Cắt bỏ lá lách để chạy nhanh như sóc
Các nhà thông thái thời tiền sử cho rằng lá lách là nguyên nhân gây ra những cơn đau mạng sườn của vận động viên (VĐV) trong những môn thi đấu đòi hỏi sức bền. Vin vào lý do này, họ cần phải bỏ đi lá lách của các VĐV tham gia các cuộc thi chạy việt dã. Chính vì vậy, các VĐV Hy Lạp thời cổ đại và thời La Mã đã phải chịu đủ loại phương pháp nhằm cắt bỏ bộ phận đã... hạn chế khả năng thi đấu này. Đến thế kỷ XVII, một bác sĩ có tên là Godefroy Moebius đã miêu tả một phương pháp cắt bỏ lá lách bằng sắt nung đỏ mà trước đó đã được thử nghiệm trên...chó.
Chấp nhận "đớn đau" để đạt đến đỉnh vinh quang |
Xẻ gân để tăng sức bền bỉ
Kỹ thuật xẻ gân cũng được sử dụng nhằm mục đích giúp các VĐV điền kinh hay cử tạ tăng khả năng dẻo dai, độ bền bỉ và sức chịu đựng. Để đạt được điều này, các bác sĩ giải phẫu dùng dao rạch dọc theo gân VĐV. Khi vết rạch đó thành sẹo sẽ khiến sợi gân đó dầy, to và khoẻ hơn. Như vậy, gân được tăng cường sức chịu đựng.
Khởi động nóng VĐV bằng cách "hâm nóng"
Giữa thập niên 40 của thế kỷ XX, bác sĩ Hogberg thuộc Viện hoàng gia Stockholm, Thuỵ Điển đã nghĩ ra một phương pháp đặc biệt cho phép các VĐV làm nóng cơ thể nhanh chóng để có thể đạt khả năng tối đa ngay từ đầu cuộc thi. Xuất phát từ thực tế: nhiệt độ cơ thể tăng khi con người cố gắng làm gì đó, chẳng hạn cuối cuộc thi marathon, nhiệt độ cơ thể VĐV có thể lên tới 39 hoặc 40 độ C. Do vậy, viên bác sĩ này "hâm nóng" VĐV của mình ngay trước khi họ vào thi đấu để các điều kiện sinh lý của cơ bắp đạt mức cao nhất. Kết quả rất khả quan: một VĐV chạy cự ly 400m khi được "hâm nóng" đã dễ dàng vượt qua các VĐV bình thường khác.
Thay đổi hormone để có người phi thường
Theo An Ninh Thế Giới, từ đầu thập niên 70 đến cuối thập niên 80 để có được các "chú kình ngư" trên đường đua xanh" các nước Đông Âu đã chọn ra một số nữ VĐV bơi lội giỏi, sau đó tìm cách thay đổi quy chế hormone của họ sao cho họ sinh ra được những đứa trẻ có trái tim to, lượng máu và tỷ lệ hồng cầu nhiều hơn những đứa trẻ bình thường khác. Bằng cách này, nhứng đứa trẻ khi lớn lên có khả năng thể chất cao hơn 10% so với những đứa trẻ bình thường vì cơ bắp của chúng được cung cấp oxy tốt hơn, cơ của chúng dẻo dai hơn.
Bơm hơi vào người cho nổi
Tại Thế vận hội Munich 1972, các huấn luyện viên của CHDC Đức nghĩ ra một phương pháp có một không hai để cải thiện sức nổi của VĐV bơi lội là bơm vào ruột non của mỗi VĐV từ 1 đến 1,5 lít khí. Lợi thì chẳng thấy đâu chỉ thấy VĐV bị rối loạn tiêu hoá nặng tới mức không thể thi đấu được.
Nới rộng động mạch vành để có nhiều oxy
Để tăng lượng máu lưu thông, một số VĐV điền kinh đã chấp nhận phẫu thuật mở rộng đường kính động mạch vành. Chưa hết, nhằm tăng số lượng hồng cầu đồng nghĩa với việc tăng khả năng cung cấp oxy cho tế bào, vào thập niên 70, các VĐV Phần Lan đã sử dụng phương pháp tự truyền máu. Để làm được điều này, người ta trích lấy máu của một VĐV nào đó đúng lúc người này đang tập luyện ở cường độ cao nhất (lúc hàm lượng hồng cầu trong máu đạt tới mức cao), sau đó máu được bảo quản và truyền lại cho VĐV này ngay khi bước vào thi đấu.
Doping bằng gien
Những tiến bộ trong công nghệ sinh học hiện nay đang khiến nhiều người lo ngại về khả năng xuất hiện của một thế hệ "VĐV biến đổi gien" có cơ thể của một siêu nhân. Giới nghiên cứu vừa xác định được gien tạo ra erythropoietin (EPO), chất kích thích quá trình sản xuất tế bào hồng cầu vốn rất quan trọng cho những môn thể thao đòi hỏi sức bền như marathon hay đua xe đạp. Là chất chữa bệnh thiếu máu, EPO tổng hợp đã bị Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) chính thức cấm sử dụng trong thi đấu thể thao.
Y học có thể áp dụng phương pháp tiêm trực tiếp hoặc biến đổi gien để cải thiện cơ bắp, giúp chữa bệnh cho bệnh nhân teo cơ. Thử nghiệm đối với chuột, Giáo sư Lee Sweeney thuộc ĐH Pennsylvania đã làm tăng khối lượng cơ lên tới 30% khi tiêm một loại gien tăng trưởng giống insulin (IGF-1). Ông thừa nhận: "Kết quả đạt được hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển đến mức, việc chuyển gien tăng trưởng cơ sẽ được dùng vào việc nâng cao thành tích thi đấu".
Có thể tại Thế vận hội Olympic Athens năm nay và Đại hội Thể thao Mùa Đông ở Turine năm 2006, doping gien chưa phải là một vấn đề quá lớn nhưng theo dự báo tới Olympic Bắc Kinh 2008 đây sẽ là một nguy cơ mà IOC sẽ phải đau đầu đối phó.