Nhắc kỷ niệm với nhạc sĩ tại họp báo giới thiệu đêm nhạc Mắt biếc chiều 3/7, Nguyễn Quang cho biết Ngô Thụy Miên là một trong những người bạn thân của bố anh - nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Lúc sinh thời, tác giả Buồn ơi chào mi hay kể về tuổi trẻ với Ngô Thụy Miên và nuối tiếc không được thường xuyên gặp gỡ khi về già. Theo yêu cầu của cha, Nguyễn Quang tìm cách liên hệ với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhưng rất khó khăn vì ông ít giao lưu bạn bè. Anh tìm thấy email của ông, thư đi thư lại để hỏi thăm sức khỏe và bày tỏ mong muốn xin số điện thoại để nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tiện gọi hỏi thăm nhưng bị từ chối.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang ở họp báo chiều 3/7 tại Hà Nội.
"Chú nói với tôi rằng không có điện thoại di động, cũng chẳng có điện thoại bàn. Chú mừng khi biết bố tôi còn khỏe", Nguyễn Quang kể lại cuộc trò chuyện giữa mình và tác giả Riêng một góc trời. Từ đó, anh thi thoảng email cho nhạc sĩ và luôn nhận được hồi âm. Một lần, anh xin sang thăm nhạc sĩ nhưng ông khước từ.
Khi được hỏi về cuộc sống của nhạc sĩ ở Mỹ, Nguyễn Quang cho biết ông sống trên một quả đồi ở ngoại ô thành phố Orange, California bên bạn đời - bà Đoàn Thanh Vân. Ông không dùng mạng xã hội, ít tụ tập bạn bè, không sinh hoạt văn nghệ với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Có lần, nhạc sĩ nói với Nguyễn Quang rằng ông mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Vì có bạn đời ở cạnh, những đau đáu, nhớ nhung không còn nên ông thấy mình không cần sáng tác nữa.
Nhạc sĩ thích nói chuyện về âm nhạc, thường giải thích cho Nguyễn Quang ý nghĩa một số ca khúc của mình. Bạn đời là bóng hồng trong nhiều sáng tác của ông. Mỗi ca khúc là một mẩu chuyện, khi ghép nối lại sẽ thành câu chuyện tình yêu của hai người. "Em" trong một số sáng tác của ông còn là quê hương, TP HCM.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.
Khi dự định tổ chức liveshow kỷ niệm 60 năm Ngô Thụy Miên viết tình ca mang tên Mắt Biếc, Nguyễn Quang cũng email cho nhạc sĩ. Ông bày tỏ niềm vui vì nhiều ca sĩ trẻ sẽ hát nhạc của mình, bên cạnh danh ca Elvis Phương.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bắt đầu viết nhạc từ năm 1963, khi mới 15 tuổi. Chỉ hai năm sau, ông được công chúng biết đến với ca khúc Chiều nay không có em. Tên tuổi của ông gắn với những bản tình ca như: Niệm khúc cuối, Bản tình cuối, Chiều nay không có em, Áo lụa Hà Đông, Giọt nước mắt ngà, Mắt biếc, Giáng ngọc, Tuổi 13, Mùa thu cho em, Bản tình ca cho em, Riêng một góc trời... Trong số này, nhiều tác phẩm phổ thơ Nguyên Sa như: Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em...