Bà Haruko Niitsu đã làm công việc dọn dẹp hơn 25 năm kể từ khi đến Nhật Bản năm 17 tuổi. Bằng kỹ năng nghề nghiệp của mình, từ một nhân viên, tới năm 2017, bà là trưởng nhóm quản lý khoảng 500 nhân viên vệ sinh tại sân bay Haneda. Sau đó, một chương trình truyền hình đã giới thiệu lối sống và thái độ làm việc của Niitsu tới người dân Nhật, tạo thành một chủ đề nóng. Được sự ủng hộ của mọi người, cuốn sách do bà Niitsu viết đã gây được tiếng vang lớn, đồng thời bà cũng được yêu cầu giảng dạy nên rất bận rộn.
Tờ Nikkei đã nói chuyện với bà về con đường người phụ nữ này đã đi để phát triển tính chuyên nghiệp trong công việc dọn dẹp và về vị trí quản lý của bà.
Bắt đầu công việc dọn dẹp để kiếm sống khi còn học trung học
Bà Niitsu sinh ra và lớn lên ở Thẩm Dương, Trung Quốc. Khi còn trẻ, bà thích sống nội tâm và không giỏi giao tiếp hay nói chuyện với mọi người. "Tôi có một người chị hơn hai tuổi, chị ấy đã làm tất cả việc nhà, kể cả nấu ăn và dọn dẹp. Chị tôi quá siêng năng nên tôi không phải làm gì cả", bà nói.
Nhưng trong ba anh chị em, bà là người mũm mĩm và khỏe mạnh nên gia đình thường coi bà như con trai. Khi đi mua sắm, Niitsu phụ trách xách hành lý. Bà cũng thích các hoạt động thể chất như cầu lông, bi-a, ném tạ và bóng bàn, và nói rằng sức mạnh thể chất của mình đến một cách tự nhiên.
"Khi học trung học, tôi bắt đầu làm công việc dọn dẹp bán thời gian tại một công ty nhỏ. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc đi làm thì sẽ được trả lương, học nghề này thì sẽ kiếm được việc khác", bà cho hay.
Lấy cảm hứng làm việc từ câu nói: 'Chúng tôi không cần phụ nữ'
"Tôi tiếp tục làm công việc dọn dẹp bán thời gian, cho hơn chục công ty, nhưng mỗi nơi có một phương pháp dọn dẹp khác nhau. Vì thế, tôi đến trường dạy nghề dọn dẹp khoảng nửa năm để học đàng hoàng và đó là lúc công việc của tôi có bước ngoặt đầu tiên", bà nói.
Bà cho biết có rất nhiều kiểu dọn dẹp, từ những việc thường ngày đến việc đặc biệt, và bà đã thuộc lòng tất cả. Khi bà đang nghĩ xem nên học gì tiếp theo, giáo viên chủ nhiệm nói: "Sân bay là những tòa nhà đặc biệt, vậy tại sao bạn không thử làm việc ở đó"'. Đó là cơ duyên khiến bà bước chân sang Nhật Bản năm 17 tuổi, bắt đầu làm công việc dọn dẹp để kiếm sống.
Nhưng lúc đầu đi xin việc, người ta bảo Niitsu: "Chúng tôi không cần phụ nữ, không tuyển nhân viên". "Tôi tức giận khi họ nói rằng không cần phụ nữ. Vì vậy, tôi nghĩ nếu tôi làm việc như đàn ông thì sẽ không có vấn đề gì, đó chỉ là công việc bán thời gian thôi nên tôi đã gia nhập công ty Japan Airport Techno", bà thuật lại.
Lúc đó tại Nhật vẫn còn sự phân biệt giới tính, phụ nữ bị cho là không có khả năng làm việc và không thích hợp để quản lý. ''Cách suy nghĩ của tôi khác với người Nhật, và tôi nói ra suy nghĩ của mình với họ. Điều quan trọng là phải nói ra suy nghĩ của mình thay vì chỉ làm việc mà không nói gì. Nếu bạn hành động sau khi nêu quan điểm, người đối diện sẽ nhìn nhận được và điều đó dẫn tới các đánh giá tích cực. Tôi nghĩ điều này là hoàn toàn cần thiết để phụ nữ có thể thành công trước đàn ông", bà tiếp tục.
Nói là một chuyện nhưng Niitsu tâm niệm mình cần học tập và luôn nỗ lực làm tốt hơn những người khác, nếu không sẽ không được công nhận. Ban ngày bà đi làm ở một chỗ, ban tối lại nơi khác, ngủ vài tiếng rồi thức dậy đi làm.
Về phương pháp học hỏi trong công việc, Niitsu cho hay: "Tôi không nghĩ mình thông minh lắm nên tôi phải nỗ lực hơn hầu hết mọi người để học được điều gì đó. Nếu không phải sử dụng trí óc, tôi có thể học mọi thứ bằng cơ thể. Tôi luôn sử dụng điều đó".
Bà Niitsu luôn có mong muốn tiến bộ mạnh mẽ, tiếp tục tự mình ghi nhớ nhiều thứ và hoàn thành chúng. Với nỗ lực hàng ngày trong công việc, bà là một trong những người góp phần khiến sân bay Haneda được bình chọn là "Sân bay sạch nhất thế giới" vào các năm 2013, 2014 và 2016.
Tháng 4/2015, bà đảm nhận vai trò Chuyên gia Môi trường, tập trung vào hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao kiến thức cũng như đào tạo nhân viên trẻ. Năm 2017, bà làm lãnh đạo của khoảng 500 nhân viên vệ sinh.
"Công việc của tôi là hướng dẫn hậu bối và đề xuất những kỹ thuật mới. Tôi không có ý định dạy người khác. Tôi càng ép buộc mọi người thì họ càng muốn tránh xa. Vì vậy, tôi cố gắng giao tiếp với họ bằng cách suy nghĩ giống như một đồng nghiệp hơn là một giáo viên, tôi tạo ra một môi trường mà mọi người đều muốn được tôi dạy một cách tự nhiên", bà tiếp tục.
Mặt khác, Niitsu cho rằng để tồn tại trong tương lai, điều quan trọng là bạn cần buộc bản thân phải suy nghĩ. ''Nếu bạn nghĩ mình sẽ hành động vì được yêu cầu làm điều gì đó, hoặc rằng điều đó là bình thường vì bạn không được yêu cầu làm như vậy, bạn sẽ luôn cần người khác chỉ bảo mình phải làm gì. Nếu bạn chỉ làm những gì được yêu cầu, khi đó công việc sẽ không còn thú vị nữa", bà cho hay.
Hằng Trần (Theo Nikkei)