Yu Jin làm việc tại phòng tẩy trùng của Bệnh viện Tongren ở Bắc Kinh. Ảnh: China Daily. |
"Thời điểm lấy giác mạc tốt nhất là 3 giờ sau khi bệnh nhân qua đời. Điều này có nghĩa chúng tôi phải chạy đến để lấy đi cầu mắt của người đã khuất trong khi người nhà họ vẫn đang bàng hoàng và đau đớn trước cái chết của người thân. Tôi không thể quên được sắc mặt của họ".
Bất cứ khi nào việc này xảy ra, Yu vẫn không nguôi cảm giác mình đang làm một việc thật tàn nhẫn. Khi người khác đang trải qua cảm giác mất mát thì cô lại như khắc sâu thêm nỗi đau trong lòng họ bằng việc lấy đi mất bộ phận trên cơ thể người quá cố. Để hoàn thành công việc, cô buộc phải giữ thái độ bình tĩnh và bụng bảo dạ, có nhiều người đang đợi để được ghép giác mạc. Từ năm 2008 đến nay, Yu đã lấy thành công giác mạc của 30 người hiến.
Cô gái 23 tuổi vẫn nhớ như in lần đầu làm công việc này, tháng 4/2008. Người hiến giác mạc là cụ bà 89 tuổi, Tang Lin. Bà Lin qua đời và gia đình bà đã ký vào bản cam kết ngay khi Yu cùng các bác sĩ tới. Giọng trầm xuống, Yu kể: "Chúng tôi phải lấy được cầu mắt nguyên vẹn từ hốc mắt". Muốn vậy thì phải lấy cả những phần xung quanh để bảo vệ cho cầu mắt được an toàn, bởi nếu chỉ lấy cầu mắt, chất lỏng sẽ chảy ra và phá hủy những phần còn lại. Căn phòng như lắng xuống, đôi mắt của cậu con trai bà Lin mọng nước chỉ chực òa khóc.
Chỉ mất 15 phút, Yu đã trợ giúp bác sĩ hoàn thành mọi thao tác. Cầu mắt thật được lấy ra, một cái giả khác được nhét vào thay thế. Hai mi mắt của người chết sau đó được khâu chặt lại với nhau. Nhãn cầu được đưa tới một bệnh viện còn Yu ở lại cùng gia đình người chết. Cô chẳng biết phải nói lời nào để làm họ bớt đau đớn. "Tôi chưa bao giờ biết đó là niềm hạnh phúc hay nỗi buồn khi nhận được cuộc gọi", Yu chia sẻ.
Trong đời mình, Yu chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ làm công việc ấy. Cách đây ba năm, cô từng mơ ước trở thành một y tá khi còn đang học ở quê, tỉnh Liêu Ninh. Tốt nghiệp năm 2007, cô làm y tá cho Bệnh viện Tongren ở Bắc Kinh. Bệnh viện này vốn nổi tiếng với khoa mắt. Vài tháng sau, giám đốc bệnh viện đã hỏi cô liệu có muốn trở thành một đại lý cung cấp cầu mắt hay không.
Yu nhớ lại: "Lúc nghe ông ấy miêu tả công việc, ngay lập tức tôi hình dung đó là một công việc khó. Có lẽ họ nghĩ tôi sẽ làm tốt ở vài trò đó bởi tôi ăn nói khéo léo".
Cơ quan hiến tặng nội tạng đầu tiên của Trung Quốc ra đời 2003 ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Lĩnh vực này vẫn còn bị bỏ ngỏ và Yu đã chấp nhận lời đề nghị làm công việc nhạy cảm ấy. Lúc đó, cô đã tự nói với mình rằng sẽ xem việc này như một công việc nghiêm túc. Tuy nhiên khi bắt tay vào công việc thực tế Yu mới thấy nó khó hơn những gì cô tưởng tượng.
"Lúc đầu tôi không thể ngủ được mỗi khi đêm về. Lúc nào tôi cũng nghĩ làm thế nào để có thể tiếp cận với đối tượng", cô nói.
Yu dậy sớm và bắt xe buýt tới khắp các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe người già. Ban đầu Yu tới gần những bệnh nhân ốm yếu và nói chuyện gần gũi với người nhà họ. Dần dần, cô đề cập tới vấn đề hiến tặng nội tạng và động viên họ. Thông thường, khi nghe chuyện đó, nhiều người sẽ có phản ứng tiêu cực. Nhớ lại những ngày đầu, Yu cho biết: "Tôi cực kỳ sợ hãi khi bị mọi người quát vào mặt và dành cho những lời không tôn trọng. Tôi không giận họ bởi tôi hiểu vấn đề".
Theo quan niệm của người Trung Quốc truyền thống, giữ xác chết nguyên vẹn là hành động bày tỏ sự tôn trọng với người đã khuất. Họ không bao giờ chấp nhận việc hiến tặng nội tạng của mình. Trong khi các nước phương Tây đã quen thuộc với khái niệm hiến tặng nội tạng thì khái niệm này ở Trung Quốc vẫn là lạ.
Yu tâm sự, công việc hiện khá tốt nhưng cô vẫn phải cố gắng. "Một ngày nào đó nếu tôi chẳng còn việc để làm thì có nghĩa là ngày càng nhiều người tình nguyện hiến cầu mắt của mình và không cần phải có người thuyết phục như tôi nữa", Yu chia sẻ với China Daily.
Bình Minh