Dù được tờ Observer của Anh khen ngợi cách đây chưa lâu, nhà hàng Bastible ở thủ đô Dublin, Ireland, đã phải đóng cửa do tác động của Covid-19. Không chỉ Greene, 13 đồng nghiệp của anh cũng mất việc.
"Khi bạn nhận được một đánh giá tốt, đó sẽ là khởi đầu cho một tuần đặc biệt, và những tuần như vậy tạo nên một tháng tươi đẹp. Nhưng mọi chuyện đang diễn ra thật đáng thất vọng, nó khiến bạn cảm thấy như mình bị tước đoạt cơ hội phát triển", bếp trưởng Greene nói.
"Thật sự rất khó chấp nhận, tôi đã thức trắng đêm để suy nghĩ về tương lai", Greene chia sẻ thêm.
Bếp trưởng Greene chỉ là một trong hàng triệu nạn nhân của đại dịch Covid-19 đang tàn phá ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn. Hàng loạt doanh nghiệp châu Âu đã phải cắt giảm nhân sự khẩn cấp vì lệnh phong tỏa ở nhiều nơi, người dân không ra đường, các quán bar, nhà hàng phải đóng cửa, đường hàng không tê liệt.
Nhiều tháng tới, chính phủ các nước sẽ thống kê sức tàn phá của Covid-19 đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, Tổ chức Lao động Quốc tế ngày 18/3 đã cảnh báo, 25 triệu việc làm sẽ biến mất nếu chính phủ các nước không có phản ứng nhanh chóng hơn. Con số này sẽ vượt qua mức 22 triệu người lao động bị mất việc trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009.
Các quốc gia châu Âu đã bơm hàng trăm tỷ Euro để giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế, cũng như nới lỏng các quy định giúp người lao động xin trợ cấp thất nghiệp và giúp các công ty có thể cầm cự, duy trì được nguồn nhân lực hiện tại.
Ở Italy, tâm Covid-19 tại châu Âu, chính quyền cấm doanh nghiệp sa thải nhân viên từ ngày 23/3. Nhưng do quy mô của cuộc khủng hoảng xảy ra trên diện rộng, nhiều doanh nghiệp đang chen chúc để nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ.
Ở Ireland, Thủ tướng Leo Varadkar ước tính sẽ có 100.000 người trở lên thất nghiệp chỉ trong vòng hai tuần, tức 5% lực lượng lao động nước này. Tính đến 13/3, Ireland đã có khoảng 20.000 người đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp.
Ở Đức, tỷ lệ thất nghiệp vốn đã hạ thấp xuống mức kỷ lục, nhưng giờ các công ty lại nối đuôi nhau xin cứu trợ tài chính từ chính quyền.
Ở Bỉ, khoảng 30.000 doanh nghiệp đã nộp đơn xin phúc lợi thất nghiệp tạm thời cho gần 300.000 nhân viên. Nếu chấp thuận, chính phủ sẽ giúp các doanh nghiệp này chi trả đến 70% lương cho nhân viên.
Nhưng không phải người lao động nào cũng được xem xét hỗ trợ. Những người ký hợp đồng ngắn hạn gặp khó khăn trong việc xin trợ cấp và nhóm này chiếm tỷ lệ lớn ở châu Âu.
Tại Tây Ban Nha, ổ dịch lớn thứ hai châu Âu, khoảng 100.000 người lao động đã bị sa thải. Liên đoàn lao động nước này dự báo, con số có thể lên đến một triệu người.
Ở thành phố Barcelona, nữ nhân viên văn phòng Alejandra Paola Carrera, 27 tuổi, lo sẽ không nhận được trợ giúp của chính phủ do mới đóng góp vào hệ thống an ninh xã hội từ tháng 7 năm ngoái.
"Tiền tiết kiệm của tôi không thể cầm cự quá một tháng nữa. Tôi thuê trọ với ba người khác. Chúng tôi lâm vào tình cảnh giống nhau: công việc tạm bợ lại còn mới mất việc", Carrera cho biết.
Viviana, một người mẹ đơn thân ở Barcelona, đối diện với thách thức phải nuôi sống bản thân và con gái ba tuổi khi vừa bị công ty cho thôi việc.
"Số tiền kiếm được trong những ngày cuối cùng không đủ cho tôi đóng tiền nhà, điện, nước. Tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì để cứu lấy bản thân và con gái", bà mẹ 31 tuổi nói.
Ở Ba Lan, tình trạng thất nghiệp được duy trì ở mức vô cùng thấp. Nhưng khi Covid-19 ập đến, cơ hội xin việc của những người trẻ trở nên tối sầm.
Nicoise Kemp, 23 tuổi, sinh viên ở thành phố Warsaw, có bốn năm làm phục vụ tại khách sạn hàng đầu vừa trở thành người thất nghiệp.
"Bây giờ, chẳng còn ai tuyển dụng nữa. Tôi nghĩ rằng đám sinh viên chúng tôi đều sốc nặng. Chúng tôi vốn rất bận rộn với việc học và làm thêm. Rồi một buổi sáng thức giấc, chúng tôi chẳng có gì nữa".
Nhìn vào thực tế, đầu bếp Greene thấy bản thân vẫn may mắn hơn nhiều người khi không nhiễm bệnh, không mắc nợ và chưa lập gia đình. Với số tiền tiết kiệm, anh sẽ dành thời gian để quan tâm gia đình nhiều hơn, học hỏi "hàng triệu triệu thứ hay ho" mà lúc bận rộn không thể làm được ví dụ như mài giũa kỹ thuật lên men thức ăn của mình.
"Tôi sẽ cố gắng lạc quan, tôi vẫn còn bánh mì để ăn và một khoảng sân để trồng rau củ. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi", Greene nói.
Nhưng với hầu hết những người còn lại, họ không dám hình dung về tương lai phía trước.
Sơn Nam (Theo Reuters)