"Ngẩng đầu lên ngó mênh mông/ Chỉ nghe ngọn gió đầu đông thổi về". Đúng như câu hát dân gian, nơi đày ải Trương Hiền Lượng vô cùng hoang vắng, hiu quạnh, chỉ có tiếng gió là còn sức sống. Gió như đoàn tàu tốc hành thổi ù ù suốt đêm ngày, xới tung bụi cát màu vàng - màu sắc riêng biệt của vùng đất lưu vực sông Hoàng Hà, xới tung những dằn vặt, khổ đau của Trương Hiền Lượng và những người chung số phận với ông trong thời kỳ cực kỳ buồn thảm của lịch sử Trung Quốc.
Ngay trên vùng đất màu vàng, giữa tiếng gió rầm rú đêm ngày, ông đã đổ ra đến mức kiệt sức tâm huyết, mồ hôi và nước mắt của mình để viết nên Một nửa đàn ông là đàn bà và Cây Lục hóa làm chấn động văn học Trung Quốc.
Theo thông tin từ Sài Gòn Giải Phóng, Năm 1980, sau khi được phục hồi danh dự, Trương Hiền Lượng chối từ mọi cám dỗ của cuộc sống phồn hoa ở thành phố, mọi lời mời mọc đầy hứa hẹn của bầu bạn xa gần, trở lại sống lâu dài ngay trên mảnh đất mà ông đã lao động khổ sai 22 năm trước.
Giữa mênh mông đất trời mịt mù cát bụi, ông tìm ra hai đoạn thành cổ, có từ triều đại Minh - Thanh, giờ đây đã đổ nát, gần như sắp mất dấu vết. Rồi một dịp tình cờ đào bới trong cát, Trương Hiền Lượng phát hiện một đôi giày rách tơi tả, lấm láp bụi trần và một lọ nhỏ có nhét bên trong mảnh giấy, nổi lên mấy dòng chữ: "Nếu bộ phim này thất bại, tôi sẽ vĩnh viễn từ bỏ con đường điện ảnh". Phía dưới dòng chữ ký tên Trương Nghệ Mưu.
Cao lương đỏ - bộ phim gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế. |
Trương Hiền Lượng thích thú reo lên khi nhận ra nơi đây chính là bối cảnh để đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu thực hiện Cao lương đỏ, một bộ phim tuyệt vời đoạt giải thưởng lớn, góp phần đưa điện ảnh Trung Quốc đến với thế giới.
Một ý nghĩ táo bạo đến với Trương Hiền Lượng, phải biến vùng đất hoang vắng này thành một thành phố điện ảnh. Ông đã bỏ ra 780.000 nhân dân tệ, số tiền nhuận bút tích tụ bấy lâu, xin thành lập công ty, bản thân giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, rồi bắt tay xây dựng phim trường, một hạng mục chính của thành phố điện ảnh tương lai. Kinh nghiệm lao động khổ sai suốt 22 năm cộng với tài trí thiên bẩm của một nhà văn lớn đã giúp Trương Hiền Lượng từng bước thực hiện mơ ước của mình.
Qua nhiều năm tháng phấn đấu cực lực, vùng đất hoang vắng này đã được mang tên thành phố điện ảnh Trấn Bắc Bảo, với diện tích 900 mẫu Trung Quốc, trong đó gần 300 mẫu là thành quách, đền đài triều đại Minh - Thanh được tôn tạo và tái tạo y như thật. Để thu hút nhiều đoàn làm phim với các đề tài khác nhau, các thời kỳ lịch sử khác nhau từ cổ đại đến hiện đại, phim trường ở đây không xây cố định và kiên cố như ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An, Vô Tích, Khai Phong... mà cấu trúc đơn giản, tháo lắp linh hoạt, nhờ vậy, chi phí thấp, sức thu hút rất lớn.
Thành phố điện ảnh Trấn Bắc Bảo do Trương Hiền Lượng sáng lập và điều hành, từ số vốn ban đầu là 780.000 nhân dân tệ, nay đã lên đến hàng trăm triệu tài sản hữu hình và ở con số hàng tỉ đồng tài sản vô hình.
Đã có hàng trăm bộ phim được quay ở đây, được chiếu rộng rãi ở mọi nơi, có tiếng vang lớn ở Trung Quốc và ở nước ngoài. Ngoài phim trường, Trấn Bắc Bảo còn là một điểm hấp dẫn khách du lịch đến đây thưởng ngoạn thành phố điện ảnh, và lúc về bao giờ cũng mang theo những kỷ vật vô giá. Một trong những kỷ vật đó là nước sông Hoàng Hà, một biểu trưng của sức sống Trung Quốc và điềm lành cho loài người.
Dư luận Trung Quốc xôn xao về việc làm "kinh thiên động địa" của Trương Hiền Lượng. Trả lời phỏng vấn, ông nói: "Tôi là người đàn ông đi bán hoang vắng, đang biến hoang vắng thành hàng hóa lưu thông trên thị trường. Nhưng nên nhớ rằng: Đây không phải là hoang vắng nguyên bản, mà là hoang vắng đã được chỉnh trang và tôn tạo bằng sức sống văn hóa đích thực".
Có người nghĩ rằng, khi nhà văn đi làm kinh doanh, phải gác bút lại, nhưng với Trương Hiền Lượng thì trái lại. Quá trình xây dựng thành phố điện ảnh Trấn Bắc Bảo đồng thời cũng là quá trình thâm canh tác phẩm văn học của ông sau này. Chưa kể đến những tác phẩm nổi tiếng trước đó được dịch ra gần 30 thứ tiếng khác nhau, mấy năm nay Trương Hiền Lượng liên tục cho ra mắt nhiều bộ tiểu thuyết lớn như Cây Bồ đề, Thời thanh xuân, Phiền muộn, Đó là trí tuệ...
Trương Hiền Lượng được xếp là một trong 100 nhà văn có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20. Tiểu thuyết Một nửa đàn ông là đàn bà của ông cũng được xếp là một trong 100 tác phẩm có ảnh hưởng lớn. Vinh dự này rất lớn, nhưng Trương Hiền Lượng vẫn có cách nghĩ và cách đánh giá riêng của mình. Ông bộc bạch: "Người ta xếp Một nửa đàn ông là đàn bà là tác phẩm tiêu biểu của tôi, nhưng thực ra, cái mà tôi ưng ý nhất lại là tác phẩm Làm quen với cái chết, vì nó có tính đột phá. Nói vậy thôi, chớ tôi không quan tâm lắm đến việc có hay không có tác phẩm tiêu biểu, vì viết hoặc không viết nữa, không bao giờ gây áp lực lớn đối với tôi. Viết, tôi là Trương Hiền Lượng, không viết, tôi vẫn là Trương Hiền Lượng".
Ở tuổi 67, Trương Hiền Lượng vẫn tự lái xe ô tô rong ruổi trên đường trường. Trước mắt ông, con đường lao động sáng tạo đem lại vẻ đẹp cho mặt đất và bầu trời luôn mênh mông, vô tận.