Câu hỏi "Bạn khỏe không?" được đánh giá không mang ý nghĩa gì trong giao tiếp. Lý do bởi người hỏi không thực sự muốn biết và người trả lời không nói sự thật. Vì thế, cơ hội trao đổi, giao lưu mất đi vì không xây dựng được sự kết nối nào.
Chìa khóa để tận dụng tối đa cuộc trò chuyện nho nhỏ, theo các nhà nghiên cứu của Harvard, đơn giản là yêu cầu người khác theo dõi câu hỏi. Trong một loạt thử nghiệm, các nhà nghiên cứu ở Harvard đã phân tích hơn 300 cuộc trò chuyện trực tuyến và nhận thấy những người được hỏi những câu có ý nghĩa hơn (không phải là "bạn có khỏe không?" hoặc " bạn làm nghề gì?") sẽ thấy người khác dễ mến hơn nhiều.
Các nhà nghiên cứu viết: "Khi mọi người đặt nhiều câu hỏi hơn, họ được coi là có khả năng phản hồi cao hơn, một cấu trúc giữa các cá nhân thu hút sự lắng nghe, hiểu biết, xác nhận và quan tâm".
Vậy làm thế nào để bạn chuyển từ một người kín tiếng trở thành một người lôi cuốn và thú vị? Nó phụ thuộc vào câu hỏi bạn bắt đầu và sau đó bạn có thể tập trung vào chuỗi câu hỏi tiếp theo. Dưới đây là 7 cách để có một cuộc trò chuyện ý nghĩa.
1. Sử dụng thủ thuật A.C.T. để kết nối
Một cuộc trò chuyện đáp ứng được A.C.T. tiêu chuẩn gồm:
A (Authenticity): Có tính xác thực
C (Connection): Có kết nối
T (Topic): Có một chủ đề
Một số câu hỏi có thể đưa ra là:
- Bạn đang cảm thấy thế nào?
- Bạn mong chờ điều gì trong tuần này?
2. Không dừng ở việc 'cập nhật hàng giờ'
Một số người sẽ bắt đầu cuộc trò chuyện như một bản tin cập nhật hàng giờ, từ chủ đề giao thông, thể thao tới thời tiết. Cách mở đầu này không phù hợp với tất cả mọi người dù có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn đó là mối quan tâm thực sự của bạn, sếp hoặc đồng nghiệp. Nhưng hãy cố gắng vượt ra khỏi những chủ đề sáo rỗng đó để đi đến điều quan trọng và mang tính cá nhân hơn đối với bạn.
3. Quan sát môi trường xung quanh
Hãy mở mắt trước khi mở miệng. Tìm thứ gì đó để tập trung vào, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật trên tường, một đồ vật kỳ quặc hoặc bức ảnh gia đình trên bàn làm việc, mũ bảo hiểm xe đua, tiền xu từ nhiều quốc gia... Sẽ có điều gì đó khơi dậy cuộc trò chuyện nhỏ và dẫn dắt nó đến những câu hỏi tiếp theo độc đáo. Giả sử bạn đang nói chuyện với CEO của một công ty lớn, sắp nghỉ hưu và bạn nhận thấy một hộp trống dọc theo bức tường văn phòng, hãy bắt đầu bằng câu hỏi: "Anh/chị gặp khó khăn gì khi nghỉ công việc này?". Điều này sẽ dẫn đến một cuộc thảo luận sâu sắc và bộc lộ nhiều cảm xúc hơn.
4. Chia sẻ một số tin tức
Ví dụ, bạn có thể nói dựa trên tình huống thực tế: "Tôi đã nhận nuôi một con thú cưng vào cuối tuần" hoặc "Hôm qua, con gái 6 tuổi của tôi lần đầu tiên có thể tự đạp xe". Dù bạn có tin hay không, hầu hết mọi người thực sự muốn biết nhiều hơn về người khác, đặc biệt nếu cả hai làm việc chung công ty.
Ví dụ: Nếu bạn là người mới đến một công ty và lãnh đạo một nhóm, hãy bắt đầu cuộc họp đầu tiên bằng cách đi quanh phòng, hỏi mỗi người về một điều thú vị gần đây đã xảy ra trong cuộc sống của họ. Nhờ sự chia sẻ nhất thời đó, bạn cho mọi người thấy được sự kết nối cá nhân và chân thành.
Mục tiêu của cuộc trò chuyện là sự chân thật chứ không phải bịa đặt điều gì đó. Nếu không, bạn sẽ chẳng biết cách trả lời các câu hỏi tiếp theo về điều bạn có ít hoặc không có kinh nghiệm.
5. Nói chuyện sớm
Nếu bạn chờ đợi để mở lời, hai điều có thể sẽ xảy ra. Một, người khác sẽ đưa ra những nhận xét mà bạn cũng muốn phát biểu; hai, những đồng nghiệp khác sẽ tự đưa ra các câu hỏi tiếp theo. Bạn sẽ bị lạc trong cuộc nói chuyện chéo và bỏ lỡ cơ hội.
6. Tận dụng giao tiếp phi ngôn ngữ
Khi nói chuyện trực tiếp, hãy nhìn người đối diện chứ không phải chăm chăm vào cái bàn hoặc bức tường. Trên điện thoại, hãy mỉm cười, nó sẽ khiến giọng nói của bạn nghe ấm áp hơn. Không chỉ những gì bạn nói mà cách bạn nói sẽ giúp người khác kết nối với bạn.
7. Tạo trục xoay
Đây là lúc cuộc trò chuyện phiếm được nâng lên một tầm cao mới, khi bạn chuyển từ nói về điều gì đó nhỏ nhặt sang vấn đề trước mắt. Nếu cuộc trò chuyện đã diễn ra suôn sẻ thì việc đặt các câu hỏi tiếp theo sẽ dễ dàng hơn bạn nghĩ. Sếp của bạn có thể là người đưa ra bước chuyển đầu tiên: "Vậy, hãy cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra với cô A?". Sau đó, bạn có thể chuyển sang một cuộc thảo luận có ý nghĩa hơn để thể hiện kiến thức, sự tự tin.
Đối với người hướng nội, chuyện phiếm có thể gây khó chịu. Nhưng nếu bạn không nói gì trong những khoảnh khắc trước khi cuộc họp bắt đầu hoặc khi bạn và sếp đang ở trong thang máy, bạn có nguy cơ trở nên vô hình. Đầu tiên, hãy cho bản thân nghỉ ngơi. Hầu hết mọi người đều cảm thấy lo sợ khi gặp những người ở cấp bậc cao hơn họ. Nhưng khi bạn nỗ lực lên tiếng, người khác sẽ lắng nghe và kết nối với bạn.
Hằng Trần (Theo CNBC)