chủ nhà đang rao bán sẽ thu về khoản tiền dưới giá mua gốc, bằng giá bán trừ phí môi giới. Thậm chí, tại khu đô thị Nam Thăng Long - Hà Nội, chủ đầu tư vừa nhận lại một số căn nhà do khách hàng "nhờ" bán vì không có khả năng thanh toán nốt phần còn lại trước khi nhận bàn giao.
Làn sóng "nhờ" bán kiểu trên không phải chỉ xảy ra tại Hà Nội. Bà Xuân, sau khi mua mấy lô đất tại khu Cao Xanh - Hà Khánh (gần Bãi Cháy - Quảng Ninh), cũng đã cùng vài ba khách hàng khác đề nghị và được Công ty Econet trả lại tiền. Đây là khu đô thị mới do Công ty XD số 1 (Tổng Công ty XD Hà Nội) làm chủ đầu tư và Công ty Econet đứng ra kêu gọi vốn xây dựng hạ tầng. Bà Xuân cho hay, đã nộp khoản tiền gọi là góp vốn xây dựng hạ tầng từ hơn 2 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa được bàn giao đất. Cũng may họ làm chậm nên mình nhân tiện đòi luôn chứ họ mà giao đất đúng hạn thì còn gay bởi lại đọng tiền không biết đến bao giờ mới bán được trong khi nhà, đất thì ngày càng khó bán.
Trở ngại từ... chất lượng
Chị Trần Thị Loan, một người vừa rời khỏi khu chung cư Linh Đàm, cho biết: "Đi lại xa quá mà lại thêm rất nhiều chi phí. Hàng ngày từ 6 giờ sáng, vợ, chồng, con, cái đã phải bìu díu nhau lên 2 xe máy chạy tuốt vào trung tâm. Ngày nắng còn đỡ chứ những ngày mưa phùn gió bấc thì thật là hết chỗ nói".
Anh Hưng, chồng chị, cho biết nhiều hôm anh đã chọn phương tiện xe bus nhưng khổ nỗi, xe bus đi phải đúng tuyến và lòng vòng từ Bà Triệu về tới Linh Đàm có khi mất hàng tiếng đồng hồ.
Xa xôi cách trở, kém tiện nghi, công trình phụ trợ công cộng chưa có lại thêm nhiều khoản chi phí khác đang trở thành nỗi bức xúc thường trực trong tâm lý không ít dân ở các chung cư. Chi phí ở đây theo một số người chính là phí quản lý mà hiện mỗi nơi thu mỗi kiểu và theo những người phải trả tiền thì vẫn quá cao. Đơn cử tại khu chung cư 39 Nguyễn Trãi, chủ đầu tư là Công ty xây lắp phát triển nhà Hà Nội. Mức phí mỗi hộ gia đình phải nộp là 400.000 đồng/tháng, bao gồm: thang máy: 150.000 đồng; bảo vệ và vệ sinh: 100.000 đồng; xe máy: 60.000 đồng; xe đạp: 30.000 đồng và 100.000 đồng cho bảo dưỡng duy tu nhà... Nguyên nhân của việc các mức phí hiện đang bị đội lên là do khu nhà còn nhiều hộ không ở.
Ngay tại khu căn hộ cao cấp Ciputra các hộ dân cũng kêu ca rất nhiều về các mức phí phải đóng khoảng 20 USD/ tháng với các hộ cao tầng và các hộ thấp tầng khoảng 30-60 USD/tháng. Hiện nay, Ban Quản lý đã phải hạ mức phí gửi xe ôtô từ 500.000 đồng/tháng xuống còn 300.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, theo các hộ ở đây, các mức phí vẫn cao mặc dù các công trình công cộng, bệnh viện... đều chưa xuất hiện.
Một điểm nữa làm cho chung cư... mất điểm là mặc dù có chỗ để xe máy, xe đạp nhưng nhiều khu luôn chật cứng. Tại khu A6 Giảng Võ, (một khu chung cư vốn rất đắt giá do gần trung tâm), vào thời điểm năm 2004, một số hộ gia đình đã mua tới giá khoảng 600-700 triệu đồng cho một căn hộ trên 40 m2. Ngoài diện tích dành làm ki-ốt bán hàng, toàn bộ tầng 1 là nơi để xe. Vào các buổi chiều, tối, khu vực này chật hơn nêm cối. Người dân cho biết, hôm nào phải đi làm sớm thì có thể phải gọi xe ôm vì không lấy được xe ra.
Một số người dùng ôtô còn mệt hơn, vì việc gửi xe ôtô tại một số khu chung cư còn phức tạp cả về chỗ để và chi phí. Càng khu gần trung tâm, càng đắt tiền, càng rắc rối. Tại khu chung cư M3 - M4 Nguyễn Chí Thanh, do thiếu chỗ để xe, Ban Quản lý phải tổ chức đấu thầu và đưa ra mức giá 800.000 đồng/tháng. Kết cục là khu này có nguy cơ... thừa vì dân mang xe đi gửi chỗ khác hết.
Tất nhiên các chung cư hiện đại mà chúng ta đang có không phải chỉ chứa toàn... điểm mất. Mặc dù tới thời điểm này các khu chung cư đa số chưa hoàn thiện ở dạng đồng bộ tất cả các công trình phụ trợ và công cộng nên phần nào còn khó khăn cho dân cư sinh sống. Tuy vậy, các ưu điểm như đường rộng, hè thoáng, quy hoạch gọn gàng... và ít ngập úng khi mưa to phải coi là những điểm mạnh rất hấp dẫn.
Nhà chung cư càng rao càng khó bán không phải vì xã hội thừa nhà ở, mà do giá cả chưa hấp dẫn, chưa phù hợp với tập quán và còn một nguyên nhân, đó là người tiêu dùng đang ngày càng phát hiện ra nó còn nhiều điều mất điểm chưa thể giải quyết đồng bộ trong một tương lai gần.
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)