8h sáng, Kim phóng như bay trên đường. Cô bảo: đi phỏng vấn người ta gọi điện hôm qua. "Sao chán việc cũ rồi à?". Kim lắc đầu: "Nào có chán, bị đuổi thì phải đi tìm đất khác mà sinh nhai thôi".
![]() |
Bán mỹ phẩm thú vị? |
Kim, người Tuyên Quang hiền lành và ít có nhu cầu tham gia vào những cuộc vui xa xỉ của lũ bạn. Kim thuê một căn nhà trọ trong ngõ sâu, giá 300.000 đồng/tháng, ở một mình. Rất hiếm khi nấu bữa cơm "hoành tráng" để thoả mãn thú vui ăn uống. Không hay ngồi máy tính, không biết vào mail, chát chít. Không ăn vặt hay thức đêm thức hôm. Mục đích là giữ da, giữ dáng.
Một cô gái dịu dàng và có nước da đẹp, tốt nghiệp ĐH Văn Hoá, chuyên ngành du lịch nhưng lại chọn nghề bán mỹ phẩm. Kim làm ở một hãng mỹ phẩm có tiếng đã được hơn một năm, giờ hành chính. Công việc ngày nào cũng như ngày nào: dậy sớm, trang điểm đẹp rồi đi làm. Trang điểm thì đã thuần thục đến độ nhắm mắt cũng vẫn chọn đúng tông, đúng độ.
Những cô nhân viên đã làm 1 năm trở lên như Kim, trang điểm điêu luyện đến độ những tay trang điểm cô dâu chuyên nghiệp cũng phải ngán. Tuyển vào, phải có dáng thon, đẹp nhẹ nhàng, cười tươi, không được nói ngọng, lắp hay mang nặng âm địa phương làm khách hàng đau đầu. Con gái trẻ, chưa chồng và không chấp nhận có bầu. Quan trọng nhất vẫn là da đẹp, cực đẹp và cực "ăn" phấn.
Đến lớp học thêm vào hai buổi tối thi thoảng mới thấy Kim trang điểm, cô lúc nào cũng áo phông, quần jeans giản dị. Kim bảo: Một ngày đã đủ mệt với váy đồng phục, với phấn son, với giầy cao gót và nụ cười xã giao trên môi, lẽ nào đi học mà cũng không được thở nữa.
Theo Sinh Viên Việt Nam, những cô gái như Kim, thuộc số màu, số tông màu, tên chủng loại son cây, mascara, nước hoa... con giỏi hơn đám dân teen thuộc tên thành viên của các boyband hâm mộ. Đến cửa hàng, nghe các cô ấy giới tiệu vanh vách tất cả các chúng loại từ những hiệu có tiếng như Shisheido, Revlon... đến những chủng loại thuộc hàng "sách đỏ" dành cho những quý tộc chơi sang hoặc những người có làn da quá đặc biệt đã thấy chóng cả mặt. Chỉ riêng với mặt hàng mascara của Maybelline cũng có đến hàng chục chủng loại với những cái tên loằng ngoằng như Fullsoft, Wondercurls... Những cô môi sậm, có khi thử cả chục thỏi son cùng tông vẫn không "thoả hiệp", vì son theo môi, cũng theo cả da mặt...
Kim mất việc. Một công việc lương 800.000-1 triệu đồng và cả tháng vùi mặt vào những lố mỹ phẩm. Công việc ấy chả mấy ai buồn tiếc, nhất là một cử nhân đại học đã đi làm hơn một năm. Nhưng Kim thì khác. Chỉ vì một lần vội về quê thăm mẹ ốm, không kịp xin phép giám đốc điều hành cửa hàng, cô mất việc. Kim bảo: "Mình hiểu chứ, thực ra là họ không bao giờ muốn nuôi một nhân viên bán hàng trụ quá lâu. Dù bạn có xuất sắc, khả năng bán được hàng cao nhanh nhạy... nhưng một năm đứng cửa hàng đến độ khách quen mặt đã là nhiều lắm rồi. Họ buộc phải sa thải bớt để tìm một số nhân viên khác U20, trẻ trung hơn. Họ chỉ chờ có một cái cớ...".
Nghề mỹ phẩm này, không có kiểu "sống lâu lên lão làng". Nga, làm trước Kim gần một năm, lương 1,5 triệu, tháng trước cũng tự viết đơn nghỉ việc. Kim kể: "Giám đốc gặp riêng Nga bảo: em phải hiểu là làm ở đây không có nghĩa là làm trọn đời. Một nhân viên thông minh nên có vài lựa chọn khác nữa. Nga không hiểu ý, vì cô ấy là một nhân viên đã "có nghề" và tự tin hơn Kim nhiều. Đợt nhập loại mỹ phẩm mới về, "lệnh" ban xuống: Nga thử cách sử dụng và hướng dẫn nhân viên khác. Sau đó cô ấy "được"cho nghỉ một tuần vì bộ mặt dị ứng mỹ phẩm mới không thể chường ra trước khách hàng. Đến khi đi làm, vị trí của cô đã được thay thế. Nga xin nghỉ việc. Sếp bảo: cơ hội cho người như Nga thì nhiều lắm, lo gì".
Ngạc nhiên với chiếc khăn quấn đầu theo kiểu không giống với Kim chút nào, gặng hỏi, Kim mới kéo chiếc khăn lên. Một vết rách dài chừng 2cm còn chưa lên da non ở dưới lông mày, gần sát mắt. "Ngã xe, có một anh chàng quệt vào, may mà chỉ có một vết trên mặt".
Kim bảo hôm nay đi phỏng vấn ở một hãng mỹ phẩm Mỹ. Người ta xem hồ sơ, thấy có gần 2 năm kinh nghiệm bán hàng mỹ phẩm, ưng lắm. Nhưng Kim sợ vết sẹo. Cô cười mà mắt gần khóc: "Họ đánh trượt rồi. Tất cả cũng chỉ là vì vết sẹo. Họ nghĩ rằng sẹo dài như thế khó lành. Tuyển vào phải mất vài tuần nghỉ dưỡng thương thì cũng phí. Đi làm thì khách hàng nhìn sẽ thấy ghê".
Bây giờ Kim đã dạn dĩ hơn nhiều rồi. Không phải chỉ mình Kim mà bất cứ cô gái nào "kinh qua" vài show room mỹ phẩm cũng đều "quái" lên, để không bị đón nhận câu "em nên nghỉ việc" bất cứ lúc nào sếp muốn.
Vết sẹo đã lành. Bây giờ Kim đi làm tư vấn và chăm sóc da. Cũng thuộc làu làu gần 500 tên và công dụng của mỹ phẩm trong vòng chưa đầy 2 tuần. Làm tư vấn và chăm sóc da nặng nề hơn, vì trách nhiệm còn nằm ở "hậu" sản phẩm. Biết công dụng của son, phấn và kem dưỡng da chưa đủ, nhân viên phải tư vấn cho khách hàng việc chọn son gì, kem gì, dùng trong bao lâu, vệ sinh mặt thế nào, đi ra đường phải kỵ thời tiết ra sao...
Kim bây giờ còn giữ gìn da mặt gấp vạn lần khi bán ở cửa hàng trước. Cô làm ca từ 10h đến 17h. Có hôm đổi ca làm buổi tối. Trời nắng, mưa, gió, cứ bịt kín mít mặt và cổ. Kim kể có một cô bé ở cửa hàng, chắc thiếu kinh nghiệm nên để 2-3 vết mụn trên trán. Khi cô ấy tư vấn về hiệu quả của kem chống mụn, khách hàng cứ nhìn chằm chằm vào mấy vết mụn mà không nói gì. Rồi bà khách lên gặp sếp. Hôm sau, cô ấy nghỉ việc.
Ngồi ở một cửa hàng mỹ phẩm là nhìn cảnh người đến, người đi nhẹ như không. Dường như ai cũng phải xác định sẽ bị thay thế bất cứ lúc nào. Nghề làm đẹp, cửa hàng cũng giống như khuôn mặt, ở thời điểm này thích dạng phấn này, thời điểm kia ưa màu son khác. Kim bảo: Làm lâu sẽ biết cần phải nói dối khi nào.
Một người bạn của Kim cũng làm về chăm sóc da với các dược mỹ phẩm chiết xuất từ cây cỏ, vì thành thực quá mà mất việc. Cô này thấy một chị khách hàng mặt nám nhiều quá, nhìn qua cũng biết là bệnh do nội tiết, không phải vì viêm nhiễm nhất thời. Bệnh đó phải điều trị bằng y học, không có loại mỹ phẩm nào hiệu quả hoàn toàn. Thật thà, cô bảo: chị nên đi điều chị y học, đừng kỳ vọng vào mỹ phẩm. Bà khách thì có vẻ thông hiểu, nhưng tất cả nhân viên cùng làm ca hôm ấy đã nói với sếp rằng cô nhân viên này đuổi khách.
Ban đầu Kim cũng vậy. Rồi hiểu rằng tốt nhất là: tâng bốc người ta lên, cứ nói rừng mỹ phẩm này dùng lâu dài là khỏi bệnh. Để khách tin cậy. Để biến một khách hàng rón rén ban đầu thành một khách quen, mỗi buổi chăm sóc da tốn đến cả triệu đồng.