Đặng Phi Nga (quận Kiến An, Hải Phòng) cho biết tranh thủ đi mua sắm nhu yếu phẩm đủ cho gia đình dùng trong ba ngày, đề phòng mưa bão, ngập lụt. "Bão dự báo đổ bộ lớn, có thể sẽ khó khăn trong vài ngày tới nên nhân tiện đi siêu thị tôi mua đủ dùng luôn ba ngày. Tôi dự định mua cả bếp gas du lịch phòng trường hợp mất điện. Chồng bảo tôi lo xa nhưng phòng còn hơn không", chị nói.
Đỗ Thị Hằng, cư dân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn đi chợ lúc 8 giờ sáng nhưng hôm nay khi ra tới nơi, bà ngỡ ngàng vì chợ đã "cháy" mọi mặt hàng. "Tôi tính mua đồ ăn cho ngày hôm nay thôi nhưng ra đến chợ đã hết sạch thịt, rau. Bây giờ tôi phải sang siêu thị lớn để mua thức ăn, có lẽ cũng nên dự trữ giống mọi người, hy vọng ở siêu thị vẫn còn đồ", chị cho biết.
Nguyễn Kim Luyến, tiểu thương ở chợ 8/3, cho hay người dân đi chợ sớm thường lệ, từ 5 rưỡi, 6 giờ sáng, mặc dù sức mua tăng nhưng giá cả vẫn bình ổn.
Tại một siêu thị ở quận Tây Hồ, người dân ưu tiên dự trữ các mặt hàng như thịt, cá, trứng, rau xanh và gạo. Nhân viên thu ngân Đào Hoàng Anh cho biết: "Tất cả các mặt hàng thiết yếu đều được khách hàng chọn mua nhiều gấp đôi, gấp ba bình thường".
Trên ứng dụng đi chợ online, xu hướng tiêu dùng cũng tăng bất thường. Trần Hiếu - Trưởng phòng marketing thương hiệu của Sendo Farm Hà Nội - cho biết ứng dụng ghi nhận tình trạng này từ hôm 4/9. Thông thường, từ 0h đến 6h không phải khung giờ mua sắm nhưng sáng 6/9, số liệu cho thấy số người dùng tăng gấp đôi. Các sản phẩm bán ra tăng đột biến bao gồm: gạo, sữa, rau củ, thịt, hải sản. "Trung bình các sản phẩm này tăng gấp đôi so với ngày thường, riêng mỳ tôm lượng bán ra tăng gấp 4 lần. Một số nhóm thịt tươi sống đóng hộp cháy hàng", anh cho biết.
Ngoài thực phẩm tươi, đồ khô, bếp gas và đèn tích điện cũng là mặt hàng bán chạy.
Cũng theo Trần Hiếu, trong bối cảnh người dân mua sắm thực phẩm dự trữ, đơn vị đã làm việc với nhà cung cấp để dự báo trước tình hình tăng đột biến và áp thêm nhiều khuyến mãi để người dân có thể yên tâm mua sắm.
Sáng 6/9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn. Lãnh đạo các đơn vị liên quan cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng trực, bố trí con người và phương tiện để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của bão.
Sở Công Thương đã chuẩn bị nguồn hàng hóa, nhất là các loại nhu yếu phẩm, với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Sở cũng sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp bảo đảm cung ứng, hỗ trợ người dân các địa phương trong trường hợp xảy ra mưa lũ, cô lập.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc tham gia phòng, chống bão trên tinh thần không chủ quan, mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân.
"Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phối hợp phòng, chống lụt bão; bảo đảm không xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, nhưng đồng thời không hoang mang, sợ hãi", ông Thanh nói.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, siêu bão Yagi đang tiến vào nước ta với phạm vi ảnh hưởng rất lớn. Từ trưa 6/9 vùng biển phía đông của vịnh Bắc Bộ (gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ tối và đêm 6/9, vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, biển động dữ dội. Sóng biển cao 2-4 m, sau tăng lên 3-5 m, vùng gần tâm bão 6-8 m. Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2-3 m, vùng gần tâm bão 3-5 m.
Phạm Linh