Đó là suy nghĩ của phần lớn các bà mẹ có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng. Qua những thông tin về các đợt tai biến (có trường hợp tử vong) vừa qua về tiêm vaccine, nhiều bà mẹ cũng ngần ngại cho con đi tiêm chủng theo đúng lịch hẹn.
Chị Mai Hạnh, ở Mai Dịch (Hà Nội) cho biết: “Ngày trước cũng cho con tiêm ở nhà, nhưng sau khi thấy có mấy trường hợp tai biến tại TP HCM do tiêm vaccine năm 2006 thì tôi cho con đến tiêm tại trạm y tế phường Mai Dịch. Nhưng, khi có ý kiến rằng, tiêm ở phường không đảm bảo tiêu chuẩn nên tôi đã đưa con lên tận Trung tâm tiêm phòng ở đường Nguyễn Chí Thanh. Dù sao, ở đây cũng là trung tâm và đầy đủ dụng cụ khi có tình huống bất ngờ xảy ra”.
Cũng theo chị Mai Hạnh, liên tiếp xảy ra các ca tử vong do tiêm vaccine viêm gan B vừa qua đã khiến gia đình chị quyết định ngừng hẳn việc tiêm phòng cho con, mặc dù, đã qua thời điểm cần tiêm phòng viêm màng não mủ của bé. “Biết đây là mũi tiêm quan trọng, nhưng tôi vẫn chưa có cảm giác an tâm khi cho cháu đi tiêm. Còn nếu mắc bệnh do không tiêm phòng vaccine thì cũng chưa thể chết ngay được”, chị Hạnh nói.
Còn chị Thu Hà (Bắc Linh Đàm - Hà Nội) cũng đang băn khoăn không biết có nên tiêm cho con viêm gan A theo đúng lịch hẹn hay không. Vì, từ bé tới giờ, gần 3 năm nay đứa con gái của chị đều được tiêm tại nhà.
Theo tiến sĩ Phạm Ngọc Đính, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến nay Bộ Y tế chưa có văn bản nào quy định về việc tiêm vaccine tại nhà, cấm hay không cấm hoạt động này và điều kiện ra sao.
Tuy nhiên, các tài liệu tập huấn về tiêm chủng mở rộng đều quy định không thực hiện tại gia đình mà tiêm tập trung ở cơ sở y tế. “Rủi ro của việc tiêm vaccine tại nhà khá lớn. Nếu trẻ sốc thì sẽ không được cấp cứu kịp thời”, tiến sĩ Đính nói.
Và theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn khi đưa con đi tiêm, phụ huynh nên nói rõ tình trạng sức khỏe của trẻ và tiền sử dị ứng cho nhân viên y tế để ngừng tiêm, nếu thuộc trường hợp chống chỉ định.
Theo chị Hà: “Tiêm tại nhà đỡ phải đi lại nắng nóng, thêm nữa tiêm dịch vụ cũng nhẹ nhàng hơn. Có người hàng xóm đưa con đi tiêm tại phường, chảy nhiều máu lắm nên cũng sợ”. Chị Hà cũng phân vân: Chắc vẫn phải tiêm phòng thôi, nhưng tiêm ở nhà thì sợ còn tiêm tại các trung tâm thì chưa tìm hiểu được trung tâm nào là an toàn nhất.
Hiện chị Tuyết Chinh, Thanh Xuân vẫn gọi người đến tận nhà tiêm phòng cho đứa con 2,5 tuổi. Theo chị Chinh, đằng nào cũng phải tiêm nên lựa chọn cách tiêm tại nhà, vừa sạch sẽ vừa yên tâm. Vì chị Chinh cũng lo ngại sự thiếu an toàn tại các điểm tiêm chủng khác. “Người đến nhà tiêm cũng quen rồi, với lại tôi hoàn toàn tin tưởng vào người tiêm dịch vụ này nên vẫn quyết định tiêm phòng theo đúng lịch cho cháu”.
Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nếu sợ con bị tai biến, các bà mẹ càng không nên tiêm ở nhà mà đến cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu. Tai biến tiêm chủng là hiếm gặp, nhưng nếu xảy ra thì đòi hỏi phải được cấp cứu kịp thời. Những người tiêm dịch vụ tại gia đình thường không có các phương tiện này.
Mặt khác, việc tiêm tại nhà nhiều khi không đảm bảo vô khuẩn và đây cũng là một yếu tố gây tai biến. vaccine cần được bảo quản trong môi trường có nhiệt độ chuẩn. Việc trữ vaccine trong phích lạnh đi từ nhà này đến nhà khác, mở ra mở vào có thể khiến chất lượng vaccine không đảm bảo, làm giảm hiệu lực bảo vệ, thậm chí dẫn đến các tai biến. Do đó, sau khi có liên tiếp các sự cố tiêm chủng, Hà Nội đã đình chỉ việc tiêm vaccine tại nhà.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Sĩ Hiển, Chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhấn mạnh, không nên tiêm chủng tại nhà để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra cho trẻ.
Theo ông Hiển, việc tiêm vaccine là tiêm một tác nhân lạ vào trong cơ thể nên có tỷ lệ phản ứng nhất định (các vaccine hiệu quả nhất cũng có thể gây phản ứng, nhưng các phản ứng này thường nhẹ và tự mất đi), nếu khi xảy ra tại nhà sẽ không có đủ phương tiện để xử trí. Trong khi đó, tại nơi tiêm chủng, luôn có đảm bảo tốt nhất con bạn sẽ được xử trí kịp thời nếu không may xảy ra phản ứng. Do vậy, các bậc cha mẹ nên đưa con em đến điểm tiêm chủng, vừa có vaccine đảm bảo vừa có thể cấp cứu khi có sự cố xảy ra.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)