Thúy Phạm
Vào một ngày cuối tháng 2/2009, tôi, người phụ nữ đơn thân vừa hạ sinh bé gái thứ hai (ngoài giá thú với chồng mình vì bẫy ly hôn) tròn 4 tháng, đáp máy bay xuống phi trường Los Angeles.
- Cô vi phạm luật cư trú khi ở ngoài nước Mỹ hơn một năm đối với người có thẻ thường trú dân. Cô có một trong hai lựa chọn: Một là chúng tôi tịch thu thẻ xanh và cho cô visa nhập cảnh Mỹ. Hai là cô phải ra toà nghe phán xét nếu không đồng ý lựa chọn đầu tiên, với điều kiện bị lưu giữ toàn bộ hộ chiếu thẻ xanh và trình diện tại sở cảnh sát 1 tuần/1 lần cho đến ngày ra toà.
- Tôi chấp nhận lựa chọn thứ hai.
Vậy là họ đưa tôi vào phòng lấy cung phục vụ cho ngày ra toà. Cánh cửa mở ra, đập vào mắt tôi là một nữ cảnh sát da đen ngồi bệ vệ ngay bàn máy tính. Gương mặt sắc lạnh nghiêm nghị, bà hỏi tôi những thông tin cơ bản liên quan đến hồ sơ di trú của tôi.
Cảnh sát: ngày kết hôn
Tôi: 1/9/2006
Cảnh sát: ngày ly hôn
Tôi: 23/9/2007
Cảnh sát: Tại sao ly hôn nhanh vậy?
Tôi: đó là câu chuyện dài. Tôi không đủ vốn tiếng anh để kể cho bà tường tận.
Cảnh sát: Tôi sẽ đi kiếm người thông dịch cho cô. Đợi đấy...
Và một viên hải quan soi hành lý gốc Việt được nhờ vào làm thông dịch. Từ đó câu chuyện được giãi bày cặn kẽ. Không có tiếng khóc lớn thành tiếng, hay lệ rơi thành dòng, chỉ có đôi mắt lâu lâu chợt đỏ lên rưng rưng vì xúc động mạnh khi kể lại những oan ức gánh gồng.
Cảnh sát: Anh ta làm nghề gì?
Tôi: .... Tôi chỉ được cho biết sau khi cưới.
Cảnh sát: Ồ! Vậy là đúng rồi. Một kẻ làm ngành nghề đấy thì không có gì lạ khi đối xử với người vợ của mình tệ như thế. Tôi không chấp nhận một người đàn ông lại hành xử với vợ con như vậy. Tôi sẽ giúp cô. À mà cô đói không? Cô ăn gì nhé? Tôi sẽ đi lấy bánh quy và nước cho cô.
Vậy là sau hơn 5 tiếng đồng hồ, tôi được bỏ vài miếng ăn vào bụng trong lúc đợi thêm 2 tiếng nữa chờ bà cảnh sát tranh luận với đồng nghiệp về trường hợp đặc biệt của tôi.
Viên hải quan còn ngạc nhiên vì sự lật ngược tình thế này. Ông bảo làm việc ở sân bay bao nhiêu năm, ai vào đến phòng này thì chỉ có một đường là về nước mà thôi. Ông khen tôi quá may mắn! Tôi cười đáp trả ông giữa những xáo trộn mạnh trong lòng. Cuối cùng bà cảnh sát cũng quay về phòng và hoàn tất hồ sơ để tôi được nhập cảnh vào Mỹ. Bà không quên in ra danh sách luật sư di trú ở Los Angeles để tôi tìm đến xin tư vấn và thuê bảo vệ quyền lợi cho mình tại toà.
Kết quả, tôi không phải ra toà, không cần quay về Mỹ sinh sống ngay lập tức để đủ điều kiện xin gia hạn thẻ xanh. Tôi được cấp thẻ xanh qua đường bưu điện. Một lần nữa, trường hợp đặc biệt của tôi lại khiến cô luật sư kinh ngạc, cô lại khen tôi quá may mắn.
Đúng vậy! Người phụ nữ da đen ấy đã là ân nhân đời tôi. Khi đối diện với một người phụ nữ từ đất nước xa lạ cách nửa vòng trái đất, với hoàn cảnh phức tạp lòng vòng, bà đã nhẫn nại, thành tâm lắng nghe toàn bộ câu chuyện của tôi để tìm ra sự thật. Người phụ nữ ấy có màu da đen, có tấm lòng, có trái tim, có nhân cách.