Hiện trường vụ cá sấu tấn công ở sông Air Bial, Indonesia. Video: Asia Pacific Press
Khi đang hái rau muống cùng ba người bạn, Kolengsusu bỗng bị một con cá sấu khổng lồ ngoạm vào chân. Nạn nhân cố gắng kêu cứu và vùng vẫy để thoát khỏi hàm cá sấu. Bạn bè của Kolengsusu cũng cố kéo cô lên bờ, nhưng không thành. Con cá sấu quá khỏe đã kéo nạn nhân xuống nước.
Những người đi cùng chạy về làng để tìm người ra giúp. Tuy nhiên, khi lực lượng cứu hộ và người dân địa phương đến hiện trường, Kolengsusu đã tử vong.
Trong video được ghi lại sau vụ tấn công, con cá sấu bơi gần bờ với thi thể nạn nhân trong miệng. Nó tiếp tục bơi quanh sông trong khoảng hai giờ trước khi nhả thi thể ra.

Cá sấu ngậm thi thể nạn nhân bơi trên sông. Ảnh: Asia Pacific Press
Cảnh sát địa phương cho biết: "Nạn nhân và ba người bạn của cô ấy đã hái rau muống ở bên kia sông. Một giờ sau, khi họ đang qua sông để về nhà thì nạn nhân bất ngờ kêu cứu. Cô ấy hét lên 'cứu tôi với, tôi gặp nguy hiểm!'. Lúc đó, cô ấy đang ở phía sau nhóm và bị chìm giữa sông. Một trong những người bạn, Wati, đã cố gắng kéo nạn nhân vào bờ, nhưng đành buông tay vì sợ bị đuối nước theo. Sau hơn hai giờ tìm kiếm, nạn nhân được phát hiện đã qua đời. Thi thể nạn nhân được đưa về nhà để lo hậu sự. Cảnh sát Nam Buru sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để thảo luận về các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Hy vọng trong tương lai sẽ không còn trường hợp tử vong nào do cá sấu gây ra nữa".

Nạn nhân Kolengsusu trước khi qua đời. Ảnh: Asia Pacific Press
Quần đảo Indonesia là nơi sinh sống của 14 loài cá sấu, trong đó có một quần thể lớn cá sấu nước mặn hung dữ. Các nhà bảo tồn tin rằng việc đánh bắt quá mức đã làm giảm nguồn thức ăn tự nhiên của cá sấu, kết hợp với việc mất môi trường sống do sự phát triển của các khu vực ven biển thành trang trại, đã khiến cá sấu di chuyển sâu hơn vào đất liền, gần các khu dân cư hơn.
Việc khai thác thiếc tràn lan cũng khiến người dân lấn chiếm môi trường sống tự nhiên của cá sấu, đẩy chúng đến gần nhà của người dân hơn. Với việc người dân địa phương tiếp tục tắm sông và đánh cá bất chấp nguy hiểm, khiến số vụ cá sấu tấn công ngày càng tăng. Indonesia là nơi xảy ra nhiều vụ cá sấu nước mặn tấn công nhất thế giới, với khoảng 1.000 vụ tính từ 2013 đến 2023, khiến hơn 450 người thiệt mạng.
Tùng Anh (Theo Mail)