Nổi lên từ các giải đua xe Kart, Formula Ford và Formula 3 tại Đức, Michael Schumacher được Mercedes đưa vào đội trẻ của hãng để tham dự giải vô địch thế giới xe ôtô thể thao (World Sportcar Championship) và trở thành một phần trong tham vọng quay trở lại với môn F1 của nhà sản xuất ôtô nước Đức. Kế hoạch rất rõ ràng: mọi nền tảng kỹ thuật và tài chính đều đang được gấp rút hoàn tất, cộng thêm những tay đua trẻ tài năng.
Nhưng cần phải tạo cơ hội cho họ tích lũy kinh nghiệm trước khi các thử thách thực sự bắt đầu. Mercedes dự định sẽ bắt đầu tiến hành kế hoạch vào năm 1993 nhưng với M. Schumacher, cánh cửa đến với F1 mở ra vào mùa hè năm 1991. Bertrand Gachot, thành viên của Jordan, không thể tham dự Grand Prix Bỉ vì đang bị giam giữ do ẩu đả với một người lái xe taxi tại London. Mercedes đã thuyết phục được ông chủ đội này là Eddie Jordan dành vị trí bỏ trống đó cho tay đua trẻ đang được họ bảo trợ.
Tại đường đua Spa, M. Schumacher được đón tiếp với một sự hoài nghi không tránh khỏi. Nhưng anh chỉ cần vài vòng đua là để xua tan đi mọi nghi ngờ. Vượt qua người cùng đội De Cesaris và giành vị trí thứ bảy sau vòng phân hạng, anh làm cho giới chuyên môn cùng người hâm mộ cảm thấy sốc thật sự.
Có tốc độ chóng mặt, nhiều mánh khóe khôn ngoan trên đường đua, những kỹ năng hoàn hảo khi chạy dưới trời mưa, nhạy bén về chiến thuật, tất cả những điều đó khiến Michael Schumacher ngay lập tức trở nổi lên như người có khả năng nhất thách thức ngôi vị số một của Ayrton Senna. Và cũng giống như đối thủ người Brazil, Schumacher bày tỏ một khát khao chiến thắng thái quá, đến mức sẵn sàng phạm lỗi ngay trên đường đua nếu cần. Flavio Briatore, ông chủ đội Benetton và hiện đang điều hành đội đua Renault, được lợi nhiều nhất khi sớm lôi kéo ngôi sao đang nổi, ngay trước mũi của Eddie Jordan và ban lãnh đạo Mercedes.
Michael Schumacher sinh ngày 3/1/1969 tại Đức |
Những bước khởi đầu như vũ bão
Biết đến những vinh quang đầu tiên với đội Benetton. |
Theo VnExpress, hai tuần sau cuộc đua tại Spa, vòi rồng Schumacher một lần nữa xuất hiện ở Monza. Tay đua 3 lần vô địch thế giới Nelson Piquet đã không thể bắt kịp với tốc độ của gương mặt mới kỳ tài của F1. Một trang mới trong lịch sử môn thể thao tốc độ được mở ra. Ngay từ năm 1992, mới ở tuổi 23, Michael Schumacher đã trở thành tay lái số một của đội Benetton. Chàng thanh niên hay cười sau đó đã cả gan khiêu chiến với Ayrton Senna. Anh liên tục có mặt trong tốp 3 tay đua về nhất.
Chỉ một năm sau bước khởi đầu, vẫn tại Spa Schumacher có được chiến thắng đầu tiên, dưới điều kiện thời tiết thất thường. Cuối mùa, anh xếp thứ 3 chung cuộc, trên cả Senna. Năm 1993 là cơ hội để Michael Schumacher kiểm tra lại vị trí thật sự của mình với chiến thắng tại Grand Prix Bồ Đào Nha, đánh bại huyền thoại Alain Prost. Schumacher không còn đơn thuần chỉ còn là niềm hy vọng của F1. Với sự ra đi của các tên tuổi lớn, lần lượt là Nigel Mansell rồi Prost, Michael Schumacher khẳng định mình là đối thủ lớn nhất của Ayrton Senna trước khi mùa giải năm 1994 bắt đầu. Cuộc đối đầu giữa hai thế hệ hứa hẹn vô cùng hấp dẫn khi Schumacher về nhất hai chặng mở màn. Nhưng ở chặng 3, Grand Prix San Marino, tại đường đua Imola, Senna đã tử nạn vì đâm vào rào chắn bê-tông.
Do không chấp hành quy định khi bị phất cờ đen, Schumacher bị cấm thi đấu 2 chặng, để cho Damon Hill của Williams-Renault bắt kịp, trở lại cuộc đua giành ngôi quán quân mùa giải. Cuộc chiến lên đến đỉnh điểm tại chặng cuối cùng, Grand Prix Australia, trên đường đua Adelaide. Cảm thấy không thể theo kịp Hill, lại đang có hơn đối thủ 1 điểm, M. Schumacher đã quyết định húc xe mình vào xe Hill, khiến cả hai cùng phải bỏ cuộc. Cái cách mà tay đua người Đức đoạt ngôi vô địch thế giới lần đầu tiên khiến nhiều người mất thiện cảm với anh. Năm 1995, Schumacher trở thành người trẻ nhất từng hai lần liên tiếp vô địch thế giới. Thành công đến quá nhanh và có vẻ quá dễ dàng. Nhưng để có thể ghi danh vào lịch sử, Schumacher cần một sự ủng hộ hùng hậu. Và người ta sớm biết điểm đến của anh là Ferrari.
Cùng Ferrari vượt qua mọi đối thủ. |
Ferrari là đội đua danh giá nhất nhưng từ sau danh hiệu thế giới của Jody Schkecter năm 1979, họ chưa một lần vươn tới đỉnh cao vinh quang. Dưới quyền điều hành của tân giám đốc thể thao Jean Todt, đội đua màu đỏ bắt đầu công cuộc tái chinh phục làng đua xe Công thức 1. Năm 1996, Schumacher giành 3 chiến thắng cùng Ferrari. Người ta ấn tượng với tài năng bậc thày cùng với tinh thần quyết đấu của anh. Điều lớn nhất mà Ferrari đạt được là tất cả cùng xác định sẽ tập trung toàn bộ vào phục vụ cho Schumacher. Đó là một chiến lược đúng đắn dù nó không phát huy tác dụng ngay lập tức. Năm 1997, Michael Schumacher phải đối mặt với sự cạnh tranh của tay đua trẻ Jacques Villeneuve. Mãi tới tận chặng cuối cùng, thắng bại mới được phân định rõ. Michael Schumacher có lợi thế dẫn đầu đoàn xe đã mất dần nhịp độ và bị tay lái người Canada vượt qua. Không còn biện pháp nào khác, anh quyết định gây tai nạn để cả hai cùng bỏ cuộc, như từng làm 3 năm trước với Damon Hill. Tuy nhiên lần này chỉ có mình Michael Schumacher bay ra ngoài lề đường, trong khi Villeneuve thẳng tiến đến ngôi số một. Vụ việc còn khiến Michael Schumacher không được xếp hạng ở mùa giải này và hơn nữa, đối với người hâm mộ thế giới, nó là một vết nhơ không thể xóa được trong sự nghiệp của ngôi sao người Đức.
Hai năm kế tiếp, chiến thắng chung cuộc đều thuộc về Mika Hakkinen. Giữa mùa giải 1999, tại Grand Prix Anh, Schumacher đâm vào hàng rào dựng bằng lốp xe bên lề đường và gãy chân. Sự vắng mặt trong nhiều tuần của anh gây ra tin đồn đại rằng Michael Schumacher đã đạt tới đỉnh cao sự nghiệp và không còn hào hứng với các cuộc chinh phục. Ngay cả những CĐV trung thành cũng tự hỏi rằng liệu Schumacher - giờ đây đã có vợ và con - có còn dám mạo hiểm mình trước những nguy cơ luôn rình rập trên các đường đua hay không. Câu trả lời đến khi Grand Prix Malaysia được tổ chức lần đầu tiên, trên đường đua hiện đại Sepang. Lần đầu trở lại sau chấn thương, anh đã giúp cho đồng đội Eddie Irvine chiến thắng. Chỉ xếp thứ 5 khi mùa giải kết thúc nhưng Schumacher đã góp phần mang lại cho Ferrari vị trí dẫn đầu sau 2 thập kỷ chờ đợi.
Với những sự đầu tư cải tiến mạnh mẽ, Ferrari trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết. Và cuối cùng Schumacher cũng đã giành ngôi vô địch thế giới cùng đội đua màu đỏ năm 2000. Kết quả tương tự năm 2001 giúp anh san bằng thành tích 4 lần quán quân thế giới của Alain Prost, đồng thời tại Grand Prix Hungary, anh cũng sánh ngang luôn kỷ lục 51 lần về nhất chặng cũng do bậc tiền bối người Pháp nắm giữ. Mùa giải 2002 đặt ra một cái mốc mà có lẽ không ai sau này có thể vượt qua được: Schumacher về nhất 11 trên tổng số 17 grand prix. Với danh hiệu vô địch mùa giải vừa qua, Schumacher đã lập ra kỷ lục mới 6 lần vô địch thế giới. Không chỉ xô đổ tượng đài Juan Manuel Fangio (5 lần chiếm ngôi đầu), tay đua người Đức còn khiến cho giới hâm mộ phải đặt câu hỏi đến bao giờ sẽ có một gương mặt trẻ đủ sức phế truất ngôi vị của anh, như Schumacher từng làm với Ayrton Senna cách đây một thập kỷ.
Thống kê sự nghiệp Michael Schumacher | |||||
Năm | Số GP | Đội | Điểm | Chiến thắng | Xếp hạng |
1991 | 6 | Jordan-Benetton | 4 | 12 | |
1992 | 16 | Benetton | 53 | 1 | 3 |
1993 | 16 | Benetton | 52 | 1 | 4 |
1994 | 14 | Benetton | 92 | 8 | 1 |
1995 | 17 | Benetton | 102 | 9 | 1 |
1996 | 16 | Ferrari | 59 | 3 | 3 |
1997 | 17 | Ferrari | 78 | 5 | Không xếp hạng |
1998 | 16 | Ferrari | 86 | 6 | 2 |
1999 | 10 | Ferrari | 44 | 2 | 5 |
2000 | 17 | Ferrari | 108 | 9 | 1 |
2001 | 17 | Ferrari | 123 | 9 | 1 |
2002 | 17 | Ferrari | 144 | 11 | 1 |
2003 | 16 | Ferrari | 93 | 6 | 1 |
Phạm Lê