"Trong một thời gian dài, doping Nga đã làm giảm uy tín của môn thể thao trong sạch", Craig Reedie - Chủ tịch WADA - chia sẻ trong thông báo đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp tổ chức ở Thụy Sỹ hôm 9/12. Với lệnh cấm này, Nga không được tham dự Olympic mùa hè Tokyo 2020, Olympic mùa đông 2022. Các VĐV Nga không dính bê bối vẫn được thi đấu nhưng dưới cờ đoàn trung lập giống như ở Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc.
Đội tuyển bóng đá nam của Nga cũng bị cấm thi đấu tại World Cup 2022 ở Qatar, tuy nhiên vẫn có thể dự Euro 2020 vì đây không được coi là giải đấu cấp thế giới. Lệnh cấm cũng không ảnh hưởng tới chung kết Champions League 2021 được tổ chức ở St Petersburg vào mùa hè năm sau với lý do tương tự. Các quan chức Nga bị cấm dự khán các sự kiện thể thao quốc tế và đất nước này cũng không đủ tiêu chuẩn đăng cai các giải đấu lớn.
Rusada - cơ quan chống doping của Nga - cho biết, trong 10 ngày tới họ sẽ quyết định có kháng án lên Tòa án thể thao quốc tế (CAS) hay không.
Bê bối doping của Nga bắt nguồn từ tiết lộ gây sốc năm 2016 của bác sĩ Grigory Rodchenkov - cựu giám đốc phòng thí nghiệm chống doping của Nga. Ông cho biết các quan chức chống doping Nga tiếp tay cho các VĐV sử dụng chất cấm tăng cường thể chất trong nhiều năm và chính quyền cũng như cơ quan an ninh bảo trợ và che giấu việc này. Dữ liệu doping Nga được cho là bị thay đổi ngoài tầm kiểm soát của WADA và các mẫu thử nước tiểu của VĐV đã bị tráo đổi để tránh bị phát hiện.
Sau khi kết quả điều tra được chứng thực, Nga thừa nhận và bị tước một số huy chương các VĐV giành được ở Olympic Sochi 2014 và Olympic mùa hè 2012. Đoàn VĐV xứ bạch dương bị cấm tham gia Olympic mùa đông 2018. Tại Pyeongchang 2018, có 168 VĐV đến từ Nga vẫn được tranh tài nhưng dưới danh nghĩa một đoàn thể thao trung lập.
Hoàng Trang (Theo Financial Times)