Ngày 24/9, ông Vũ Quốc Doanh (Cục trưởng Thi hành án dân sự TP HCM) cho biết đã niêm yết các quyết định buộc ông Azais (43 tuổi, quốc tịch Pháp) thi hành bản án của TAND Cấp cao tại TP HCM, về việc trả lại con gái cho người mẹ là chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (33 tuổi, quê Khánh Hòa).
"Trước khi có biện pháp khác mạnh hơn, chấp hành viên sẽ đề nghị Sở Ngoại vụ làm việc với Tổng lãnh sự quán Pháp để động viên, thuyết phục ông Azais thi hành án", ông Doanh nói.
Theo nội dung vụ án, chị Huyền và ông Azais từng sống chung như vợ chồng. Do mâu thuẫn, họ chia tay khi chị đang mang thai. Tháng 8/2014, chị sinh bé gái đặt tên là Sarah. Cha đứa bé đã lén mang giấy chứng sinh đến Lãnh sự quán Pháp tại TP HCM làm giấy khai sinh và xin cấp hộ chiếu cho con rồi bí mật đưa bé về Pháp.
Sau thời gian dài một mình lặn lội sang Pháp kiện đòi con, tháng 6/2016, Tòa sơ thẩm, thẩm quyền rộng Albi (trụ sở tại Tòa án Tư pháp ở Albi) buộc ông Azais phải trả con cho chị Huyền. Tuy nhiên, ông này không thực thi phán quyết dù đã mang con gái quay lại căn biệt thự ở quận 2, TP HCM, sinh sống.
Nhiều lần tìm đến để gặp con nhưng không được bạn trai cũ cho vào, chị Huyền yêu cầu Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP HCM) cho thi hành phán quyết của tòa án Pháp. Cuối tháng 5/2017, HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của chị Huyền nhưng người đàn ông Pháp kháng cáo.
Sau nhiều lần hoãn xử, ngày 29/8, TAND Cấp cao tại TP HCM bác kháng cáo của ông Azais, công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án Pháp tại Việt Nam.
Ngày 14/9, Cục Thi hành án dân sự TP HCM ra quyết định buộc ông Azais lập tức giao con cùng hộ chiếu của bé gái cho chị Huyền. Ba ngày sau, ông Vũ Quốc Doanh ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông này cho đến khi thi hành án xong.
Chấp hành viên sau đó đã đến địa chỉ cư trú của ông Azais, gửi các quyết định liên quan cho đương sự. Tuy nhiên, ông này không đồng ý ký vào biên bản giao quyết định, văn bản về thi hành án.
"Kể từ lúc nhận, hoặc được thông báo hợp lệ, ông Azais có 10 ngày để tự nguyện thi hành án. Hết thời hạn ấn định mà đương sự không giao bé gái cho người mẹ, chấp hành viên sẽ ra quyết định cưỡng chế. Nếu ông ta vẫn nhất quyết không thực hiện thì chấp hành viên sẽ tiến hành các bước xử phạt hành chính và xử lý theo quy định pháp luật", ông Doanh nhấn mạnh.
Không trả con, người cha có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HCM), biện pháp cưỡng chế trong trường hợp này được quy định tại khoản 6 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014. Còn trình tự cưỡng chế thực hiện theo Điều 120. Tức là, nếu người cha không giao con gái cho chị Huyền thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng.
Hết thời hạn mà ông Azais không thực hiện thì chấp hành viên sẽ tiến hành cưỡng chế buộc giao con hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Không chấp hành án được quy định tại Điều 380 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tội không chấp hành án 1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 2-5 năm: chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tẩu tán tài sản. 3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng. |
Kỳ Hoa