Rạng sáng 5/9, chúng tôi về Châu Hoá (Tuyên Hóa, Quảng Bình), tìm về ngôi nhà mà bây giờ dù đã qua 1 tháng sau cơn lũ dữ dội chưa từng có trong lịch sử, dấu vết của đau thương tang tóc vẫn còn đậm nét.
Ba chị em chuẩn bị đến trường khai giảng. |
Ngôi nhà xây vững chãi năm nào giờ chỉ còn trơ móng. Một ngôi nhà đơn sơ lợp tôn làm nơi thắp hương thờ phụng người quá cố. Hai vợ chồng và một đứa con đã bị dòng nước dữ cướp đi mãi mãi, để lại 3 đứa con thơ dại đang nương tựa vào người thân và cộng đồng.
Ngay từ tối 4/5, cô chị đầu Ngô Thị Nhung đã thức mãi đến tận khuya chọn lựa những bộ áo quần tươm tất nhất để vuốt là phẳng cho mình và cho hai em chuẩn bị cho ngày mai đến trường sớm. Sách vở và đồ dùng đã sẵn sàng nhưng cứ tần ngần, lúng túng không biết mang thứ gì để lại thứ gì.
Ông bà nội đã ngoài 70, cũng chong đèn ngồi rơm rớm nước mắt nhìn đàn cháu nhỏ mồ côi tự lập chuẩn bị cho ngày khai trường. Đi vào rồi lại đi ra với tiếng thở dài cứ buộc nén sâu vào lòng ngực. Mọi thành viên đang sống trong ngôi nhà của ông nội, lúc này đây chỉ cần một người mềm lòng thì ngôi nhà nhỏ này sẽ vỡ oà tiếng khóc... Rồi tất cả đã được chuẩn bị xong. Hai chiếc xe đạp cũ cũng được bơm căng chờ trời sáng.
Tờ mờ sáng, Nhung dậy giúp bà nội lo cơm nước cho các em và không quên kiểm tra lại những thứ đã chuẩn bị từ hôm trước xem còn sót thứ gì. Đã là 5h30. Mọi việc chuẩn bị cho ngày khai trường kết thúc khi đồng hồ chỉ 17h45. Ba chị em chào vội ông bà và cùng nhau ra ngõ.
Nhung đang học lớp 11A6 ở trường Lê Trực. Đến trường phải đi đò qua sông Gianh rồi từ đó tiếp tục đi xe đạp gần 1 giờ. Mỗi năm, tiền đò mỗi học sinh phải đóng 120.000 đồng. Còn Trinh và Huyền đi chung một chiếc xe đạp vì cả hai đang học lớp 9 và lớp 4 trường xã. Ba chị em bịn rịn chào nhau và Nhung dặn nhỏ hai em điều gì đó. Cả ba chị em cứ nhìn nhau như không muốn rời.
Niềm vui của ngày khai trường vẫn không thể xóa đi nỗi đau mất mát đang trĩu nặng trong lòng của ba chị em mồ côi. Gương mặt trầm buồn với đôi mắt hoe đỏ và ngân ngấn nước... Trinh và Huyền đi về một hướng, Nhung đi ra hướng bến đò. Thỉnh thoảng, Nhung ngoái đầu nhìn lại lo lắng.
Ông Ngô Tĩnh, ông nội của ba chị em khẽ khàng: Từ ngày bố mẹ và em chúng nó bị lũ cướp mất, bọn nó trầm hẳn. Bé Nhung trở thành người lớn từ trong suy nghĩ đến việc làm. Thương và chăm hai em hơn.
Trước khai giảng cả tuần, Nhung cứ hỏi hai em ước gì, muốn gì trong ngày khai trường để nó gắng lo cho. Nhưng hai đứa chỉ lắc đầu bởi chúng nó biết chị Nhung chẳng thể nào lo được cho chúng nó một bữa cơm đầu năm học mới có cả bố, mẹ và em...
(Theo Tiền Phong)