![]() |
Một điểm sửa khóa tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. |
Quả thật thợ khóa xuất hiện “trên từng cây số”. Nhiều con đường, góc phố trước đây không hề thấy bóng dáng thợ khóa thì nay xuất hiện những người thợ lui hui với thùng đồ nghề và những xâu chìa lủng lẳng.
Chỉ một đoạn đường Quang Trung, quận Gò Vấp đã đếm được gần 15 điểm “hành nghề” thợ khóa. Anh Hùng nói vui rằng cái nghề thợ khóa này “ăn theo” những căn nhà mới cất, tài sản mới tậu và xe cộ mới sắm.
Ngồi nói chuyện nhưng anh vẫn luôn tay hết loay hoay khơi những hòn bi trong các ổ, đục rồi lại giũa những chiếc chìa... Câu chuyện thỉnh thoảng ngắt ngang vì khi thì một cô gái mặt méo xệch, dắt chiếc Attila cồng kềnh để “Anh làm giúp chiếc chìa”; lúc là chị phụ nữ sồn sồn, mặt đầy bí ẩn kề tai anh Hùng nói nhỏ: “Anh đến nhà làm gấp giùm chiếc chìa khóa tủ sắt. Xem thử ông chồng tui cất cái quái gì ở trỏng mà cứ đi là phải khóa chặt lại. Đi liền nha, kẻo ổng về...”
Anh Hùng nói, mỗi tháng anh có thể kiếm được không dưới 5 triệu đồng. Bình quân, một miếng kim loại mẫu làm chìa mua sỉ chưa đến 1.000 đồng, nhưng khi đánh ra thì giá lên tới 10.000-15.000 đồng. Đối với các chìa có mẫu sẵn như chìa xe gắn máy thì công đánh cũng phải 7.000-8.000 đồng một chiếc. Riêng với các loại chìa két, các loại tủ đặc biệt thì giá rất vô chừng. Đôi khi tùy thuộc vào lương tâm người thợ khóa. Bởi vì, khi cần kíp, có hét giá bao nhiêu thì người ta cũng phải chịu.
Có không ít vị khách còn sẵn sàng “bo” rất sộp. Anh Hùng bảo nhiều khi nửa đêm cũng có người gõ cửa nài nỉ giải quyết chuyện “vừng ơi mở cửa”. Anh Hùng nhiều lúc phải huy động thêm cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học Kinh Tế nhưng chưa có việc làm ra phụ bố.
Gia đình có truyền thống đã 3 đời làm nghề này, nhưng chỉ có đến thời của anh là “ăn nên, làm ra”. “ Có lẽ vì kinh tế ngày càng sung túc nhưng xã hội thì cũng phức tạp hơn nhiều so với trước. Do vậy, muốn gì thì muốn, cái gì cũng cứ khóa lại cho chắc ăn”, anh Hùng lý giải.
Anh Tùng, thợ khóa trên đường An Dương Vương bảo: "Nghề thợ khóa có những tình huống đầy kịch tính mà người ngoài cuộc khó hình dung được”. Thì ra, bi hài kịch mà anh Tùng muốn nói ở đây chính là lần chàng thợ khóa đẹp trai này được một phụ nữ xinh đẹp mời về nhà mở giùm cái tủ trong phòng ngủ...
Anh Tùng hí hoáy, mày mò sửa khóa được một lúc thì ngửi mùi nước hoa thơm nồng tỏa bên cạnh mình. Anh ngẩng lên thấy cửa phòng đã được khép lại, người phụ nữ trong bộ đồ ngủ rất khêu gợi đang cúi xuống, mỉm cười rồi quàng hai tay ôm lấy người anh...
“Thử hỏi cậu, thằng đàn ông như mình trong tình huống này phải... “xử lý” ra sao? May mà mình còn kịp bình tĩnh gỡ tay cô ta”. Nhưng chuyện xui xẻo vẫn xảy ra khi đúng lúc ấy anh chồng trở về nhà. Cửa buồng xịch mở, tình ngay, lý gian...
Lần khác, anh được một thanh niên mời đến nhà mở giùm cái két sắt. Ba ngày sau, đang sửa khóa thì anh “được” công an phường mời lên làm việc. Hóa ra, người thuê anh mở két chỉ là đứa cháu mà chủ nhà nhờ đến trông nhà giúp vài ngày khi ông ta đi vắng. Không ngờ, anh này lại có ý gian biến anh Tùng thành đồng phạm.
Sự việc sáng tỏ, anh Tùng mới... tai qua, nạn khỏi. Từ đó, mỗi khi ai nhờ đến nhà để giúp chuyện “vừng ơi mở cửa”, và phải “mở” những thứ “nhạy cảm” như két sắt, cửa phòng ngủ anh nhất định phải gặp được chủ nhà hoặc người lớn tuổi mới dám nhận.
“Làm nghề thợ khóa này “chua” nhất là khi người ta kêu về nhà. Nếu không cẩn thận là rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười như chơi...”, anh Hoàng Văn Đạt, hành nghề thợ khóa ở chợ Ông Tạ, cho Người Lao Động biết.
Trong gần 20 năm “hành nghề”, không dưới 30 lần anh bị chủ nhà nghi ngờ mình là kẻ trộm. Cứ đúng vào lúc mình đến nhà ai sửa khóa, lỡ sau đó mất món đồ gì họ cũng đều đổ riệt cho mình. Thậm chí có lần anh còn bị những trận đòn “hội đồng” do cả gia đình thân chủ kéo đến hành hung và buộc anh phải trả lại 10.000 USD mà họ vừa mất. “Dù sau đó sự việc trắng đen có rõ ràng thì mình vẫn bị thiệt thân và mệt mỏi vì rắc rối”.
Anh Đạt bảo làm thợ sửa khóa cũng còn chứng kiến lắm chuyện thế thái nhân tình, cười ra nước mắt, tựa như trong phim. Chuyện ông con trai đi vắng “nhốt” mẹ ruột đã lớn tuổi, bị lẩm cẩm vào buồng để khỏi dơ nhà nghe ra thật quá xót xa. Cô con dâu cảm thấy bất nhẫn nên đến nhờ anh mở khóa để bà cụ đi lại thoải mái. Lại có trường hợp, có bà “trừng trị” chồng hay đi nhậu bằng cách cứ vào buổi chiều, tối... nhốt chồng trong phòng ngủ, khóa lại.
“Làm công việc này thứ nhất là không được tham, thứ hai là phải hết sức nâng cao cảnh giác để không trở thành đồng phạm của bọn tội phạm. Thứ ba là phải yêu nghề vì công việc này bất kể giờ giấc, lúc thì ngồi nắng nôi ở lề đường, lúc lại lăng xăng ở nhà này, cơ quan nọ”, anh Hùng đúc kết kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề của mình như vậy.
Anh được xem là bậc “cao niên” trong nghề và có khả năng “trị” bất kỳ loại khóa nào, dù là khóa két sắt là loại khó “chơi” nhất. Tuy vậy, anh rất cẩn thận khi nhận bất kỳ vụ mở khóa nào mà “nghi ngờ” thấy có điều bất ổn. Hiếm khi anh nhận làm chìa theo mẫu vẽ sẵn trên dép xốp, bánh xà phòng vì “biết đâu có một âm mưu gì đó”.
Thật ra, trong giới thợ khóa cũng có người vì lòng tham mà “cuỗm” luôn đồ của khách hàng hay sẵn sàng làm những “phi vụ đen” như “chế tạo” chìa cho những tên chôm chỉa. “Nhưng dạng đó rất ít và nếu không bị pháp luật phát hiện, trừng trị thì cũng bị dân trong nghề, khách hàng tẩy chay, đào thải. Làm nghề này muốn trụ lâu phải có cái tâm”, nhiều thợ khóa khẳng định.