Tèo Em
Nghe những ca khúc Da Vàng, nó nhớ...
Khu phố hỗn tạp, khu phố có những con người rất nghệ sĩ như ông Cảnh Nguyên làm nhà thơ, viết câu đối, chú Sĩ Minh nhiếp ảnh, ông Trần Khánh làm hoạ sĩ (ông mất lâu rồi, nhưng hồi ông còn sống, nhà trồng nhiều hoa ti-gon, hai chị em hay qua hái trộm)... Rồi chị nữa, cũng khá lãng đãng với văn, với thơ và với cuộc sống.
Bên cạnh những con người đó, nó thường nhớ tới những người sống ở dãy ki-ốt tệ nạn trước nhà của công ty CT và khu ki-ốt bên cạnh xây cho thuê... Những con người làm đủ loại nghề, cắt tóc, cà phê kiêm cave, karaoke kiêm gái, và những nghề khác nữa kiêm nghề bán heroin...
Ngày xưa...
Dãy ki-ốt nhà bên có cô Nga, chú Hải mới lấy nhau. Chú Hải nuôi một con chim kền kền, loài chim ăn xác chết đáng sợ. Nhưng nó vẫn thích sang chơi với cô Nga, cô Nga đẹp, hiền. Ngồi nhìn cô tự trang điểm, nhớ cô có cặp chân mày rất đẹp, có lẽ đến tận bây giờ nó vẫn có sở thích ngồi nhìn những người con gái khác trang điểm. Sau này, cô Nga chuyển nhà, nhà mới rất đẹp, rất khang trang. Rồi sau này nữa, đọc báo, biết tin cô Nga và chú Hải mang án tử hình, tội danh: bán heroin. Đọc xong chỉ thấy thương cho hai đứa bé con còn quá nhỏ đã phải mồ côi.
Còn dãy ki-ốt trước nhà, có chú Châu "què" bán bánh mướt (bánh cuốn). Đêm khuya, chú hay bật những ca khúc Da Vàng nghe. Bố mẹ ở tầng dưới, con nhóc lớp 8 ở một mình bên trên. Đêm khuya, nghe tiếng Khánh Ly rỉ rả "xác người nằm quanh đây trong mưa lạnh này" thì phải nói là càng chui sâu vào chăn càng run cầm cập. Sau này nghe nhiều rồi ngấm, chẳng sợ nữa, lại thấy thương những ca khúc Da Vàng.
Hôm Tết, gia đình chú Châu ghé qua mà nó chẳng nhận ra. Cũng đã mấy năm rồi, thấy mọi người có vẻ khỏe mạnh hơn, đẹp hơn, gương mặt có vẻ hạnh phúc và đủ đầy hơn. Nhưng cũng nghe bố mẹ và hàng xóm nói chuyện, nhà đó không bán bánh mướt nữa, chuyển qua bán cà phê kiêm heroin. Buồn!
Chị Loan, ngày trước thuê căn ki-ốt ngay đối diện nhà, chẳng biết chị còn sống hay đã chết, vì cái nghề của chị dễ chết lắm, cà phê kiêm cave. Lại nghe bố mẹ nói anh Thương mà từng có thời gian cặp kè với chị đã chết vì HIV. Với những cô gái làm nghề như chị, nó ý thức được cái nghề này nguy hiểm nhưng chẳng bao giờ có cảm giác khinh rẻ những cô gái điếm. Đôi khi thấy thương thương.
Chị Loan làm nghề xấu nhưng chị ấy là người tốt, ít ra là đối với nó. Hồi đó, chiều nào học xong, nó cũng lau nhà, quét sân, như một cái lệ. Chị Loan thì chỉ làm về đêm, giờ đó rỗi rỗi hay qua hỏi mượn báo đọc. Thi thoảng nói chuyện chơi chơi với nó.
Có lần, chị kể chuyện lần đầu tiên chị là "con gái", lúc đó đang đi cấy mạ, chị rất sợ, rồi sau này, lần đầu tiên chị bị hiếp, rồi chị lên thành phố, rồi những chuyện cuộc sống... Lúc đó và đến giờ nghĩ lại vẫn thấy thương thương. Thời 14, 15 nó còn rất dại, mẹ và bà thì nghiêm. Mẹ chỉ biết dạy nó làm toán, bà thì dạy nấu những món ăn, dạy làm việc nhà, chẳng bao giờ nói những chuyện đơn giản có dính líu đến giới tính chứ nói gì đến những chuyện phức tạp ấy. Chị lại đi học xa nhà. Cũng nhờ những câu chuyện và những điều chị Loan nói mà biết giữ mình, biết cư xử hơn. Cuộc sống có những điều khó lường trước được.
Cũng may cái thời nó lớn, chuyển qua nhà ông bà sống, khu phố đó toàn công chức, hoặc cựu chiến binh. Ngày đi học, đêm về nhà ông bà. Hồi ấy, đi học hay đi chơi mà về muộn sau 8 giờ tối một chút là sợ ông lo lắng. Ông hiền, chẳng bao giờ la mắng, nhưng thương cháu quá, lo từng tí một. Sáng thì dắt xe ra tận cổng, đứng nhìn xem con nhóc có đi đúng đường bên phải không. Cháu mà đi thi thì tối ông bà mất ngủ. Sáng dậy sớm chuẩn bị, rồi chở cháu lên trường. Thương ông bà quá!
Tuổi mới lớn, chuyện tình cảm con nít như mưa bóng mây, nhưng nhiều khi nghĩ lại cũng thương. Từ thưở 16 đến bây giờ, nó lần lượt mất những tình bạn thân rất đẹp, cũng chỉ vì những người bạn muốn tiến xa hơn mức tình bạn thân.
Có những điều định kiến trong suy nghĩ, dù biết là mình sai, nhưng khó mà sửa. Lần đầu tiên thương một người và từng rất buồn khi người ta "cưới chạy". Rất buồn nhưng chẳng đau, lang thang phố rồi ra biển với nhỏ bạn thân, ném tất cả những buổi chiều và chiếc vòng người ta từng nhẹ nhàng đeo vào cổ nó xuống biển. Nhỏ bạn thân ôm nó khóc vì nghĩ thương cho nó. Có gì đâu mà khóc. Dù sao cũng chẳng đáng để mình rơi nước mắt.
Nó sẵn ghét đồ second hand, vậy nên nó chẳng tiếc một người như vậy dù chẳng bao giờ gặp lại được một ai mà nó dành tình cảm nhiều như vậy cả. Sau này gặp lại, vẫn chào hỏi. Nó yêu con nít nên bé con kết quả của "cưới chạy" quấn quýt nó lắm, mẹ bé cũng từng nghe chồng kể về nó nên quý nó như em. Lạ!
Khu phố hỗn tạp, tính từ đầu phố đến cuối phố, từ những gia đình làm ăn buôn bán vặt, đến kinh doanh karaoke, đến công chức, những ông bố không thế này thì thế nọ. Bồ bịch hiển nhiên, bồ bịch lén lút, bồ bịch loáng thoáng... Những điều trước mắt, những điều đồn thổi. Buồn!
Năm thứ 2, làm đề tài về dioxin, lang thang trên mạng, tham khảo một mớ tài liệu, trắng đen lẫn lộn, thật giả nháo nhào, đứng trước lớp thuyết trình, đúng là con trời khi cả gan nói "dioxin trong đất không ảnh hưởng tới thực vật". Lại còn dám nói: "VN không cho đem mẫu đất ra nước ngoài xét nghiệm", cũng may mà có chú thích là trích từ nguồn nào chứ không gan đến mức tự khẳng định. Bị hỏi vặn lại mấy câu, tất nhiên là có một câu không trả lời nổi, vài câu trả lời đúng, vài câu sai. Sau này được VAVA (hội nạn nhân chất độc màu da cam) giúp liên lạc được với giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (tác giả cuốn Chất độc màu da cam, dioxin và hệ quả) qua email, mới hiểu rằng trong mớ hổ lốn đó có những tài liệu phản động. Đau lòng!
Một tuần đi làng Hoà Bình một ngày. Những đứa bé con dù được xã hội quan tâm, bệnh viện Từ Dũ cũng đầu tư cơ sở vật chất khá tốt, bé xíu thì có đồ chơi, bé lớn thì có phòng học, máy tính, internet, bể bơi trị liệu... nhưng ai có thể cho các em một cơ thể không dị dạng, một đầu óc đủ để tự sinh hoạt bình thường như một người bình thường nhất? Và cả nỗi mặc cảm bị cha mẹ bỏ rơi.
Vậy mà một người bạn lại có quan điểm không quan tâm đến những em bé đó, cho rằng đó là một cuộc sống không bình thường như bên ngoài, không có sự vươn lên. Chẳng biết bạn ấy nghĩ vươn lên là phải như thế nào? Những đứa bé gắng giữ được sức khỏe và sự tồn tại cũng thật sự là khó rồi. Có lẽ mình không phải là người trong cuộc nên không hiểu hết được. Càng ngày càng ít thấy "hoa trái nở trong tim người".
Chẳng hiểu sao dạo này thỉnh thoảng lại được "vinh dự" biết những người Việt bập bõm tiếng Việt, có người đang là học sinh, có người đang dạy ĐH ở Mỹ, ngược lại có những người nước ngoài dùng tiếng Việt rất dí dỏm, như ông Doninic Scriven - CEO của Dragon Capital.
Lang thang blog một người bạn, đọc một bài thơ về tiếng Việt, thương lạ!
Bây giờ, nó đang mong ngóng trông chờ một niềm vui mới của gia đình, niềm vui có hình hài, mỗi lần nghĩ tới, thấy vui vui, thương thương mà cũng buồn. Ừ, ngày mai, "người con gái Việt Nam da vàng... người con gái ngồi mơ thanh bình".
Vài nét về blogger:
Đừng đợi đến khi nhận được nụ cười thì mới nở nụ cười.
Đừng đợi đến khi được yêu thương mới mở lòng yêu thương.
Đừng đợi đến khi cô đơn thì mới quý trọng tình bạn.
Đừng đợi đến khi có thời gian thì mới bắt đầu công việc...
Đây là điều tôi tâm niệm được ngày hôm nay. That's great!
Bài đã đăng: Cô nàng sứt môi...