Năm 2005, bà Li Dongju, đến từ tỉnh Hà Nam, từng bị trầm cảm sau khi chồng bà vừa ly hôn đã cưới vợ hai. Bà phải nhập viện điều trị tâm thần. Trong đoạn video được chia sẻ hôm 4/3, Li nói với Jiuupai News rằng chính việc đạp xe và cuộc sống trên con đường rộng mở đã giúp bà khỏi bệnh.
Sau khi mua chiếc xe đạp leo núi đầu tiên năm 2013, người phụ nữ từng làm công nhân nhà máy dệt và bị mất việc trong đợt sa thải hàng loạt ở Trung Quốc đã tìm được hướng đi của cuộc đời.
Từ năm 2014 đến 2022, Li trở thành biểu tượng của sự tự do, khi cùng chiếc xe đạp băng qua 12 quốc gia trên ba lục địa: châu Á, châu Âu và Úc. Dù chỉ biết tiếng Trung Quốc, Li vẫn một mình đến những vùng đất xa lạ và giao tiếp với mọi người bằng phần mềm phiên dịch. Với số tiền ít ỏi, bà Li phải ngủ đêm dưới tấm vải bạt và đi theo những người phụ nữ lớn tuổi địa phương đến siêu thị mua thực phẩm giảm giá.

Bà Li thường rong ruổi trên những con đường cùng chú chó cưng và chiếc xe đạp. Ảnh: Weibo
Khi đạp xe trong địa phận Trung Quốc, Li đặt chú chó cưng Xili vào giỏ xe đi cùng. Người phụ nữ, hiện 65 tuổi, cho biết đạp xe khiến bà có cảm giác như "một con chim đang bay lượn", nói thêm rằng bà thấy thích thú với cuộc sống trên các ngả đường vì "nó mang lại niềm hạnh phúc mà tiền bạc không thể mua được". Li cho biết bà từng không uống thuốc chống trầm cảm trong một chuyến đạp xe và quên mình đang bị bệnh.
Tuy nhiên, khi phát hiện ra người chồng từng khiến mình đau khổ tinh thần tột độ đang mắc bệnh, bà quyết định từ bỏ sự tự do của bản thân để chăm sóc ông. Quyết định này của Li khiến nhiều người dùng mạng xã hội thấy "không thể tin".
Li cho hay những chuỗi ngày rong ruổi, thăm thú đó đây của bà đã kết thúc, bởi bà hiện hàng ngày chăm sóc chồng cũ, người đang nằm liệt giường do huyết khối não. "Bây giờ, tôi không còn hận ông ấy nữa", Li đáp lại trước những ý kiến phản đối của người dùng mạng Trung Quốc.

Người phụ nữ này khẳng định đạp xe đã giúp bà mở ra một thế giới của riêng mình và thay đổi thái độ với cuộc sống. Ảnh: Weibo
Quyết định của Li gây ra tranh cãi và dẫn đến những cuộc tranh luận về vai trò giới. "Tôi suýt ngất khi nhìn thấy cảnh này. Tại sao sau tất cả mọi chuyện, bà ấy vẫn có thể quay lại cuộc sống gia đình với một người đã làm tổn thương mình nặng nề như vậy?", một phụ nữ đặt câu hỏi.
Một người khác tỏ ra thấu hiểu: "Thế hệ cũ hoài cổ hơn. Tôi không ủng hộ quyết định của bà ấy, nhưng tôi hiểu điều đó".
"Nữ quyền là việc phụ nữ có quyền tự do lựa chọn cuộc sống mình muốn", người thứ ba nói khi trích dẫn ví dụ về biểu tượng nữ quyền, nhà xã hội học Nhật Bản Chizuko Ueno. Người này cũng nói thêm cô tôn trọng Li, cho rằng bà "vẫn còn một điểm yếu trong trái tim sau khi trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ hơn thông qua những chuyến đạp xe của mình".
Hướng Dương (Theo SCMP)