Trong văn hóa phương Đông và phương Tây thời xưa, người đồng tính thường không được tôn trọng, bị kỳ thị. Do đó, một ngôi đền dành riêng cho những người đồng tính ở Đài Loan gây tò mò cho du khách, đặc biệt là những người nước ngoài.
Ngôi đền được lập vào năm 2006 bởi một người đàn ông tên là Lu Wei-ming. Công trình khá khiêm tốn, nằm trong một con hẻm nhỏ giữa khu thương mại sầm uất của thành phố Tân Bắc. Nơi đây là điểm lui tới thường xuyên cho những người thuộc giới LGBT trên khắp Đài Loan. Ngôi đền thờ thần Thỏ, vị thần được cho là tượng trưng cho cộng đồng những người đồng tính luyến ái.
Ông Lu Wei-ming cho biết theo văn hóa Trung Quốc, "thỏ" là một thuật ngữ xúc phạm những người đồng tính luyến ái. Họ không được tham gia bất kỳ một nghi lễ tôn giáo nào. Vì thế, ngôi đền giống như "nơi nương tựa" cho những người thuộc giới tính thứ ba. Bản thân ông Lu cũng là người theo chủ nghĩa độc thân và không tiết lộ giới tính thật của mình nhưng ông muốn tạo một nơi chào đón những con người vốn bị xã hội xa lánh.
Thần Thỏ không phải một vị thần xuất hiện lâu đời trong tín ngưỡng người Hoa. Theo Zibuyu - tuyển tập những câu chuyện thần bí của tác giả Yuan Mei thời nhà Thanh thế kỷ 18 - thần Thỏ vốn là một quan chức triều đình tên là Hu Tianbao. Ông này đem lòng yêu một thanh tra đế quốc trẻ tuổi, đẹp trai người Phúc Kiến. Do chênh lệch về địa vị, Hu không dám thổ lộ tình cảm của mình mà chỉ lén nhìn trộm vị thanh tra qua cửa phòng tắm. Khi bị bắt gặp, Hu thú thật lòng mình với người thương nhưng nhận lại sự phẫn nộ. Thanh tra này đã trừng tội Hu bằng hình phạt đánh đến chết.
Một tháng sau khi anh ta qua đời, một người đàn ông ở quê nằm mơ thấy Hu, khi đó đã được Ngọc Hoàng đại đế ban cho chức vị thần Thỏ, với nhiệm vụ quản lý, bảo trợ cho "những người đàn ông có tình cảm với đàn ông". Trong mơ, thần Thỏ yêu cầu người đàn ông xây dựng cho mình một ngôi đền để thờ cúng.
Theo Reuters, thời điểm xây dựng ngôi đền, ông Lu cũng vấp phải sự phản đối của cộng đồng tôn giáo địa phương. Một số nhà hoạt động Thiên Chúa giáo biểu tình trước ngôi đền, trong đó có một mục sư cố gắng thực hiện một lễ trừ tà trước bàn thờ thần Thỏ.
Theo Michael Szonyi, phó giáo sư lịch sử Trung Quốc ở Khoa Ngôn ngữ và văn minh Đông Á tại Harvard, thần Thỏ là một phát minh thuần túy của nhà thơ Yuan Mei. Bởi hình ảnh của vị thần này không hề xuất hiện trong bất kỳ tác phẩm nào khác, bao gồm cả những câu chuyện truyền miệng ở Phúc Kiến. Thần Thỏ được biết đến là một vị thần dễ mến, sẵn sàng hỗ trợ những tín đồ của mình trong mọi khía cạnh cuộc sống, không chỉ tình cảm. Theo ông Lu, khi cúng, người đi lễ nên gọi là "chủ nhân", "đại gia", thay vì gọi tên thần Thỏ. Sau đó, những người có nhu cầu ghi tên mình, địa chỉ, ngày sinh và lời cầu nguyện lên sớ và đốt (hóa) để cầu mong thành sự thật.
Tuy nhiên, ông Lu cũng cho biết người đồng tính không nên đến đền thờ Nguyệt Lão, vị thần mai mối, bởi đền thờ thần Thỏ được xem là sự thay thế cho họ. "Nguyệt Lão ban duyên lành cho những cuộc tình giữa người nam và người nữ, trong khi đó, thần Thỏ sẽ mai mối nhân duyên cho những người đồng tính", ông nói.
DJ Hatfield, một học giả thỉnh giảng tại Đại học Đài Đông Quốc gia Đài Loan nhận định: "Điều thú vị ở ngôi đền này là tính dục được đánh dấu đặc biệt. Đây là một không gian công cộng dành cho những người đồng tính ở Đài Loan, cho thấy sự cởi mở của xã hội với cộng đồng LGBT". Đài Loan cũng là nơi hiếm hoi ở châu Á công nhận hôn nhân đồng giới từ năm 2019.
"Dù người đồng tính 'bị cho ra rìa' trong xã hội cũ, sự nhân từ, tình yêu thương là bình đẳng với tất cả mọi người, dù ở giới tính nào. Không chỉ dành cho gay, ngôi đền còn dành cho les - những người đồng tính nữ", ông Lu nói thêm. Ngôi đền hiện đóng cửa để phòng dịch Covid-19 nhưng trước đó, nơi đây là địa điểm được cộng đồng LGBT thường lui tới.
Địa chỉ: tầng 8, tòa nhà thương mại số 235 đường Jingan, quận Zhonghe, thành phố Tân Bắc (New Taipei), Đài Loan.
Hà Nguyên (Theo Taipei Times News)