![]() |
Chuyển xác bệnh nhân tử vong. |
Cánh cửa sau xe mở toang ra, từ phía trong Nhà tang lễ hai nhân viên miệng bịt khẩu trang, tay đeo găng cách ly, chạy vội tới với chiếc băng ca trắng trên tay. Họ từ từ đưa thi thể người đã khuất được quấn trong một mảnh vải hoặc nilon trên xe xuống băng ca, rồi chuyển vào phòng xác. Đó là công việc quen thuộc của các nhân viên ở đây.
Theo Thanh Niên, đội nhân viên tại đây có tất cả 6 người, chia làm 2 ca trực, ca trực hành chính gồm 4 người và 2 người trực ca đêm. Một trong những công việc thường lệ của họ là hai lần lau dọn mỗi ngày, cọ rửa sân tường, phòng vệ sinh..., đặc biệt là lau rửa các vết máu đặc quánh, dính trên các tầng nằm của thi thể trong không khí rất lạnh và độc hại. Họ thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất lớn khi phục vụ cho những tử thi chết do nhiễm HIV, và các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác. Hằng ngày họ phải kiểm tra phòng quàn xác, nếu hệ thống làm lạnh có sự cố phải báo ngay cho người đến sửa chữa. Họ cũng đồng thời bảo vệ an ninh cho các lễ tang.
"Tôi trực ca từ 19h đến 7h sáng ngày mai nên cả đêm phải thức trắng để giữ trật tự an ninh cho các tang lễ. Tụi trộm cắp, bụi đời hay thừa cơ những lúc đêm hôm tang gia bối rối mà lộng hành", anh Lê Tấn Phát, 25 tuổi, nhân viên mới của nhà tang lễ, nói.
Anh Tô Nai Dương, đã trải qua 9 năm làm việc tại nhà tang lễ này cho biết: "Vì các gia đình có người thân qua đời không có điều kiện mai táng tại gia nên sẽ quàn xác tại nhà tang lễ đợi đến ngày khâm liệm. Nếu bệnh nhân tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tử vong thì đích thân một nhân viên trong số tụi tui phải theo xe cứu thương, trực chiến 24/24 giờ ngay sát nhà tang lễ, chạy sang bệnh viện để nhận xác về".
Các nhân viên lâu năm tại đây thường xuyên chứng kiến những cảnh thảm thiết đau lòng của thân nhân người đã khuất, khi đưa tử thi vào phòng quàn xác để họ "yên nghỉ" vài ngày trước khi khâm liệm. Có tử thi chỉ là một đứa trẻ sơ sinh bị gia đình bỏ rơi vì quá nghèo không lo mai táng được, hay một bệnh nhân mắc bệnh nan y không thể cứu chữa, thậm chí có những thi thể không còn toàn vẹn vì một tai nạn giao thông khủng khiếp nào đó hoặc các nạn nhân vô danh do công an đưa đến.
Đến khi tang chủ tổ chức khâm liệm thì các nhân viên phải chuyển thi thể bị đông cứng sau mấy ngày "nghỉ ngơi" trong phòng lạnh 0 độ C vào phòng riêng để tắm nước lá bưởi (phần lớn do thân chủ yêu cầu). Hai tiếng sau, khi các tử thi đã mềm trở lại các nhân viên phục vụ tận tình này phải lau rửa cho người đã khuất được sạch sẽ rồi mặc quần áo tinh tươm cho họ.
Các nhân viên này còn kiêm luôn vai trò "chuyên viên sửa sắc đẹp" cho những tử thi không còn nguyên vẹn các bộ phận hoặc bị biến dạng nghiêm trọng. Lắm khi phải đôn khuôn mặt thi thể cho tròn trịa, dễ nhìn hay thậm chí vá nối các bộ phận rời (do tai nạn) để cơ thể họ được hoàn chỉnh. Anh Phạm Ngọc Hà, Tổ trưởng tổ nhân viên Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bộc bạch: "Đối với những thi thể vô thừa nhận thì chúng tôi phải đi vận động quyên góp từ các đoàn thể hay cá nhân để lo kinh phí mai táng cho người đã khuất. Nhưng kinh phí mai táng cho một ca không có thân nhân thì rất lớn, mà tiền quyên góp thì quá ít ỏi nên hầu như anh em ở đây phải tự đóng góp tiền túi để làm tang đàng hoàng từ A đến Z cho những trường hợp này".
Theo anh Hà, thì Sở Y tế nên quy định khung giá công khai tại mỗi nhà tang lễ để tất cả các gia đình tang chủ có thể lựa chọn. Nếu kế hoạch này được triển khai thì không những nạn cò mồi tang lễ sẽ không còn cơ hội hoạt động "móc túi" người dân mà còn có thể gây quỹ từ thiện tổ chức mai táng cho những ca tử vong vô thừa nhận.