Năm 1988, khi mới tròn 20 tuổi, bà Hải (phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) bắt đầu bước chân về nhà chồng. Một năm sau, bà Hải sinh đứa con đầu tiên.
Trung bình cứ hai năm tiếp theo, người phụ nữ này lại đẻ một lần. 8 người con trai, 6 cô con gái, đều được bà Hải sinh tại nhà, không đến cơ sở y tế. Thậm chí, người con trai đầu bà còn đẻ rơi, khi đang đi chợ bán cua cá ở phường Mỗ Lao (quận Hà Đông). Hai con út đẻ rơi ngoài đồng, bà Hải tự tay cắt rốn cho con rồi mới ẵm về nhà.
Bà Hải kể, có đông con cũng không phải chủ đích. Nhiều lúc bản thân bà cũng chẳng biết mình đã mang bầu, nhưng khi biết rồi thì cũng không nỡ phá. "Đến khi bụng to đùng, sắp đẻ rồi tôi mới biết là mình có bầu. Nếu bỏ sẽ mang tội, nên tôi cứ vậy mà đẻ thôi", bà Hải chia sẻ.
Sinh con nhiều khiến bà Hải cùng chồng phải quay quắt mưu sinh. Có lẽ vì vậy, mà ở cái tuổi 53, bà Hải nhìn già hơn so với những người khác. Gương mặt khắc khổ, mái tóc cũng đã chuyển dần từ đen sang trắng.
Bà kể, từ khi lập gia đình, chưa có hôm nào có được một giấc ngủ trọn vẹn. Bữa ăn này chưa qua, đã phải lo tới bữa kế tiếp. Sợ nhất mỗi khi Tết đến. Có năm nhà chẳng còn gạo, bà Hải chạy quanh xóm vay được 200 nghìn đồng, mua chịu vài lạng miến cho các con nhỏ ăn Tết.
Trong số 14 người con của bà Hải, chỉ có đứa lớn là học được tới lớp 11. Những đứa sau đó đều bỏ dở việc học khi chưa hết cấp 2. Hiện vẫn còn 3 đứa con đang đi học, nhưng bà Hải cũng không biết khi nào thì chúng nghỉ. "Thì cứ cho học cho tới khi không còn làm được tiền nữa thì thôi, nhưng đứa nào cũng không thích học", bà Hải nói.
Năm 2015, một người con của bà Hải qua đời khi mới hơn 13 tháng tuổi. Một năm sau, người chồng cũng bỏ bà Hải ra đi.
Bây giờ, khi có những người con đã được dựng vợ gả chồng, bà Hải vẫn chưa nhờ vả được đứa nào. "Chúng nó đều có cuộc sống riêng cả, có đứa còn không lo nổi cho cuộc sống của nó thì lo gì cho mẹ. Nuôi các con từ khi lọt lòng đến nay nhưng tôi chưa bao giờ nhận được câu nói của con 'mẹ ơi con đi làm có đồng lương, mẹ cầm mẹ mua cái bánh'. Nhiều lúc tôi nghĩ cũng tủi thân lắm, đêm không ngủ được", bà Hải nói.
Để tiếp tục cuộc sống, bà Hải ngày ngày vẫn bì bõm dưới những ao, đầm ở Hà Đông để kiếm con cua, con cá, ai gọi gì thì làm nấy.
Tối về, mấy mẹ con bà Hải ngủ chung trên một cái giường bé tẹo. Cửa nhà cũng chẳng bao giờ phải khóa khi bên trong không có nổi một thứ đồ đáng giá. Bốn bức tường là những tấm bạt cũ mèm đã rách toang toác. Một bên hông nhà là bếp kiềng, một bên là chuồng nuôi bò, quanh năm mẹ con ngủ đều phải mắc màn bởi muỗi đốt không ngủ nổi.
Chỗ đất mà mẹ con bà Hải dựng nhà tạm nằm chơ vơ giữa cánh đồng, bao quanh là những hồ nước lớn. Nhìn ra phía xa là một loạt tòa nhà cao ốc đang mọc lên, không lâu nữa sẽ lan tới chỗ ở của bà Hải.
Tài sản quý nhất lúc này là hai con bò, một con được nhà nước tặng, một con được bà Hải tích cóp mua thêm. Đứa con gái ngày ngày phụ mẹ chăn dắt để các em có thời gian đi học ở trường.
Ôm đứa cháu ngồi ở bậu cửa, bà Hải nói cuộc đời này chưa thấy ai khổ như mình. Mọi người một năm đi làm 365 ngày còn bà đi làm đến 500 ngày cũng có. "Tối mọi người nghỉ ngơi tôi lại cặm cụi làm đủ việc, 4h sáng dậy kéo lưới kiếm con cua, con cá đi chợ bán kiếm tiền lo cho các con", bà Hải tâm sự.
Hơn 30 năm nay kể từ sau khi lập gia đình, đến giờ, bà Hải vẫn không thấy hối hận vì sinh nhiều con. Điều mà bà hối hận nhất là không thể quan tâm các con theo đúng nghĩa, nhất là sau khi chồng qua đời.
Tháng 1/2021, bốn đứa con của bà Hải, trong đó đứa lớn 18 tuổi, đứa bé 16 tuổi vướng phải vòng lao lý khi gây ra hàng loạt vụ cướp giật. Hôm công an tới nhà, bà Hải mới biết con bị bắt.
"Tôi dặn các con phải kiếm ra đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt của mình mới thấm thía và trân trọng. Cuối cùng các con làm mất hết sự tử tế mà tôi đã giữ bấy lâu nay", bà Hải nói.
Phạm Chiểu