Thứ năm, 25/4/2019, 00:05 (GMT+7)

Nghệ thuật điêu khắc đá ở tượng đài lớn nhất xứ Thanh

Tượng Lê Lợi nặng hơn 480 tấn được tạc bằng đá xanh nguyên khối, bên cạnh là những bức phù điêu tinh xảo mô tả cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

UBND TP Thanh Hoá vừa hoàn thành dự án tu bổ tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Gần hai tháng qua, hàng chục nghệ nhân và kỹ sư đã cầu kỳ vệ sinh, đánh bóng mặt tượng, sửa chữa các vết nứt và xử lý vật liệu kết dính nhằm nâng cao độ bền cho bức tượng lớn nhất tỉnh này.

Bức tượng hiện nay trông sáng bóng hơn trước, các vết nứt cũng không còn.

Tượng đài Lê Lợi tọa lạc trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa, cạnh đại lộ Lê Lợi - con đường lớn và đẹp nhất thành phố. Tượng được tạc từ 173 m3 đá xanh cỡ lớn, cao 15,7 m và nặng hơn 480 tấn, khánh thành năm 2004 nhân kỷ niệm 200 năm đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa.

Ngoài tượng chính, khuôn viên tượng đài Lê Lợi còn có ba bức phù điêu lớn dựng phía sau gần chân tượng. Hiện các bức phù điêu này cũng được sửa chữa xong một số vị trí hư hỏng, xuống cấp.

Các bức phù điêu cũng được tạc bằng đá xanh tảng lớn ghép thành khối.

Nội dung các bức phù điêu chia thành hai phần. Mặt trước khắc hoạ những dấu mốc quan trọng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng kéo dài 9 năm (1418-1427) nhằm đánh đuổi giặc Minh, giải phóng đất nước. 

Những cuộc chiến cam go được các nghệ sĩ điêu khắc tái hiện sinh động trên từng thớ đá. 

Khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, dựng nên nhà Hậu Lê. Tương truyền, sau khi hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, Lê Lợi đã trao trả gươm báu cho thần kim quy ở hồ Hoàn Kiếm. Đây là nội dung được thể hiện trong phần cuối cùng ở mặt trước bức phù điêu bên trái tượng đài Lê Lợi.

Sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ bắt tay vào công cuộc thiết lập chính quyền từ trung ương đến địa phương, chấn hưng kinh tế, giáo dục, đặt ra luật pháp, lễ nhạc... mở ra một kỷ nguyên thịnh trị cho nước Đại Việt.

Mặt sau ba bức phù điêu được xuyên suốt với chủ đề hoà bình, kiến thiết đất nước. Mở đầu là cảnh người nông dân nô nức cấy cày, hăng say lao động sản xuất.

Tiếp sau là cảnh ấm no, người dân vui vẻ tham gia sinh hoạt văn hoá với nhiều trò chơi dân gian như kéo co, đua thuyền, đấu vật, chọi gà...

Điệu múa dân ca đi cấy tiêu biểu ở Thanh Hoá cũng được mô phỏng ở đây.

Dự án tu bổ tượng đài Lê Lợi nằm trong chuỗi hoạt động nhằm chuẩn bị cho sự kiện 990 năm Thanh Hoá, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 5.

Dịp này, thành phố Thanh Hóa còn cải tạo, nâng cấp nhiều công trình như Ba Bia, quảng trường Lam Sơn, khuôn viên vườn hoa trên đại lộ Lê Lợi...

Trong ảnh, nhóm công nhân đang kết hoa trang trí nhà bia Vĩnh Lăng và mô hình trống đồng tại khuôn viên tượng đài Lê Lợi.

Lê Hoàng

Đánh giá phiên bản mới