Một buổi chiều, phóng viên gặp bà Phạm Thị Thịnh, người đàn bà ngũ tuần nổi tiếng cả vùng quê Yên Xá (Thanh Tuyền, Thanh Liêm, Hà Nam), nơi có con sông Đáy hiền hòa chảy qua, về mối tình với hai người đàn ông. Cuộc tình "tay ba" ấy cũng khi đục, khi trong giống dòng nước sông Đáy nhưng đến tận giờ họ vẫn ở bên nhau.
Hơn 50 tuổi, trông bà Thịnh phốp pháp, giọng nói lanh lảnh nhưng chứa đựng nhiều tình cảm của một người từng trải, lam lũ. Bà không ngại khi kể về mối tình với hai người đàn ông đi qua đời mình. Giọng kể như hồi tưởng và cũng là để biết ơn những người "chồng" đã giúp bà, cùng bà vượt qua bao cơn phong ba của cuộc đời. Lúc trước khi đến nhà bà Thịnh, hỏi bất kỳ người dân nào ở làng Yên Xá, người ta cũng đều có thể kể vanh vách "giai thoại chưa từng có" tại một làng quê.
Giờ chỉ còn ông Khảm ở lại với bà Thịnh. |
Bà Thịnh nhớ lại thuở thời con gái: "Năm đó, tôi đang học lớp 7 (lớp 9 bây giờ), không giống với những cô bạn cùng làng khác, tôi dậy thì sớm và lớn nhất lớp. Dạo đó, nhiều trai làng theo lắm. Tôi cũng "yêu" một người qua những tờ giấy vứt dưới ngăn kéo bàn học, một thứ tình yêu học trò cảm tính. Một năm sau, tôi gặp anh La Văn Khảm, hơn tôi 10 tuổi, dân lái tàu thủy chở vật liệu xây dựng, quê ở Nam Định, đã trải qua một đời vợ".
Đang nói đến đó, đứa cháu gái ngoại đi chơi về, bà Thịnh chuyển sang đề tài khác. Bà luôn miệng bảo thương cháu, mới bé tí đã mồ côi bố. Chồng con gái bà vốn nghiện ngập, dính vào căn bệnh thế kỷ, rồi chết. Cô con gái cũng bị lây nhiễm từ chồng, bỏ con lại cho bà nuôi đi làm ăn xa dưới tận Hải Phòng. Bà bảo: "Anh thấy đó, nhà cửa trước đông người, giờ chỉ còn tôi và ông Khảm cùng mấy đứa cháu. Con cái đi hết và cả ông Nhất ('chồng' hai) cũng bỏ tôi về quê".
Bà tâm sự rằng sau khi sống không hôn thú với ông Khảm được một thời gian, hai người có với nhau một gái, một trai kháu khỉnh. Bà Thịnh kể tiếp: "Mảnh đất hiện giờ tôi và anh Khảm xin được của xã. Chúng tôi bắt đầu từ hai bàn tay trắng, với hai đứa con. Năm 1985, gia đình tôi gặp khó khăn do mất mùa. Anh Khảm phải đi làm ăn xa, chẳng thấy tăm hơi đâu, còn ba mẹ con ở nhà tôi cứ rau cháo, chạy chợ nuôi con một mình".
Bà cho biết, trong thời gian này, duyên số đã đưa đẩy bà đến với ông Nguyễn Văn Nhất. Bà Thịnh tìm được công việc cạo gỉ, quét sơn tàu qua người thợ sửa chữa tàu cùng quê, Nhất một người đàn ông trẻ dân Chợ Sông (Bình Lục, Hà Nam). Lửa gần rơm cộng với sự khát khao của người đàn bà hai con khiến hai người quấn lấy nhau, ông Nhất về ở hẳn với mẹ con bà.
Đứa cháu ngoại mồ côi bố hiện ở với bà Thịnh. |
Ông Khảm ngồi bên cạnh bà Thịnh thỉnh thoảng lại chêm vài câu vào với "vợ". Ông nói như để thanh minh lại quãng thời gian bỏ bê vợ con ở nhà với nỗi vất vả, cay đắng: "Tôi đi đằng đẵng hơn hai năm về, mọi người cứ nghĩ tôi đã bỏ mạng nơi xứ người. Nhưng trong thời gian đó, tôi vẫn luôn nhớ mình có người vợ và hai con đang đợi mình ở khúc đê làng Yên Xá".
Nói đến chuyện xưa, bà Thịnh nhớ lại cảm giác mà bà không bao giờ quên được: "Tôi và anh Nhất đang 'bén' hơi nhau, bọn trẻ cũng quý 'bố dượng' lắm. Đúng lúc ấy, anh Khảm từ đâu tìm về. Tôi tưởng mình sẽ phải 'hi sinh' một trong hai người. Nhưng việc đó không diễn ra. Các anh ấy đã tự giải quyết theo cách đàn ông". Bà vừa cười, vừa bảo, cứ nghĩ sẽ có "trận chiến" giữa hai người.
"Hai ông ngồi uống rượu và nói chuyện với nhau thế nào mà rôm rả, vui vẻ lắm. Sau đận ấy, trong túp lều tranh có thêm anh Khảm cùng sống", bà Thịnh nói. Cuộc tình tay ba vẫn diễn ra suôn sẻ bởi họ có sự nhường nhịn lẫn nhau. Dần dần, ba người góp tay làm việc và xây được căn nhà gạch ngói cho hai đứa con sống an toàn (bà Thịnh nói rằng không muốn sinh thêm con vì như vậy sẽ gây ra mâu thuẫn giữa hai người đàn ông).
Đề cập cuộc sống sinh hoạt vợ chồng giữa ba người, bà Thịnh không muốn nói vì "cả thẹn". Song ông Khảm thì có vẻ cởi mở hơn về câu chuyện "tế nhị" này. Bà Thịnh bảo rằng, mọi người hàng xóm, thân quen cũng hay hỏi về việc này. Ông nửa đùa, nửa thật xen ngang lời bà Thịnh: "Thì biết làm thế nào, hai chúng tôi chia nhau mỗi người nằm một bên bà ấy. Thỉnh thoảng, tôi hay ông Nhất ra nằm chung với con chúng tôi".
Ông Khảm vẫn nhớ anh bạn già sống với nhau hơn hai chục năm nay. Ông bảo rằng có khuyên nhiều lắm để giữ ông Nhất ở lại nhưng "dường như khi sắp gần đất xa trời, người ta hay nhớ về cố hương, họ hàng" nên ông Nhất một mực muốn về quê ở Bình Lục sống. "Anh thấy đó, hai thân già lủi thủi, thỉnh thoảng ông Nhất mới liên lạc. Con gái, con trai đi hết, ngay cả những đứa con của em gái bà Thịnh cũng mỗi đứa một nơi", ông Khảm than.
Nói đến những người cháu ruột, bà Thịnh bảo chúng khổ vì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Một mình bà dắt ba cháu từ Yên Bái về nuôi rồi dựng vợ gả chồng cho chúng. Giờ bà chỉ đau đáu buồn vì ông Nhất bỏ bà về quê sống khi tuổi đã xế chiều, bà Thịnh vẫn nhớ "chồng mình" bảo thủ, đã quyết việc gì thì phải làm bằng được, cho nên bà không nài ép ông Nhất, miễn là "trong tâm tưởng, anh ấy vẫn là chồng tôi, tôi vẫn là người vợ hơn hai mươi năm nay".
Quang Việt