Sau nửa đêm 6/2, những chiếc máy xúc vẫn khẩn trương xới đống đổ nát của các tòa nhà chung cư bị sập giữa thời tiết lạnh giá để tìm kiếm nạn nhân, dù nhân viên cứu hộ biết khả năng tìm thấy những người sống sót là rất mong manh.
Ilker, một kỹ sư môi trường 43 tuổi, có dì bị chôn vùi dưới đống đổ nát của tòa nhà trên Đại lộ Süleyman Demirel, ngoại ô Adana, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đây là một hoạt động phục hồi, không phải giải cứu. "Chúng tôi vẫn đang hy vọng, mặc dù trong thâm tâm chúng tôi biết rằng họ gần như không thể sống sót", ông nói. "Nhưng chúng tôi vẫn nuôi hy vọng cho đến khi nhìn thấy kết quả là gì".
Tòa nhà 16 tầng, với hai căn hộ mỗi tầng, đã sụp đổ hoàn toàn, để lại một gò đất lớn. Ilker nói "trừ khi họ nằm trong một túi tam giác và không bị đóng băng" nếu không tất cả đều bị nghiền nát. 10 tòa nhà khác ở Adana được cho là đã bị sập, lực lượng cứu hộ kêu gọi mọi người giữ im lặng xung quanh các tòa nhà bị phá hủy để họ có thể xác định được tiếng kêu cứu của những người bị mắc kẹt bên dưới.

Những người đàn ông tìm kiếm người giữa đống đổ nát trong một tòa nhà bị phá hủy ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2/2023. Ảnh: AP
Cả ngày 6/2, những người hàng xóm và người thân như Ilker đã duy trì một buổi cầu nguyện thương tiếc nạn nhân trong sân tòa nhà, cuộn mình trong chăn và sưởi ấm quanh đống lửa. Khi đêm xuống, tiếng khóc nức nở của một phụ nữ át cả tiếng máy bay không người lái của đội cứu hộ. Ilker nói sẽ ở lại đến khi xác người dì được tìm thấy, dù cho rằng việc này có thể mất một ngày nữa.
Khi các nhân viên cứu hộ phát hiện ra những bức ảnh từ đống đổ nát, những người hàng xóm và người thân nạn nhân đi xung quanh và cố gắng xác định căn hộ của họ. Ilker nghe nói một số ngôi nhà có tới 10 đứa trẻ sống trong đó. Ông không biết có bao nhiêu người sống ở đó nhưng nói: "Số người được cứu sống đến nay ít hơn nhiều so với con số mà tôi tin là các nạn nhân đang mắc kẹt".
Ilker cho biết một số thi thể được lôi ra từ đống đổ nát dường như bị xé toạc đến mức không thể nhận dạng được. "Không có khuôn mặt, không có đầu", ông nói về một đứa trẻ được lôi ra trước đó.
Trong trận động đất năm 1999, Ilker đã mất bạn bè. "Đây là lần đầu tiên có người thân của tôi. Chúng tôi có những người thân khác ở Kahramanmaras cũng đang nằm dưới đống đổ nát", ông nói khi đề cập đến một thành phố khác gần tâm chấn của trận động đất 7,8 độ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria.
"Tôi tức giận. Mỗi lần sau một trận động đất, đất nước chúng tôi quyết định thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhưng sau một thời gian, chúng tôi quên mất chúng", Ilker nói.
Sau trận động đất mạnh 7,8 độ đầu tiên xảy ra vào khoảng 4h17 sáng 6/2 (giờ địa phương), vô số gia đình bị đè chết khi đang ngủ. Nhưng nhiều người khác vẫn đang kêu cứu, sử dụng điện thoại cung cấp địa chỉ và cầu xin mọi người đến giải cứu khỏi đống đổ nát.
Tại Diyarbakir, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người sống sót nói rằng rung chấn dữ dội đến mức khiến họ cảm thấy chóng mặt và choáng váng. Vào lúc bình minh, sau khi đào bới trong đống đổ nát tìm người thân, những người sống sót kinh hoàng nhìn cảnh cả khu dân cư bị tàn phá toàn bộ.
Tính đến sáng 7/2, có hơn 4.300 người chết trên khắp Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Con số này dự kiến tiếp tục tăng mạnh khi lực lượng cứu hộ đến các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất của cả hai nước. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo số người chết có thể vượt quá 20.000. Hơn 10.000 người bị thương và hàng nghìn tòa nhà đã bị phá hủy.
Tại một cuộc họp sáng 6/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố quốc gia đang hứng chịu "thảm họa lớn nhất kể từ trận động đất Erzincan năm 1939", nhắc đến trận động đất thảm khốc đã giết chết 32.000 người. "Tôi mong Chúa thương xót những công dân đã thiệt mạng trong thảm kịch kinh hoàng này", ông nói.

Một người đàn ông tìm kiếm người thân trong đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, sáng 6/2/2023. Ảnh: AP
Trong số những người sống sót ở thị trấn ven biển phía nam Samandag của Thổ Nhĩ Kỳ có Baris Yapar, một sinh viên cao học 28 tuổi. Ngồi trong xe, Yapar nói anh đang ở ngay bên ngoài tòa nhà của ông bà mình, nơi đã bị sập và họ vẫn mắc kẹt bên trong.
"Tôi đang ngủ trong phòng và bị đánh thức bởi những cơn chấn động khi bố tôi lao vào phòng đánh thức tôi dậy", Yapar nói, kể cả gia đình phải tháo chạy khỏi tòa nhà khi nó rung lắc dữ dội và đi thẳng đến nhà ông bà anh. Nhưng khi đường phố vang lên "tiếng la hét và khóc lóc", anh nhận thấy "tất cả các tòa nhà đã sụp đổ".
Yapar cho biết các nhân viên cứu hộ đã choáng váng trước quy mô của thảm họa. Các đội cứu hộ đã được điều động từ Istanbul và những nơi xa hơn đến hỗ trợ, trong khi người dân chỉ có thể lo lắng và chờ đợi. "Những người như chúng tôi vẫn còn bên ngoài, sợ hãi trở về nhà hoặc chờ đợi nhận thi thể người thân", Yapar nói.
Khó có thể đo lường được mức độ tàn phá của trận động đất thảm họa, trải dài từ các thành phố Hatay và Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ xuống các trại tị nạn phía bắc Syria. Ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, những người bị mắc kẹt trong các tòa nhà đã đăng lời kêu cứu tuyệt vọng lên mạng. "Tôi đang ở dưới đống đổ nát của tòa nhà cùng gia đình, xin hãy giúp đỡ", Muzaffer Bilsin viết, cho biết vị trí của mình ở Kahramanmaraş, một thị trấn phía Tây Bắc Gaziantep, gần tâm chấn trận động đất.
Vài giờ sau, ông Bilsin đăng một tin mới. "Tôi đã dỡ bỏ bức tường đè phía trên và cứu anh trai mình. Nhưng gia đình tôi vẫn ở bên trong, không có âm thanh, không có người nào đến cứu hộ".
Một người sống sót khác ở Kahramanmaraş tên Seyma đã đăng địa chỉ của mình và cầu xin sự giúp đỡ. "Nhà chúng tôi đã bị phá hủy bởi động đất. Chúng tôi vẫn mắc kẹt bên trong và bị những bức tường đè lên. Chúng tôi không thể ra ngoài, pin của tôi sắp hết", cô viết.
Vào lúc 13h ngày 6/2, khi người Thổ Nhĩ Kỳ và người Syria vẫn đang đối mặt nỗi kinh hoàng của trận động đất đầu tiên, một trận động đất nghiêm trọng thứ hai xảy ra với cường độ tương tự 7,7 độ richter. Tại thành phố Malatya thuộc tỉnh Gaziantep, một phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ bỏ chương trình truyền hình trực tiếp về thiệt hại do trận động đất đầu để cứu lấy một cô gái trẻ và chạy đến nơi an toàn. Người quay phim tiếp tục ghi hình khi phóng viên bế cô gái trên tay và đưa cô ra khỏi một tòa nhà vừa mới sụp đổ gần họ.
Phóng viên Melisa Salman, 23 tuổi, sống tại thành phố Kahramanmaras, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: "Vì tôi sống trong vùng động đất nên đã quen với rung chuyển. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi trải qua điều khủng khiếp như vậy. Chúng tôi nghĩ đó là ngày tận thế".
Có một vài tia hy vọng le lói giữa trận động đất tồi tệ nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939. Ngày 6/2, đài tuyền hình NTV Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải tin tức về một đứa trẻ còn sống sót được kéo ra khỏi những tảng bê tông khổng lồ. Bé gái tên Zehra - trông hơi choáng váng và đòi gặp bố - được quấn trong một chiếc chăn len và được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.

Một người đàn ông ôm thi thể một nạn nhân trận động đất ở làng Besnia, Syria, ngày 6/2/2023. Ảnh: AP
Nhưng ở nước láng giềng Syria, nhiều người không may mắn như vậy. Ismail Mohammed, một nhân viên cứu hộ ở vùng nông thôn phía bắc Idlib, đã khóc khi nói rằng 6 tòa nhà liên tiếp bị sập, 5 tầng biến thành đống gạch vụn khổng lồ. "Mỗi một mét vuông đều là nơi sinh sống của các gia đình và giờ họ đang nằm dưới đống đổ nát. Điều này còn tồi tệ hơn cả việc bị đánh bom. Cả khu phố đã bị tàn phá và đổ nát", Mohammed nói.
"Tôi nghĩ đó là phút cuối cùng của mình trên Trái đất", Mohammed nói thêm. "Tôi ôm các con. Chúng tôi sống sót. Sau đó, chúng tôi đi bộ xuống phố và tránh xa bất kỳ tòa nhà nào. Trải nghiệm này khó khăn. Tôi đã la hét và các con không biết chuyện gì đang xảy ra".
Các nhân viên cứu trợ cảnh báo rằng nhiệt độ mùa đông lạnh cóng gây ra nhiều rủi ro hơn cho những người vô gia cư, đặc biệt là những người còn sống trong các trại tị nạn và thị trấn ở miền bắc Syria. Khi màn đêm buông xuống, các nhân viên cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót.
Trong số những người mất nhà cửa có Melih Ozdemir, 31 tuổi, đang ở thành phố Antep thuộc tỉnh Gaziantep cùng gia đình khi cả hai trận động đất xảy ra. Ông Ozdemir cho biết tòa nhà bị sập nặng đến mức trông giống như một chiếc bánh sandwich. "Chúng tôi không biết mình sẽ qua đêm ở đâu", ông nói.
Sơn Nam (Theo Telegraph)