Vòng qua công viên Xuân Hương, lên trên lưng chừng con dốc đi Chi Lăng là gặp Nhà ga xe lửa Đà Lạt. Một nhà ga đẹp, kiến trúc từ thời Pháp gần như còn nguyên vẹn với ba mái vút cao. Ga xe lửa Đà Lạt được xây dựng và hoàn thành vào năm 1938. Hình ảnh của nhà ga với ba mái nhọn là từ ý tưởng của hai kiến trúc sư người Pháp Moncet và Revéron mô phỏng núi Lang Biang. Kiến trúc cổ 70 năm của ga xe lửa Đà Lạt đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.
Vào năm 1997, khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa, ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Đà Lạt bắt đầu khởi động trở lại, ý tưởng sử dụng phần đường sắt ngắn ngủi chỉ 7 km cho cuộc hành trình du lịch đã được hình thành.
Ngồi trên xe lửa bạn có thể ngắm nhìn những ngôi nhà được nhìn từ phía sau, có không gian rất riêng, là khu vực trồng sú lơ, cải hoặc bất cứ một loại rau nào đặc trưng Đà Lạt. Xe lửa chen qua rừng thông, tàu chen qua phố và tàu đi chênh vênh trên triền đồi tạo cho bạn cảm giác hào hứng. Có khi xe lửa đi vào buổi sáng, sương sớm chùng bao quanh khiến cho bạn có cảm giác như đang chen cùng sương. Có khi xe lửa qua một vuờn hoa, bạn ngắm nhìn hoa đang nở để cảm giác lòng no đầy hạnh phúc.
Một căn nhà nhỏ xây dựng ở Trại Mát, sát đường lộ là điểm dừng. Con đường ray xe lửa cũng chỉ dừng lại ở đó, barie chắn ngang, có người cầm cờ hiệu phất báo xe lửa dừng. Tại đây có hai điểm dừng chân dạo chơi trước khi lên tàu lửa trở về lại Đà Lạt. Đó là chợ Trại Mát và chùa Linh Phước. Chợ ở đây nhỏ, bán cũng đủ thứ hàng hóa, đặc biệt là rau xanh và trái cây tươi. Tùy mùa mà bạn có thể gặp những người chào mua những trái anh đào xinh đẹp giống như trái đào trong truyện Tây Du Ký vào tháng hạ, hoặc vào mùa đông se lạnh là những trái dâu như còn ướp trong suơng lạnh Đà Lạt. Mua hàng hóa đôi khi chỉ là cái cớ cho chuyến đi. Là cái thú sắm sửa hơn là nhu cầu.
Lên Đà Lạt, nếu chưa một lần leo lên xe lửa làm cuộc rong chơi ngắm nhìn, thì bạn cũng nên thử lấy một lần.
(Theo Báo Bình Dương)