Người mẹ 23 tuổi tên Shafiya, đến từ bang Uttar Pradesh, bị thương nghiêm trọng khi mới mang thai được 40 ngày. Cô bị ngã xe máy và không đội mũ bảo hiểm.
Theo Independent, chiếc khăn choàng (burqa) của Shafiya bị kẹt vào bánh sau, khi chồng cô đang cầm lái, khiến chiếc xe gặp tai nạn. Vụ việc xảy ra hồi tháng Ba và Shafiya bị thương nghiêm trọng ở đầu, rơi vào tình trạng hôn mê.
Người phụ nữ Ấn Độ đã trải qua 5 ca phẫu thuật thần kinh khác nhau tại bệnh viện Viện Khoa học Y khoa toàn Ấn Độ (AIIMS) ở Bulandshahr. Cô cũng phải nằm máy trợ thở một thời gian và phải cắt bỏ một đoạn hộp sọ để giảm áp lực lên não.
Các bác sĩ cũng đã phải đứng trước quyết định khó khăn có nên chấm dứt thai kỳ của Shafiya hay không. Sau khi siêu âm và thấy thai kỳ của Shafiya vẫn phát triển bình thường, cuối cùng họ gợi ý gia đình nên tiếp tục để Shafiya mang thai.
Dù chỉ có 10-15% cơ hội tỉnh dậy sau hôn mê, hôm 22/10, Shafiya khiến các bác sĩ bất ngờ khi sinh con gái khỏe mạnh. Hiện tại, cô đã không còn phải nằm máy thở, thỉnh thoảng cử động được đầu và hai chân, khiến nhiều người hy vọng một ngày nào đó cô sẽ tỉnh dậy để gặp con.
Bác sĩ phẫu thuật Deepak Gupta gọi đây là trường hợp "đặc biệt bất thường". Bác sĩ cho biết thêm: "Tôi chưa từng gặp trường hợp nào như thế này trong 22 năm công tác ngành phẫu thuật thần kinh ở AIIMS. Hiện bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe ổn định và không cần nằm máy thở nữa".
Theo Gupta, một số người tỏ ra chống đối hay miễn cưỡng với việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy, đặc biệt là nhóm cộng đồng Hồi giáo và đạo Sikh. "Tuy nhiên, phụ nữ hay bất cứ ai ngồi xe máy hay xe hai bánh cũng nên đội mũ bảo hiểm", ông nói.
Thông thường, những người bị hôn mê có hoạt động não tối thiểu và giảm các phản xạ cơ bản như ho, nuốt. Họ cũng thường không phản ứng với âm thanh, cảm giác đau đớn hay giao tiếp, di chuyển. Tuy nhiên, bệnh nhân hôn mê phần lớn vẫn khỏe mạnh. Các cơ quan trong cơ thể họ vẫn hoạt động và có thể nuôi em bé đang phát triển trong bụng.
Hướng Dương (Theo Independentm Mail)