"Đó là một hành trình cực khổ, kéo dài hơn một năm, nhiều lúc suýt đánh đổi bằng tính mạng", anh Long (46 tuổi, trú thị xã Hồng Lĩnh) kể với Ngoisao.net về chuyến xuất ngoại sang châu Âu năm 2003.
Lúc ấy, anh Long 30 tuổi, mới cưới vợ. Thấy một số nhà trong làng khấm khá nhờ người thân "vượt biên", Lục cũng ấp ủ mong muốn đổi đời. Nam thanh niên bàn với gia đình, vay 5.000 USD nộp cho người môi giới địa phương, và được làm hộ chiếu bay sang Nga theo diện du lịch ba tháng. Từ đây, anh sẽ sang Đức.
Anh Long kể xuống sân bay ở Nga, anh được một người Việt Nam tại đây đón lên ôtô, đưa về nhốt trong nhà kho cùng 80 người đến từ nhiều quốc gia khác cũng có ý định sang Đức. Tất cả bị hủy hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, sống trong nhà kho nhiều ngày, cắt đứt liên lạc. Cơm nước được đưa tới vào đầu giờ sáng, trưa, tối.
Sau một tháng, nhóm người nhập cư được kẻ cầm đầu đường dây thông báo hành trình từ Nga sang Đức bắt đầu. Tùy vào tình hình an ninh sở tại, anh Long cùng nhóm lao động được chia ra mỗi tốp 5-7 người, vượt biên bằng đường rừng vào ban đêm. Lúc di chuyển, một người nước ngoài đi ngựa dẫn đường, các lao động đi sau. Đoàn người lần lượt sẽ đi từ Nga qua Ukraine, Ba Lan.
"Ai đi chậm sẽ bị người đi ngựa dùng roi đánh. Cứ hết một chặng, khi trời gần sáng, chúng tôi lại bị nhốt vào một nhà kho giữa rừng. Kẻ dẫn đường sẽ căn cứ vào lịch tuần tra của cảnh sát để lên kế hoạch vượt biên. Có lúc phải nằm chờ gần một tháng giữa rừng mới đi tiếp", anh Long nhớ lại.
Ban ngày, anh Long và những lao động khác bị nhốt trong kho, đêm đến cứ cúi đầu đi, nhiều tháng ròng rã không biết mình đang di chuyển tới địa điểm nào. Tất cả không dám hỏi người dẫn đường vì sợ bị mắng và đánh. Nguy hiểm nhất là chặng đi từ Ukraine qua Ba Lan, đoàn người phải vượt sông.
Biên giới giữa Ukraine và Ba Lan là một con sông rộng chừng 60 m, sâu hơn 15 m. Để vượt sông, không thể dùng thuyền chèo qua, vì cảnh sát Ba Lan sẽ dắt chó nghiệp vụ cùng các thiết bị giám sát để kiểm soát người nhập cư. Những kẻ đứng đầu đường dây vượt biên đã nghĩ ra cách bỏ người nhập cư vào túi nylon, sau đó cho thợ lặn mang bình ôxy, kéo sang sông.
Một ngày giữa năm 2003, anh Long nhận thông báo từ nhóm buôn người: Tối nay vượt sông. "Cả ngày hôm đó, tôi thấp thỏm, lo lắng, không thể chợp mắt. Tôi biết bơi nên chuẩn bị sẵn hai con dao giấu trong người, lỡ có bất trắc gì thì rạch bao để trốn thoát. Đêm đến, hai thợ lặn nhét anh vào túi nylon lớn, một người lặn trước kéo, người sau đẩy chìm dưới đáy sông để qua qua Ba Lan. Nhưng vừa sang bên kia thì cảnh sát đã chờ sẵn trên bờ", anh kể.
Anh Long bị đuổi trở lại Ukraine, bị cảnh sát nước này phạt tù vì vượt biên trái phép. Quá trình ở tù 3 tháng rưỡi, anh Long mô tả bị tù nhân tra tấn, đánh đập, ăn uống cực khổ, luôn trong tình trạng đói khát, cơ thể chi chít vết thương. Hết thời hạn giam giữ, cảnh sát bàn giao anh Long cho Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine. Người trong đường dây vượt biên sau đó liên lạc lại đưa anh Long trốn ra ngoài, tiếp tục hành trình đi Đức.
Lần này, anh Long cùng 12 lao động khác được nhồi nhét trên ôtô 5 chỗ, nằm xếp chồng lên nhau để đến biên giới Cộng hòa Séc rồi sang Đức. "Tất cả cùng nằm bất động, ngứa hay mỏi cũng không thể gãi, hay lật. Nhiều người muốn đi vệ sinh, bí quá đành phải đi trong xe. Một số người khác sợ, bỏ cuộc", anh Long nhớ lại.
Một tháng di chuyển bằng đường bộ lẫn đường rừng, anh Long đến được biên giới Séc. Kẻ buôn người thả anh cách cửa khẩu 2 km, buộc anh phải tự đi bộ luồn lách qua rừng để sang Đức. Vượt biên thành công vào tháng 9/2004, anh được đối tác của chúng, là những người Việt Nam đang ở Đức, đón ở một bìa rừng, chở ôtô đi sâu vào nội địa nước này. Anh Long phải cầu cứu người nhà, nộp thêm cho chúng 1.000 USD. Hành trình đến Đức hết 9 tháng.
Vào Đức, anh Long nhập trại tị nạn, được cấp 200 Euro mỗi tháng để sinh hoạt. Tại đây, sau thời gian quen địa bàn, người đàn ông quê Hà Tĩnh thường trốn ra ngoài buôn thuốc lá lậu.
"Nếu suôn sẻ, có ngày tôi kiếm được từ 1.000 đến 5.000 Euro. 4 năm ở Đức, cuộc sống ổn hơn, tôi gửi đủ tiền về trả nợ, lo cho gia đình", anh nói.
Ở Đức 4 năm, anh Long, lúc này 35 tuổi, nghe một số người bạn đang làm việc tại Anh rủ rê, nói ở đó thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Anh liên hệ với một số người trong đường dây buôn người, cùng một đồng hương vượt biên tới Pháp, tìm đường sang Anh qua cảng Calais.
Đầu năm 2008, Long đến cảng Calais, thuê hai người bản địa dẫn đường, không may lại là hai tên cướp. Phát hiện chúng định cướp tài sản, anh cùng bạn bỏ chạy song bị bắt, dí súng vào đầu đe dọa. "Tôi quỳ xuống, van xin, đưa một ít tiền. Bị dùng báng súng đánh, tôi và bạn giả vờ ngất khiến chúng hoảng sợ bỏ đi. Cả hai sau đó vùng chạy, tiếp tục hành trình vượt cảng biển", anh kể.
Tại cảng Calais có 2 cách để xuống phà vượt sông sang Anh. Nếu đi VIP, người của đường dây sẽ dẫn lao động trốn trong container chở hàng, chi phí tầm 10.000 Euro. Đi "cỏ", khoảng 2.000 Euro, người môi giới sẽ rạch các xe tải chở hàng, người lao động tự nhảy lên, chui vào bên trong vượt phà. Anh Long và bạn chọn đi VIP.
Đoàn của anh Long gồm chục người khác, được nhốt trong một container chở hàng điện tử. Tất cả được phát một túi nylon trùm mặt để tránh thiết bị an ninh quét hơi thở. "Nhiều lúc tôi phải nín thở, ngồi trong xe đông lạnh run cầm cập. Thời đó, công nghệ chưa phát triển, còn giờ, đi trên xe đông lạnh phải hạ nhiệt độ xuống -25 để tránh máy quét thân nhiệt", anh cho hay.
Sau hai tiếng, anh Long cùng bạn vượt phà Calais thành công, nhưng đi vào gần London thì bị cảnh sát Anh phát hiện, bắt giữ và trục xuất trở lại Đức, rồi về Việt Nam.
Anh Long hiện có cuộc sống ổn định cùng gia đình ở quê, mở quán giải khát kiếm thêm thu nhập. Nhớ lại quãng thời gian vượt biên làm việc ở châu Âu, anh nói nếu được cho hàng trăm nghìn USD, cũng không dại gì tha hương cầu thực đi tìm kiếm tương lai nữa.
"Như vậy là quá đủ", anh Long nói.
Rạng sáng 23/10, cơ quan cứu thương hạt Essex, đông bắc thủ đô London của Anh, nhận được cuộc gọi trình báo về một phát hiện ghê rợn bên trong thùng container trên chiếc xe đang đỗ ở khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays. Khi các nhân viên y tế mở cửa thùng xe, họ phát hiện thi thể 38 người lớn và một thiếu niên, được cho là người nhập cư.
Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đang làm việc với cảnh sát Anh xác minh thông tin về quốc tịch của các nạn nhân. Đoàn của Bộ Công an cũng dự kiến sang Anh để phối hợp xác minh 39 người chết trong xe container có công dân Việt Nam hay không.
Hiện, Nghệ An có thêm 4 gia đình trình báo có con mất tích ở châu Âu và Anh ngày 29/10, nâng tổng số người mất tích tại địa phương này lên 18. Tại Hà Tĩnh là 10 người. Nhà chức trách địa phương đang làm các thủ tục cần thiết để hỗ trợ 28 gia đình này cung cấp thông tin xác nhận nhân thân.
* Tên nhân vật đã thay đổi