Thế là PV Tuổi Trẻ về trọ tại khách sạn mang cái tên rất “ mời gọi” kia và hiểu ra rằng tên của thành phố này, như cách phát âm của người bản địa - Savẳn - chính là thành phố Thiên đường.
Thành phố có hơn 3.000 Việt kiều sinh sống và rất nhiều “ Việt liều”. Là thành phố lớn thứ hai của nước Lào sau thủ đô Vientian, Savanakhet còn được ví như là TP HCM của Lào, tuy nhiên hỏi ra mới hay gọi thành phố Savẳn là cách người ta mơ ước về thủ phủ của vùng Trung - Hạ Lào này thôi chứ Savẳn vẫn chỉ là một thị xã với dân số chừng sáu vạn, chưa bao giờ trên các văn bản hành chính người ta gọi đây là thành phố.
Một góc hàng quán của "Việt liều" - chị Hoa và chị Ngâu Chợ Savẳn - thủ phủ kinh tế miên Trung và Hạ Lào. |
Cho dẫu thế thì với những dự án như hành lang kinh tế Đông Tây, xa lộ xuyên Á... không thể phủ nhận vị trí chiến lược của cái thị xã nằm ngay cửa khẩu Lào - Thái bên dòng Mekong này. Quốc lộ 9, sau 85 cây số trên đất Việt, qua cửa khẩu Lao Bảo xuyên thêm 250 cây số nữa và dừng lại tại bờ đông sông Mekong, thị xã Savẳn nằm nghiêng mình soi bóng ở đây.
Chỉ không đầy hai năm nửa thôi khi cây cầu quốc tế số 2 (còn gọi là cầu Mittafab) nối Savẳn và Mukdahan bên đất Thái Lan, liền mạch xuyên Á, nối thẳng Thái Bình dương với Ấn Độ dương thì thiên đường có lẻ trong tầm tay của người dân nơi đây. Còn với nhiều Việt kiều đang sống ở Savẳn, đây đã là thiên đường cho họ…
Thị xã chỉ 6 vạn dân nhưng ngôi chợ bề thế với kiến trúc rất đặc trưng của Lào khiến người mới đến không khỏi ngỡ ngàng. Có thể gặp rất nhiều người Việt ở đây, từ đại gia đến những người buôn gánh bán bưng.
Ngay cửa vào chợ Savẳn là tiệm vàng Thu Hà, một trong hai tiệm kim hoàn lớn nhất ở đây (tiệm còn lại tên là Lee Lyjien của một chủ nhân Hoa kiều). Vợ chồng chủ tiệm còn rất trẻ. Chị Thu Hà chủ tiệm cho biết cả nhà chị đều theo nghiệp kim hoàn. Điều đó lý giải tại sao nhiều biển tiệm vàng đều mang họ Hà: Hà Thị Thanh Thủy, Hà Thị Thu Hồng, Thu Hiền, Thu Hà, Hà Phi Phương.
Gia đình chị Hà quê gốc ở Đồng Hới (Quảng Bình) nhưng bố mẹ qua định cư ở Savẳn từ lâu, cả mấy chị em đều sinh ra ở đất này. Hồi trước gia đình cũng chỉ buôn bán hàng xén nhỏ ở chợ, khi ấy những mặt hàng “ sang trọng” như buôn bán kim hoàn, điện máy… hầu hết nằm trong tay các chủ nhân người Hoa, sau này, nhờ trì chí, khéo kinh doanh người Việt cũng bắt đầu nhảy vào kinh doanh các mặt hàng mà trước đây chỉ người Hoa độc quyền.
Tiệm vàng của chị bây giờ là một minh chứng. Mới tháng trước, tiệm của chị đã được mời sang Paris nhận giải thưởng quốc tế về chất lượng Gold category Paris 2004 tổ chức hôm 11/10. Thật ra kinh doanh kim hoàn chỉ là một phần của gia đình chị, anh Hiệp chồng chị cho biết ngoài cửa tiệm này anh có một nhà máy gạch công suất 3 triệu viên/năm mà sản xuất không đủ bán và một trung tâm thể dục thể thao liên hoàn với phòng tập Aerobic lẫn hệ thống massage và vật lý trị liệu.
Một “ đại gia” trong giới người Việt thành đạt về kinh doanh ở đất Lào này không thể không nhắc đến là công ty Daohuaong chuyên về xuất nhập khẩu (tên Việt là Công ty Đào Hương) của vợ chồng bà Lượng với cơ sở rải đều từ Vientian về tận Paksé của tỉnh Champasak và ngay ở Savẳn này anh Lê Thanh Sơn, một thành viên trong đại công ty gia đình này cũng đang là chủ nhân của những tòa nhà bề thế nhất. (Khách qua cửa khẩu Lào Việt trên quốc lộ 9 còn có thể thấy một cửa hàng miễn thuế của công ty Đào Hương nằm ngay cửa khẩu Đen Savẳn - đối diện cửa khẩu quốc tế Lao Bảo của Việt Nam).
Ông Nguyễn Lương, giám đốc công ty Xuất nhập khẩu số 11 cũng là một người Việt thành đạt trong kinh doanh. Trong bảng vàng ghi công đóng góp cho các công trình của Hội Việt kiều ở đây, tên của anh Sơn và ông Lương luôn là dẫn đầu danh sách. Đi một vòng quanh Savẳn, những biệt thự khá đẹp với giàn hoa leo, có ôtô đời mới đậu dưới ga ra đều là nhà của Việt kiều.
Buổi sáng ngồi ăn sáng ở khu vực chợ Cũ, quán đề tên hiệu bằng chữ Lào nhưng khách vào quán vẫn gọi đây là quán Tâm - Nga. Anh Tâm là Việt Kiều, gia đình cũng mấy đời làm ăn sinh sống ở đây. Những Việt kiều giàu có như ông Lương, anh Sơn, chị Hà, hay thường thường bậc trung như anh chị Tâm - Nga vẫn thấy Savẳn là thiên đường. Nhưng còn rất nhiều “ Việt liều” gặp ngay dãy quán đằng sau chợ Savẳn thì thân phận họ ở thiên đường còn lắm chông gai.
Tiệm vàng của chị Thu Hà lớn nhất chợ trung tâm Savẳn. |
Gọi là "Việt liều" vì hầu hết họ từ Việt Nam sang đây làm ăn đi bằng hộ chiếu phổ thông hoặc giấy thông hành - nghĩa là thời hạn lưu trú trên đất bạn chỉ một tháng nếu tính theo hộ chiếu, và chỉ được một tuần nếu là đi bằng giấy thông hành, và cũng có người đi chui không giấy tờ gì. Dù thời hạn dài nhất chỉ là một tháng nhưng hầu như ai cũng đều tá túc mưu sinh ở đây vài năm.
Có một cách để không bị phạm luật là mỗi tháng phải dành ra hai ngày mà theo cách nói ở đây là đi “ tò” giấy. Nghĩa là hộ chiếu cho phép nhập cảnh và lưu trú 30 ngày, thì đến ngày thứ 28 bà con nhảy xe về lại Việt Nam, lại làm thủ tục xuất cảnh ở Lao Bảo, sau đó nhập cảnh ở cửa khẩu Đen Savẳn rồi tiếp tục hưởng… 30 ngày hợp lệ cho đến ngày sắp hết hạn lại... đi “ tò” tiếp.
Chị Ngâu người Lộc Bổn (Phú Lộc - Thừa Thiên - Huế) đã khoát tay một vòng chỉ cả dãy quán bảo: "Tất cả dãy này đều dân bên Lộc Bổn làng tui sang hết. Ai cũng mong qua đây dễ làm ăn hơn, nhưng rồi bao nhiêu thủ tục khiến việc làm ăn ngày càng khó. Dãy hàng ở phía Tây chợ hầu hết là bà con bán hàng tạp hóa lặt vặt. Khoảng 70% số hàng là sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là đồ nhựa và bánh kẹo".
Chủ sạp đầu dãy là một phụ nữ còn rất trẻ tên Hoa trên tay bế đứa con đang cho bú, cũng quê Lộc Bổn. Sạp của Hoa bán một ít mực khô và trái cây. Hoa bảo vừa sinh con chưa đầy ba tháng đã bế con theo chồng lên đây làm ăn. Tuy nhiên một tháng tiền đi “ tò” giấy cả hai vợ chồng đã hết 400.000 kíp (600.000 đồng tiền Việt), thuê nhà hết khoảng 200.000 kíp, tiền thuế chợ 300.000 kíp, rồi thuế thân, thuế môn bài...đấy là chưa kể nếu trể ngày đi “ tò” giấy sẽ bị phạt 50.000 kíp/ngày, tính ra cả tháng mất hơn một triệu đồng tiền Việt cho các khoản, thành ra may lắm là đủ ăn.
Chị Ngâu cho biết con cái chị gửi về học ở quê, hai vợ chồng cố thắt lưng buộc bụng kiếm tiền mong có chút vốn rồi về nhưng rồi tằn tiện mấy cũng không dư bao nhiêu.
Nhưng dẫu sao những người ngồi bán ở sạp chợ đã là một may mắn. Không ít người Việt sang đây phải đạp xe chở thùng kem hay quần áo... đi cả trăm cây số mỗi ngày bán rong trong các bản làng… Gian khó như thế nhưng hầu như bà con ai cũng chân chất làm ăn, gọi là “ liều” nhưng không ai theo chuyện bán buôn phạm pháp. Biết chúng tôi là nhà báo, mấy chị bảo: "Các chú có cách chi nói để nhà nước giúp bà con bên ni an tâm mần ăn đỡ khổ cái chuyện “ tò” giấy tờ…".