![]() |
Bán rong, một nghề được khá nhiều người lang thang lựa chọn. |
Anh Tô Văn Mạc (41 tuổi, quê ở Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hoá) có 2 con nhỏ, nhà lại chỉ có hơn 1 sào ruộng nên làm không đủ ăn. Ra Hà Nội làm đủ mọi việc làm thuê từ bốc vác, xe thồ, phụ nề.... anh cũng kiếm được trung bình 20 nghìn đồng/ngày. Đầu tháng 4, Mạc được giao trả về địa phương, nhưng hơn chục ngày đã thấy anh có mặt tại Hà Nội với lý do hết sức đơn giản là cần tiền để nuôi con. Trong lúc vạ vật nằm chờ việc ở vỉa hè, Mạc lại bị "bắt".
"Chuyên nghiệp" hơn với kinh nghiệm 6 năm kiếm sống ở Hà Nội, Lê Đình Học (29 tuổi, quê ở Quảng Hải, Quảng Xương) bị tập trung lần đầu vào đúng đợt ra quân trước thềm SEA Games 22. Chỉ 20 ngày sau khi về nhà, Học tiếp tục quay lại Hà Nội nhưng lần này đổi "địa bàn hoạt động" xuống bờ đê khu vực dốc Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Thanh Trì... Không có nhiều việc để làm, Học "tạt" về chợ Đồng Xuân thì bị "bắt giữ"....
Ấn tượng nhất trong số 32 người lang thang xin ăn, đeo bám khách du lịch của tỉnh Thanh Hoá bị Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội bàn giao cho Sở LĐTB&XH tỉnh này, có lẽ là cậu bé Mai Xuân Hiền (13 tuổi, quê ở Quảng Lưu, Quảng Xương) bị đưa vào TT từ ngày 25/5). Lý do để cậu bỏ nhà đi lang thang là mẹ bị bán sang Trung Quốc, bố lấy vợ khác, dì ghẻ đối xử ghẻ lạnh với cậu.
Có vẻ "tổ chức" hơn là 3 cô bé: Nguyễn Thị Hiếu (11 tuổi), Trịnh Thị Hoa (11 tuổi) và Trịnh Thị Hiền (14 tuổi) đều quê ở huyện Quảng Xương. Học hết lớp 2, lớp 3 thì nghỉ học, 3 cô rủ nhau cùng ra Hà Nội vừa bán bông, tăm vừa xin ăn, do một chú có tên là Bảy (không quen biết) quản lý. Cùng bị bắt tập trung cùng 1 ngày và được đưa hồi gia trong buổi sáng hôm nay, cả 3 đều hứa khi về sẽ đi học và không quay trở lại lang thang xin ăn nữa. Nhưng cán bộ TT lại thấy Hiền bảo: "Cháu cũng không biết trước thế nào, nếu không tìm được việc làm ở quê, có lẽ cháu sẽ đi tiếp...".
Theo ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc TTBTXH IV thì tình trạng "tái lang thang" là khá phổ biến, chiếm tới 30 - 35% số đối tượng đang được tập trung tại đây. Nguyên nhân của tình trạng này là do họ luôn coi Hà Nội là một "mảnh đất màu mỡ" để kiếm sống, chỉ cần làm những công việc giản đơn nhất cũng có thể kiếm được 700.000 - 800.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, chưa đưa về tới nhà, họ đã "nhấp nhổm" tìm cách quay trở lại Hà Nội, nhanh tới mức nhiều người phải nói đùa: xe của Sở đưa họ hồi gia chưa kịp quay trở về thì đã thấy họ ở Hà Nội.
Theo Lao Động, TTXVN, những trường hợp trên đều đã ít nhất 1 lần cam kết không tái diễn lang thang nhưng thực tế đó là những lời hứa "gió bay". Lần này, Sở LĐTB - XH đưa về TTBTXH của tỉnh Thanh Hoá, giao cho địa phương và gia đình có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên chưa thể khẳng định hiệu quả của việc làm này khi mà phương thức hoạt động của nhiều đối tượng ngày một "tinh vi" hơn. Ai dám chắc họ không trở lại Hà Nội?