Hôm 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với ByteDance (công ty mẹ của TikTok) và Tencent (chủ sở hữu WeChat) sau 45 ngày nữa để đảm bảo an ninh quốc gia. Không giống với Tik Tok chỉ hoạt động ngoài Trung Quốc đại lục, WeChat là "siêu ứng dụng" phổ biến nhất tại Trung Quốc với 1,2 tỷ người dùng.
Wechat là trung tâm cuộc sống kỹ thuật số của người Trung Quốc. "Siêu ứng dụng" này cho phép người dùng sử dụng nhiều tính năng bao gồm liên lạc, thanh toán điện tử, ngân hàng, gọi xe, chơi game và mua sắm trực tuyến. Trong thời gian cao điểm của Covid-19 tại Trung Quốc, WeChat cũng vận hành các ứng dụng theo dõi sức khỏe, lịch sử đi lại và phát hiện tiếp xúc gần người bệnh, với sự ủy quyền của chính phủ.
Đối với Zhang Lianping, một chủ doanh nghiệp nhỏ đã nghỉ hưu 72 tuổi, WeChat là cách để bà giữ liên lạc với người thân, bạn học cũ và bạn bè trải khắp các tỉnh Bắc Kinh, Sơn Đông và Liêu Ninh ở Trung Quốc. "Nếu không có WeChat, chúng ta thực sự lạc hậu 40 năm", Zhang nói.
Ngay sau có thông tin về lệnh cấm của Trump, chủ đề này đã thu hút hàng trăm triệu lượt đọc, lượt chia sẻ và bình luận trên mạng xã hội Weibo. Người dùng Trung Quốc bày tỏ thái độ "giận dữ", gọi những lệnh cấm của Trump là "vô lý và điên rồ".
"Có lẽ Trump nghĩ bắt nạt được người Trung Quốc khi Zhang Yiming (nhà sáng lập TikTok) nhượng bộ. Ông đã nhầm", một người dùng Weibo bình luận.
Tiếp theo đó là làn sóng kêu gọi tẩy các thương hiệu của Mỹ cũng diễn ra trên các mạng xã hội Trung Quốc. "Nếu Trump cấm WeChat trên iPhone, không có lý do gì để chúng ta phải mua hàng của Apple. Tôi sẽ ủng hộ Huawei và các nội dung thương hiệu", tài khoản Wanwan viết và nhận được hàng chục nghìn lượt đồng tình.
Không chỉ tại đại lục, những người Trung Quốc đang sinh sống tại Mỹ cũng bày tỏ hoang mang và thất vọng trước lệnh cấm của Trump. "Đây là ứng dụng chính tôi dùng để trò chuyện với cha mẹ mình ở Trung Quốc. Giờ tôi phải nghĩ cách khác để liên lạc với họ", Clare Liu, chuyên gia tài chính sống tại New York nói.
"Căng thẳng thương mại là vấn đề của hai nước, nhưng Trump lại đang trừng phạt dân thường bằng lệnh cấm WeChat, TikTok", Mike Cai, 29 tuổi, chuyên gia công nghệ Trung Quốc sống tại California, chỉ trích.
Theo Bloomberg, lệnh cấm của Trump có thể gây thiệt hại cho doanh số bán iPhone tại Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất của Apple. Anand Srinivasan, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết Trung Quốc chiếm khoảng 20% doanh số bán iPhone của Apple, vì vậy việc rút WeChat ra khỏi App Store (kho ứng dụng) "sẽ là một trở ngại nghiêm trọng" đối với hãng công nghệ Mỹ. Cổ phiếu của Apple đã giảm 2,5% ngay sau khi lệnh cấm được công bố.
Tại một diễn đàn trực tuyến phổ biến với các nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc, khi được hỏi sẽ từ bỏ iPhone hay WeChat nếu Apple loại bỏ ứng dụng này khỏi cửa hàng, có tới 95% số người chọn bỏ điện thoại của Apple nếu không thể sử dụng WeChat.
Vài năm gần đây Apple đã phải vật lộn với việc tiếp tục tăng trưởng ở Trung Quốc khi doanh số bán điện thoại chậm lại. Ngoài ra nếu WeChat bị cấm, hầu hết các dịch vụ trả phí của Apple - như iTunes Store, Apple Books, Apple TV Plus, Apple Arcade, Apple News Plus và Apple Card cũng không khả dụng ở Trung Quốc khiến hãng thiệt hại không nhỏ.
Nếu lệnh cấm được áp dụng và Apple không có giải pháp nào khác, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chuyển sang nhà sản xuất điện thoại thông minh cao cấp khác như Huawei. Như vậy lệnh cấm này cuối cùng có thể mang lại lợi ích cho công ty mà Trump đã tìm cách "đánh chết" trong nhiều năm qua.
Sơn Nam (Theo CNN, Bloomberg, Nikkei, SCMP)