Ngô Doanh Doanh, nhân vật đang “hot” ở Trung Quốc hiện nay. |
Ngô Doanh Doanh sinh tháng 8/1985 tại Thành Đô, năm 2003 thi đỗ vào ĐHSP Bắc Kinh, đang là sinh viên Học viện Tâm lý thuộc trường này. Mọi việc bắt đầu hôm 7/12, ĐHSP Bắc Kinh tổ chức họp báo công bố sinh viên năm thứ 4 Ngô Doanh Doanh được Công ty siêu quốc gia TopCoder danh tiếng mời làm Phó tổng giám đốc khu vực châu Á với mức lương không dưới 50 vạn tệ/ năm (1 tỷ VND).
Cũng theo thông tin của phía nhà trường thì cô nữ sinh 21 tuổi xinh đẹp này đã có trong tay 100 phát minh, 3 bằng sáng chế cấp quốc gia, Huy chương Bạc cuộc thi lập trình khu vực châu Á của Hiệp hội máy tính Mỹ ACM, là người Trung Quốc đầu tiên trong Đoàn chủ tịch Ban chấp hành ACM. Chưa hết, cô còn là một vũ sư vào hàng cao thủ có tuổi nghề hơn 10 năm trên sàn nhảy…
Hai ngày sau đó, Ngô Doanh Doanh liên tiếp xuất hiện trên các trang báo, các diễn đàn mạng để nói về bí quyết thành công cũng như những trắc trở trong cuộc đời mình và trở thành một ngôi sao, một “mỹ nữ thiên tài” được ưu ái của giới truyền thông.
Doanh Doanh nói đã được mấy chục tờ báo hẹn phỏng vấn. Tuy nhiên hình ảnh quá hoàn mỹ của Ngô Doanh Doanh cũng bị đặt thành vấn đề trên các diễn đàn mạng. Có ý kiến chỉ trích các bằng sáng chế là giả mạo, 100 phát minh cũng là bịa đặt, lai lịch đầy huyền diệu của cô ở nước ngoài cũng bị nghi ngờ.
Theo điều tra của tờ Tân Kinh Báo thì tư liệu về cá nhân Ngô Doanh Doanh cơ bản là đúng, nhưng sự nghi ngờ đó cũng không phải không có lý: Từ trước đến nay Ngô chưa hề nói 100 phát minh đó là những gì?
3 bằng sáng chế đều về tra tự điển nhanh vốn đã được lưu truyền khá rộng rãi và có 1 cái chưa được thông qua và cô cũng không phải là thành viên ban lãnh đạo ACM.
Đến ngày 14/12 thì lãnh đạo ĐHSP Bắc Kinh lên tiếng thừa nhận: 100 phát minh chưa được kiểm chứng nên không thể nói rõ, 3 sáng chế thì đúng ra là chỉ có 2, chuyện các chức vị và hoạt động thì có sự phóng đại quá mức.
Phóng viên đã tìm cách liên lạc với Ngô Doanh Doanh qua điện thoại và tin nhắn song đều không nhận được hồi âm.
Có ý kiến cho rằng, trong hoạt động “tạo sao” này, ĐHSP Bắc Kinh đã đóng vai trò “phóng vệ tinh”. Thực ra Ngô được TopCoder mời giữ chức từ tháng 8 cơ, nhưng khi đó chả báo nào đưa tin, người ta cũng nghi ngờ về động cơ đánh bóng tên tuổi của công ty qua vụ việc này.
Tuần tới, chi nhánh châu Á của TopCoder sẽ khai trương tại Bắc Kinh nhưng đến nay mới chỉ có một mình cô vừa là lãnh đạo vừa là nhân viên. Phía nhà trường đã lên tiếng phủ nhận họ làm như thế để đánh bóng tên tuổi cho Ngô.
Đến nay thì vấn đề đã tương đối rõ: Đây là một kiểu đánh bóng tên tuổi một cá nhân có sự phối hợp chặt chẽ, sắp đặt công phu khiến hàng mấy chục cơ quan báo chí mắc lừa. Dưới đây là kết quả điều tra của Tân Kinh Báo về những điểm nghi ngờ trong lai lịch và thành tựu của “mỹ nữ thiên tài” Ngô Doanh Doanh.
Về “100 phát minh”, Ngô phát biểu: “Khi hoạt động bình chọn sinh viên xuất sắc năm 2006 bắt đầu cũng là lúc tôi hoàn tất phát minh thứ 100 của mình. Hy vọng những phát minh của tôi sẽ có đóng góp cho đất nước”.
Qua điều tra thấy, Ngô Doanh Doanh chỉ nói mà không hề kể tên 100 phát minh đó là những gì. Phía nhà trường cũng nói họ chưa kiểm chứng chúng và “có thể gồm cả những phát minh từ hồi học trung học, nhưng có lẽ cũng không nhiều đến thế”.
Về chức danh trong Đoàn chủ tịch ACM, Ngô nói: “Ngày 15/11/2005 tôi được bầu làm Trợ lý Chủ tịch ACM, trở thành người Trung Quốc đầu tiên có mặt trong Đoàn chủ tịch ACM. Tiếp đó tôi lại nhận lời tham dự vòng chung kết cuộc thi lập trình viên quốc tế lần thứ 13 và Hội nghị cấp cao RCDS”.
Kết quả điều tra cho thấy: Trên website của ACM không tìm thấy tên của Ngô Doanh Doanh, còn trong thư của ông W.Bochett, Giám đốc hành chính của ACM gửi Ngô hôm 12/4 thì ghi rõ chức vụ cô được giao đảm nhiệm là “Trợ lý báo chí khu vực Trung Quốc và Trợ lý người phụ trách khu vực châu Á”.
Ngày 14/12, phía trường đã đính chính: Ngô Doanh Doanh không phải thành viên Đoàn chủ tịch ACM mà chỉ là Trợ lý Đoàn chủ tịch Hội đồng thi, “có lẽ do sai sót khi phiên dịch”.
Về tấm Huy chương Bạc cuộc thi ACM khu vực châu Á, Ngô Doanh Doanh nói: “Bằng nỗ lực vất vả của bản thân, tôi đã giành được Huy chương Bạc cuộc thi ACM khu vực châu Á, thực hiện cú đột phá xoá bỏ tình trạng sinh viên ĐHSP Bắc Kinh chưa bao giờ được giải trong cuộc thi danh tiếng này”.
Qua điều tra trên trang web của ACM thì thấy trong danh sách 24 người đạt thành tích tốt nhất trong cuộc thi năm đó ở Thành Đô không thấy có tên Ngô Doanh Doanh. Ngô nằm trong số khoảng hơn 10 thí sinh ngoài danh sách này nhưng không thấy ghi là được trao giải gì.
Về 3 bằng sáng chế quốc gia, trên website của Cục Bảo hộ bản quyền tri thức Trung Quốc thấy ghi Ngô Doanh Doanh sở hữu 2 sáng chế về phương pháp tra tự điển nhanh. Tuy nhiên còn có ý kiến cho rằng 2 sáng chế này thực ra là một, nhưng cô đã đăng ký bản quyền tại hai nơi khác nhau với tên gọi khác nhau.
Phóng viên đã tìm đến ĐHSP Bắc Kinh để gặp gỡ bạn học của Ngô Doanh Doanh thì biết: “Bạn ấy thành tích học tập rất tốt, nhưng rất xa cách bạn bè. “Ngô chuyển từ lớp thực nghiệm sang học viện tâm lý hồi năm thứ 2, bạn ấy rất bận, rất ít lên lớp, mọi người đều không hiểu về bạn ấy lắm, cũng chả biết bạn ấy làm gì, chỉ nghe nói hồi học lớp 5 bạn ấy đã học lập trình. Nói thật, nhiều điều về bạn ấy mấy ngày nay chúng em mới được biết khi đọc báo thôi”.
Ngô Doanh Doanh hiện đã “mất tăm”. Trước đây khi gõ tên cô để tìm kiếm, người ta sẽ nhận được trả lời “ứng cử viên nhân vật sinh viên toàn quốc 2006”, còn nay thì tên cô đã gắn với những từ không mấy hay ho như: “Giả mạo học thuật”, “tập thể lăng-xê”, “cao thủ lừa đảo”…
(Theo Tiền Phong)