Bộ phim Châu Sinh như cố gồm 2 phần đang làm mưa làm gió màn ảnh xứ Trung từ tháng 8 tới nay. Kết thúc phần 1 với bối cảnh cổ trang, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng khán giả, phần 2 mang tên Nhất sinh nhất thế viết tiếp câu chuyện tình của Châu Sinh Thần (do Nhậm Gia Luân thủ vai) và Thời Nghi (do Bạch Lộc đảm nhận) ở thế giới hiện đại. Trong tập đầu tiên, hai nhân vật đã có cuộc hẹn hò lãng mạn ở chùa Thanh Long - nơi mà đôi tình nhân kiếp trước từng gặp gỡ. Đây là một địa danh có thật, thuộc thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Phân đoạn này có nhiều cảnh quay, góc máy tái hiện khung cảnh chùa Thanh Long vào mùa hoa anh đào, đi kèm lời giới thiệu: "Chùa Thanh Long được liệt vào danh sách di tích trọng điểm quốc gia năm 1996. Năm 1986, chùa đã nhập hơn 1.000 gốc anh đào từ Nhật Bản, gồm 12 giống hoa quý hiếm. Ngôi chùa là điểm ngắm hoa anh đào mùa xuân nổi tiếng nhất ở Tây An bởi có nhiều giống anh đào và một gốc anh đào cổ thụ với lịch sử lâu đời nhất". Ngôi chùa hoa đào nở rực rỡ trong phim 'Châu Sinh như cố' Trích đoạn phim 'Châu Sinh như cố' phần 2 quay lại chùa Thanh Long. Video: We TV Chùa Thanh Long, có ý nghĩa là "rồng xanh", còn được gọi với tên khác là chùa Shifo hay chùa Phật Đá. Ngôi chùa có tuổi đời gần 1.500 năm, tiền thân là một ngôi đền mang tên Linggan, được xây dựng từ thời nhà Tuỳ (năm 581). Sau đó, tới thời Đường, công trình này được xây dựng lại. Tương truyền, vào năm 662, công chúa Chengyang - con gái của vua Đường Cao Tông lâm bệnh nặng. Nhà sư Pháp Lãng đã cầu Đức Phật phù hộ cho công chúa. Sau khi bình phục, công chúa Chengyang đã cho xây dựng lại chùa Quan Âm, sau này đổi tên thành chùa Thanh Long vào năm 711. Đầu thế kỷ thứ 8, đạo sư Kim Cương thừa Huiguo làm trụ trì và giảng dạy trong chùa, học trò gồm nhiều nhà sư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia... Trong số đó, nhà sư Nhật Bản Kūkai đã mang giáo lý Phật giáo trở lại Nhật Bản vào năm 806 và sự ảnh hưởng của ông là một phần làm cho Phật giáo trở nên phổ biến ở xứ phù tang. Tuy nhiên, tới năm 1086, ngôi chùa bị phá huỷ hoàn toàn trong thời Bắc Tống và bị chìm dần vào quên lãng. Năm 1963, nhóm khảo cổ đã tìm thấy địa điểm của chùa Thanh Long. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã khởi công xây dựng lại chùa trên địa điểm ban đầu với kiến trúc mang phong cách Nhật Bản. Năm 1982, chính quyền Tây An và một số tỉnh ở Nhật như Kagawa, Tokushima, Kōchi và tỉnh Ehime đã cùng nhau xây dựng tượng đài Kukai. Hai năm sau, đài tưởng niệm Huiguo và Kukai được khánh thành trong sân chùa. Năm 1986, chùa Qinglong có hơn 600 cây sakura từ Nhật Bản, sau này, số lượng tăng lên hơn 1.000 gốc. Vào mùa hoa anh đào nở, hàng nghìn du khách tới chùa Thanh Long mỗi ngày để vãn cảnh, thưởng hoa, chụp ảnh. Trước đây, khách vào cổng cần mua vé nhưng hiện tại được miễn phí. Nhân vật Châu Sinh Thần cũng nhắc tới chi tiết này. Anh chàng cố gắng tới sớm 5 phút để mua vé giùm nhóm bạn của Thời Nghi nhưng sau đó mới biết giờ đã miễn phí ra vào. Sân chùa có nhiều giống anh đào khác nhau, có nhiều loại phổ biến nhưng cũng có một số giống hoa du khách ít gặp ở các điểm tham quan khác. Cành anh đào hồng rực, xa xa là mái chùa mang phong cách kiến trúc xứ phù tang khiến du khách ngỡ như đang ở Nhật Bản. Chùa Thanh Long mở cửa từ 8h30 tới 16h30, thời gian tham quan khoảng một tới hai tiếng do diện tích không quá lớn. Ngoài Nhất sinh nhất thế, nơi đây còn từng là địa điểm quay của nhiều bộ phim truyền hình khác lấy bối cảnh thời nhà Đường. Ngôi chùa nằm tại làng Tieluomiao Village, đường Xiying Road, quận Yanta, trung tâm thành phố Tây An. Phần lớn cảnh quay của phần 1 Châu Sinh như cố được quay tại Tây An. Nơi đây từng là kinh thành Trường An, cố đô của 10 triều đại phong kiến Trung Hoa, là một trong những thành phố du lịch có lịch sử lâu đời nhất ở Trung Quốc, bên cạnh thủ đô Bắc Kinh. Ngoài chùa Thanh Long, Tây An còn nhiều điểm tham quan nhất định phải ghé qua như lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, Trường Thành, tháp Chuông, tháp Trống, tháp Đại Nhạn, cung điện Đại Minh, suối nước nóng Hoa thanh trì gắn với Dương Quý Phi... Nguyên Chi