Cách đây chưa đầy một tháng, Singapore được ngợi khen là một trong những quốc gia có mô hình chống Covid-19 hiệu quả, trở thành hình mẫu của thế giới khi ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh mà không cần áp đặt biện pháp phong tỏa như nhiều nước khác. Tuy nhiên, hiện Singapore đã vượt Indonesia, trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 8.014 ca. Phần lớn ca nhiễm mới là những người lao động nước ngoài có thu nhập thấp, sống trong ký túc xá.
Sau khi số ca nhiễm tăng đột biến vào đầu tháng 4, Singapore đã đóng cửa trường học, hạn chế người dân ra đường và phong tỏa một số khu dân cư có bệnh nhân Covid-19. Điều này khiến nhiều người lao động nghèo ở đảo quốc này phải chật vật vì mất việc làm. Sam là một trường hợp điển hình, công việc bán hàng ở căng tin trường học của anh đã bị mất khi Bộ Giáo dục (MOE) đóng cửa các trường vào đầu tháng 4.

Vợ chồng Sam trong căn hộ thuê hai phòng ở khu Ang Mo Kio, Đông Bắc Singapore. Ảnh: Straitstimes.
Dù nằm trong danh sách được nhận khoản trợ cấp 1.200 USD của chính phủ do tác động của Covid-19, gia đình Sam, hiện sống trong căn hộ thuê hai phòng chật chội ở khu Ang Mo Kio, vẫn chật vật duy trì cuộc sống. Khoản trợ cấp này được giải ngân theo từng đợt và gia đình Sam mới nhận được 600 USD, đang chờ đợt tiếp theo vào đầu tháng 5.
Ngoài ra, việc đóng cửa các trường học đồng nghĩa với việc Sam phải nuôi con ngày ba bữa, trước đó chúng được hưởng bữa ăn miễn phí tại trường. Nhưng điều tồi tệ nhất với gia đình Sam chính là việc các con anh không thể học trực tuyến theo quy định của Bộ Giáo dục bởi nơi họ ở không có Internet tốc độ cao đáp ứng nhu cầu học tại nhà.
Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung cho rằng những học sinh từ gia đình thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi trường học đóng cửa. Vì vậy các trường sẽ cung cấp không gian an toàn tại trường để các em có thể tới dùng máy tính và Internet học bài với sự giám sát của giáo viên. Nhưng Sam muốn bảo vệ con mình khỏi bị lây nhiễm nên không muốn chúng ra ngoài.
"Có những ca nhiễm mới gần đó, thậm chí cả giáo viên cũng mắc bệnh. Tôi không thể để các con mình mạo hiểm được", Sam nói.
Hiện tại, các tình nguyện viên đã giúp đỡ gia đình Sam bằng cách cung cấp một máy tính xách tay và một gói đường truyền miễn phí giúp các con anh có thể truy cập Internet và học online dễ dàng hơn. Bốn người con của Sam, hai bé học tiểu học và hai bé trung học, cùng nhau chia thời gian sử dụng chiếc máy tính được hỗ trợ.
Bà Joyz Tan, trợ lý giám đốc tại Trung tâm dịch vụ gia đình Fei Yue, nhận định cần có sự hỗ trợ đầy đủ cho các gia đình đông con, những người "bị ép" vào những căn hộ nhỏ suốt cả ngày.
"Một số khách hàng của chúng tôi có 9 thành viên, trong đó có 7 trẻ nhỏ. Bạn thử tưởng tượng xem họ cần hỗ trợ bao nhiêu cho nhu cầu học tập và thực phẩm tại nhà", Tan nói và cho biết một số trẻ phải học ở cầu thang chung cư bởi trong nhà quá chật chội và ồn ào.
Đây không phải là lần tiên gia đình Sam rơi vào bế tắc. Họ từng là người vô gia cư, sống trong căn lều bên bãi biển trước khi có tiền thuê căn nhà hiện tại vào năm 2009. Con trai Sam cũng trải qua nhiều ca phẫu thuật chữa các dị tật bẩm sinh khiến gia đình càng thêm chật vật. Dù vậy, họ chưa bao giờ trải qua khó khăn như lúc này.
"Tôi đã đi phỏng vấn xin việc khắp nơi nhưng không ai cần. Nếu tiếp tục thất nghiệp thế này, tôi không biết lấy gì nuôi gia đình", Sam nói.
Sơn Nam (Theo Straits Times)