Ngày 22/1/1977, chàng trai 24 tuổi P.K. Mahanandia bắt đầu hành trình kéo dài 4 tháng từ thủ đô Delhi, Ấn Độ, tới thị trấn Boras, Thụy Điển, để được đoàn tụ với người phụ nữ mà ông biết chính là tri kỷ của đời mình. Câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp của họ đã trở thành đề tài trong cuốn sách bán chạy của nhà văn Per J. Andersson - The Amazing Story Of The Man Who Cycled From India To Europe For Love, xuất bản năm 2013 và vừa được tái bản.
Theo Oddity Central, Mahanandia tình cờ quen cô gái tên Charlotte Von Schedvin vào năm 1975. Lúc đó, ông đang là họa sĩ ở Connaught Place, một khu mua sắm và buôn bán ở Delhi, trong khi bà Von Schedvin tới Ấn Độ để du lịch. Một ngày, khi đang đi bộ quanh thành phố, Schedvin nhìn thấy chàng trai trẻ với mái tóc xoăn đang cầm trên tay tấm biển "vẽ chân dung chỉ trong 10 phút, giá 10 rupee" nên quyết định thử xem sao. Lúc Schedvin ngồi xuống, có một điều gì đó khiến Mahanandia bối rối, tay anh run lên bần bật. Tuy không hài lòng với bức tranh nhưng do bị chàng trai thu hút, Von Schedvin quyết định ngày hôm sau quay trở lại để vẽ một bức khác, nhưng kết quả vẫn không khá hơn.
Nữ du khách người Thụy Điển sau đó phát hiện ra lý do khiến chàng họa sĩ trở nên căng thẳng. Ngay từ giây phút nhìn thấy Von Schedvin, Mahanandia đã nhớ lại lời tiên tri của mẹ từ khi anh còn là một cậu bé, rằng khi lớn lên, anh sẽ kết hôn với cô gái thuộc cung Kim Ngưu, đến từ mảnh đất xa xôi, cô ấy có thể là một nhạc công và sở hữu cả một khu rừng. Lúc nhìn thấy Schedvin, Mahanandia biết cô chính là người phụ nữ đó.
"Tôi thậm chí còn không hỏi tên cô ấy trước. Tôi hỏi có phải cô ấy sinh tháng 5, thuộc cung Kim Ngưu và có một khu rừng hay không. Và cô ấy trả lời 'có' cho tất cả những câu hỏi ấy", Mahanandia nhớ lại. "Lúc đó tôi biết số phận đã sắp đặt để chúng tôi gặp nhau. Tôi nói cô ấy sẽ là vợ tôi, và sau đó tôi đột nhiên sợ hãi khi nghĩ cô ấy có thể tới đồn cảnh sát gần đó để trình báo chuyện này".
Tuy nhiên Von Schedvin không làm thế. Bản thân cô cũng bị chàng họa sĩ thu hút, và mặc dù những câu hỏi mà anh đặt ra nghe thật kỳ lạ, cô vẫn thấy ở anh toát lên vẻ chân thành. Điều đó càng khiến cô thấy tò mò về lý do vì sao anh lại hỏi cô những điều đó.
Sau vài lần gặp nhau trong vòng chưa tới ba tuần, P.K. Mahanandia đã dẫn Von Schedvin về nhà mình ở bang Orissa và tổ chức nghi lễ cưới truyền thống. Không lâu sau, Von Schedvin phải trở về nước nhưng cô muốn chồng đến ở cùng mình ở thị trấn dệt Boras, Thụy Điển. Cô thậm chí còn cố để tiền lại để Mahanandia dùng nó mua vé máy bay, nhưng chàng trai đầy lòng tự trọng kiên quyết không nhận.
Cặp đôi sau đó thư từ qua lại trong vòng một năm, nhưng tình hình tài chính của Mahanandia không khá hơn, và anh vẫn không có đủ tiền để mua vé bay sang Thụy Điển thăm vợ. Không muốn từ bỏ tình yêu của cuộc đời, chàng họa sĩ quyết định bán tất cả tài sản, mua một chiếc xe đạp với giá 60 rupee rồi đạp xe tới quốc gia bắc Âu, nơi vợ đang sinh sống.
Mahanandia rời Delhi vào ngày 22/1/1977, đi qua Pakistan, Afghanistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để tới được châu Âu. "Nghệ thuật đã cứu tôi. Tôi vẽ chân dung và một số người trả công tôi bằng tiền, thức ăn hay cho tôi chỗ ở", anh nói. Thậm chí, dù không hề biết tiếng, nghệ thuật dường như đã trở thành thứ ngôn ngữ toàn cầu và giúp Mahanandia vượt qua mọi khó khăn.
"Chân tôi đau mỏi. Nhưng nghĩ đến niềm hạnh phúc được gặp Charlotte, được nhìn thấy những địa điểm mới, tôi lại tự nhủ phải tiếp tục cố gắng", anh nói. Đến ngày 28/5, Mahanandia cuối cùng cũng đặt chân lên châu Âu. Từ Venice, anh bắt tàu hỏa tới Gothenburg, Thụy Điển, cách thị trấn Boras 70 km, nơi Charlotte Von Schedvin đang chờ đợi.
"Lúc thấy tôi, cô ấy mừng rỡ lao tới. Tôi nói 'xin lỗi em, người anh bốc mùi quá'. Nhưng cô ấy vẫn ôm tôi thật chặt", Mahanandia kể. Và từ đó trở đi, cặp đôi lúc nào cũng ở bên nhau. Tuy cách biệt về văn hóa và gặp trở ngại để lấy lòng bố mẹ vợ, một gia đình quý tộc ở Thụy Điển, nhưng với tình yêu lớn lao, cả hai cuối cùng cũng kết hôn một cách hợp pháp ở quốc gia Bắc Âu và sống hạnh phúc từ đó.
P.K. Mahanandia sau này trở thành giáo viên hội họa. Các tác phẩm của ông được trưng bày khắp các phòng tranh ở châu Âu. Còn bà Von Schedvin thì theo đuổi con đường âm nhạc. Cả hai sinh được hai người con là Emelie, 31 tuổi, hiện là nhà kinh tế học, và Karl-Siddhartha, 28 tuổi, đang làm phi công trực thăng.