Lần “vào Nam” này đồng đội của họ vĩnh viễn nằm lại “chiến trường xưa” khi trở lại nơi rừng cây đã xanh màu bình yên sau bom đạn chiến tranh.
Hiện trường vụ tai nạn. |
Cùng là những người lính đã vào sinh ra tử, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cựu chiến binh phường Kim Liên, nghẹn ngào kể lại: “Chúng tôi không thể tin vào tai mình khi nhận được tin cả đoàn xe của Hội Cựu chiến binh phường bị tai nạn ở Kon Tum, đoàn trưởng, đoàn phó đều tử nạn...”.
Đại tá Ngô Văn Diệm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, nói giọng run rẩy: “Cả ngày nay tôi không thể làm được gì ngoài việc nhìn đi nhìn lại bản danh sách đoàn cựu chiến binh phường Kim Liên đi xuyên Việt. Lẽ ra tôi cũng phải có mặt trong chuyến đi cùng với anh em nhưng vì bệnh cao huyết áp nên bác sĩ không cho phép. Nhưng bây giờ thì tôi quyết gác lại tất cả để vào nơi xảy ra tai nạn...”.
Ông Hùng người đã có mặt trong danh sách chuyến đi kể lại: “Những ngày kỷ niệm lịch sử này, tôi cứ rạo rực muốn cùng anh em thăm lại chiến trường, các con đã cho tôi 3 triệu đồng để đóng góp nhưng không may vì gia đình có việc cần giải quyết gấp nên tôi đã không thể lên đường”.
Thi hài các cựu chiến binh thiệt mạng được đưa lên khỏi vực. |
Trong sân trụ sở phường, một không khí im lặng bao trùm lên khuôn mặt bàng hoàng của thân nhân các cựu chiến binh có mặt trong chuyến đi, không ai bảo ai nhưng đông đảo bà con trong phường đã có mặt để động viên các thân nhân.
Nhiều bà con tâm sự: “Đau xót lắm vì các cụ cựu chiến binh đều là những cây cao bóng cả trong phường, họ luôn là những người đi đầu trong các phong trào xây dựng khối phố văn minh”. Chị Nga làm nghề bán hàng tạp hoá ở trước cổng ủy ban phường thì vừa khóc vừa nói: “Mấy sáng nay thấy con phố này vắng vẻ lạ thường thì ra là các cụ đã đi tham quan trong miền Nam. Vậy là từ nay không còn ai tập thể dục ở đây nữa rồi”.
Khu B ở các dãy nhà tập thể Kim Liên chiều qua cũng không còn đông vui như thường lệ, ông cụ cắt tóc ngay trước nhà B5 nói với PV Tiền Phong, ông cũng là một cựu chiến binh. Hàng ngày, ông đều thấy bọn trẻ nô đùa nhưng hôm nay thì chỉ thấy bọn trẻ túm năm tụm ba và lén lút khóc.
Người vợ già của cựu chiến binh Trần Trọng Cáp, Trưởng đoàn cựu chiến binh đi xuyên Việt, hai hàng lệ chứa chan không nói nổi nên lời, còn các chị là con gái ông Cáp thì cho hay, bố mình năm nay đã ở vào tuổi 70, mặc dù gia đình không muốn để ông đi miền Nam vì lý do sức khỏe nhưng ông vẫn nhất quyết lên đường, chỉ vì ông muốn “phải đi cùng với anh em”.