Theo Monitor, Mariam Nabatanzi, 37 tuổi, sống tại làng Kabimbiri, quận Mukono, Uganda có tới 38 đứa con, phần lớn đều sinh bằng ra bằng phương pháp đẻ thường, riêng em bé cuối cùng là sinh mổ.
Nabatanzi sinh con đầu lòng khi mới 13 tuổi, khi đó cô mang thai đôi. Người mẹ này có tổng cộng 6 cặp sinh đôi, 4 cặp sinh ba, 3 cặp sinh bốn và 2 đứa trẻ được sinh ra từ hai lần mang thai đơn. Trong 38 đứa trẻ có 10 bé gái và 28 bé trai, con đầu của người mẹ này hiện 23 tuổi và nhỏ nhất là 4 tháng tuổi. Cô cũng không hề cảm thấy bất thường khi có tới 38 con bởi bố đẻ của cô còn có đến 45 đứa con với nhiều bà vợ khác nhau.
Nabatanzi bị gia đình ép lấy chồng từ năm 12 tuổi, chồng cô khi đó đã 40 tuổi. Cuộc sống hôn nhân của cô vô cùng khó khăn. "Chồng tôi đã có nhiều đời vợ và con riêng. Họ bỏ đi và tôi phải chăm sóc cả con riêng của ông ấy. Ông ấy còn rất bạo lực, tôi bị chồng đánh vô số lần, đặc biệt là những lúc ông ấy say rượu. Ông ấy không chu cấp được gì cho gia đình, lũ trẻ còn gần như không biết mặt bố vì ông ấy thường xuyên không ở nhà. Tôi đã luôn chịu đựng, nhẫn nhịn vì dì của tôi khuyên tôi phải làm như vậy để gìn giữ hôn nhân", Nabatanzi tâm sự.
Charles Musisi, 23 tuổi, con trai lớn của Nabatanzi, cho biết bố anh đã "biến mất" từ rất lâu và 38 anh chị em lớn lên hoàn toàn nhờ vào tình yêu thương của mẹ. “Anh chị em chúng tôi không biết mặt bố như thế nào. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông ấy là vào một đêm tối hồi tôi 13 tuổi, thời gian gặp diễn ra rất chóng vánh", Charles nói.
Mỗi ngày, Nabatanzi phải mua 10 kg bột ngô, 4 kg đường và 3 thanh xà phòng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Hiện cô làm nghề thu mua, phân phối nước sạch để kiếm tiền nuôi con. Ngoài ra, để nuôi sống gia đình, người mẹ này còn làm một số công việc khác như làm tóc cho cô dâu, trang trí sự kiện... "Tôi không kén chọn công việc nào hết, miễn là nó kiếm ra tiền. Lũ trẻ là những món quà mà Chúa ban tặng cho tôi, tôi sẽ cố hết sức vì chúng", cô chia sẻ.
Tuy cô không được học hành tử tế song rất chú tâm đến chuyện học tập của các con: "Tôi hy vọng lũ trẻ đều được đến trường, chúng mơ ước trở thành bác sĩ, giáo viên, luật sư. Tôi muốn chúng được theo đuổi ước mơ của mình, thứ mà tôi đã không làm được".
Ở lần sinh nở thứ 6, khi đã có 18 đứa trẻ, Nabatanzi muốn dừng lại và đến gặp bác sĩ tại bệnh viện Namaliili. Tuy nhiên bác sĩ nói với cô rằng cô không thể dừng đẻ vì cô có một buồng trứng quá lớn và rụng nhiều nên nếu can thiệp có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tiến sĩ Ahmed Kikomeko tại Bệnh viện Kawempe cho rằng: “Việc ngăn trứng không thụ tinh không chỉ tiêu diệt hệ thống sinh sản của người phụ nữ này mà thậm chí còn khiến cô mất mạng". Sau đó, cô được khuyên dùng vòng tránh thai nhưng biện pháp này đã không phù hợp, cô bị ốm, nôn ói, thậm chí hôn mê trong suốt một tháng nên buộc phải tháo vòng.
Cho đến lần gần đây nhất, khi sinh đứa con út, người phụ nữ này lại tiếp tục hỏi ý kiến bác sĩ về việc dừng chuyện sinh nở. Sau khi giúp cô sinh mổ, các bác sĩ đã thông báo với cô rằng: "Chúng tôi đã cắt tử cung của cô".
Bác sĩ khoa sản Charles Kiggundu sau khi biết về trường hợp của Nabatanzi cho rằng việc sinh nở nhiều của cô có khả năng liên quan đến yếu tố di truyền từ bố. Theo chuyên gia này, các bác sĩ nên giúp cô thắt ống dẫn trứng thay vì cắt bỏ tử cung.
Thảo Nhi