Công Vinh hay ghi bàn hơn từ các đường chuyền vượt tuyến.
Chỉ phòng ngự trong 60m
Cách tổ chức phòng ngự của đội tuyển VN trước đây thường được trải đều trên khắp mặt sân. Cầu thủ nào bị mất bóng ở vị trí gần nhất lập tức tranh cướp, cố gắng đeo bám để giành lại bóng. Cầu thủ phía sau tranh thủ bọc lót, kể cả khi giành bóng trên phần sân đối phương.
Cách phòng thủ đó không hề sai và cũng luôn được vị thuyền trưởng của đội tuyển cho phép các cầu thủ đôi lúc được quyền thể hiện khả năng đó, miễn là việc tranh cướp đó phải có hiệu quả, buộc cho đối phương phải phạm sai lầm, như tình huống Công Vinh đã tận dụng được khi đeo bóng khiến thủ môn đội tuyển Bahrain lúng túng phá bóng bật vào người anh, biếu không cho tuyển VN một bàn thắng.
Nhưng trong thực tế nhiều trận gần đây, cách tổ chức phòng ngự của tuyển VN là chỉ giới hạn trong 60m từ cầu môn nhà, tức là khi mất bóng đội tuyển VN co về chỉ phòng ngự trên phần sân nhà và vị trí cao nhất chỉ là khu vực gần đường trung tâm.
Giải thích về chuyện này, trợ lý HLV Mai Đức Chung cho biết: "Do cầu thủ VN thua đối thủ về thể hình, thể lực lẫn sự tranh chấp, nếu căng ra toàn mặt sân thì chúng ta sẽ chóng bị phá vỡ sự liên kết do các tuyến đều không giữ được cự ly phòng thủ hợp lý.
Do thế, việc HLV Riedl yêu cầu chỉ phòng ngự trong khoảng 60m là một công thức thích hợp với đặc điểm đội tuyển VN. Trong phạm vi hẹp này, chúng ta sẽ tạo được sự ổn định và dày đặc trên các tuyến, các vị trí sẽ hỗ trợ nhau rất kịp thời và chính điều đó làm cho đối thủ khó đột phá nhanh, xâm nhập cận thành. Và nếu một khi họ dâng lên mà lúng túng, không tìm được cách xuyên thủng thế phòng ngự mà chúng ta đã giăng ra, cơ hội mà chúng ta khai thác ngược lại từ đối thủ sẽ tốt hơn".
Trong trận thắng Jamaica và Bahrain, cặp tiền đạo Thanh Bình và Công Vinh khi không có bóng đều chủ động lùi về gần vạch giữa sân và chỉ cố gắng làm mỗi nhiệm vụ phòng ngự từ xa mặc dù khả năng này của cả 2 mũi nhọn VN đều chưa phải là tốt.
Nhưng chính cách rút về giữ được cự ly gần đó làm cho tuyến giữa đỡ bị tràn ngập và hàng thủ bớt đi áp lực, đồng thời chủ động được cách bọc lót, bất kể khi bị đối phương bất ngờ tăng tốc, chơi rộng trên toàn sân. Chính cách tổ chức phòng ngự kín kẽ này đã làm cho Bahrain và Jamaica muốn áp đặt lối chơi cũng không thể làm được. Và khi họ nôn nóng, chính Công Vinh, Thanh Bình, Tài Em, rồi cả hai cánh như Văn Nhiên, Tiến Thành, Vũ Phong... đã biết dâng lên đúng lúc để khai thác tốt những tình huống ghi bàn.
Phản công vượt tuyến
Trước đây, lối đá của tuyển VN nặng về phối hợp kỹ thuật và đá theo một bài bản nhất định, có lúc là tấn công biên, chồng biên lật cánh, có lúc từng nhóm đan bóng kỹ thuật để áp sát trung lộ bằng các pha chọc khe. Cách chơi có sự gắn kết hài hòa này không có gì là không phù hợp với tuyển VN và luôn rất cần khi chơi với những đối thủ trong khu vực. Thế nhưng đối đầu với những đối thủ mạnh hơn mình như Nhật Bản, Qatar, UAE, tuyển VN không thể chỉ vận dụng một công thức như vậy.
Ông Riedl luôn yêu cầu các tuyển thủ khi đoạt bóng phải phát dài để cho tuyến trên bắt tốc độ khai thác sự bọc lót thiếu kín kẽ hay dâng cao của đối thủ để ghi bàn.
Giải thích về việc này, chính HLV Riedl nói với toàn đội: "Tôi không muốn các anh phối hợp ngắn nhiều vì chúng ta không thể đua tranh kỹ thuật trong phạm vi hẹp với đối phương và càng không thể chậm chân trong việc phản công vì họ vẫn có sức mạnh hơn chúng ta và đặc biệt nhờ thể lực tốt hơn nên họ rút về nhanh hơn chúng ta. Thế nên chúng ta cần tổ chức thật nhiều các pha phản công vượt tuyến".
Chính cách chơi này từng giúp VN mở tỷ số trước vào lưới Olympic Bahrain tại ASIAD Doha khi Tấn Tài chuyền dài vượt tuyến cho Công Vinh tăng tốc ghi bàn. Và rất nhiều lần chúng ta thấy trong 2 trận thắng Jamaica và Bahrain gần đây, các tuyển thủ của chúng ta đều chơi với ý thức có bóng là chuyền dài và sâu lên trên cho tiền đạo bắt tốc độ. Cách đó vừa tạo bất ngờ cho đối thủ vừa buộc họ phải kéo đội hình thấp xuống, giảm bớt áp lực trên phần sân của chúng ta.
Khai thác nhiều tình huống cố định và sút xa
Trước đây, tuyển VN thường chơi với một phong thái tự nhiên là khi có những quả phạt, nhất là phạt trực tiếp, chúng ta thường ít gia cố mà hay đá theo bản năng, nghĩa là vị trí sút phạt thuận lợi thì cứ nhắm vào cầu môn "bắn" mà không hề có sự nắn nót, chăm chút. Còn vị trí không thuận lợi lại hay khai thác một cách kém hiệu quả, nên ít tạo được sự nguy hiểm thường trực cho đối phương.
Thế nhưng gần đây, những tình huống cố định đã được BHL củng cố rất nhiều cho các tuyển thủ. Những quả phạt trực diện, chúng ta thường thấy Công Vinh thực hiện và đa phần là đều nguy hiểm. Việc tiền đạo này trui rèn và thực hiện tốt những quả phạt với kỹ thuật cao và khéo léo đã giúp cho tuyển VN có được một miếng chiến thuật hiệu quả.
Chính Công Vinh đã ghi bàn từ cú phạt vào lưới Jamaica. Và khi Công Vinh đá phạt, chúng ta thường thấy Vũ Phong lăn xả vào giữa hàng rào để chờ cơ hội bật ra. Chính Phong đã ghi bàn như vậy vào lưới Indonesia ở vòng loại Olympic.
Còn với những quả phạt không trực diện, từ mép vòng cấm hay ngoài hai biên, những cú sút phạt được HLV Riedl yêu cầu là đá thẳng với tầm trung (không quá bổng nhưng cũng không thấp quá) xoáy vào trước cầu môn gây rối loạn cho đối phương hoặc may mắn thì ghi bàn. Như cú sút phạt của Vũ Phong trong trận thắng Oman ở vòng loại Olympic. Một quả đá vừa đủ khó làm cho thủ môn đối phương xông ra nhưng không đón được điểm rơi để bóng cuộn đi luôn vào lưới. Chắc chắn rằng miếng chiến thuật này sẽ còn được tuyển VN tận dụng ở ASIAN Cup.
Một nét mới nữa là khả năng sút xa. Gần đây có rất nhiều bàn thắng của tuyển VN là hiệu quả của những cú sút xa. Vũ Phong từng gây ngạc nhiên khi ghi bàn quyết định trong chiến thắng trước Indonesia tại vòng loại Olympic bằng cú sút xa như kẻ chỉ. Mai Tiến Thành cũng sút xa từ hơn 40m ghi bàn khi gặp Bahrain.
Ngay bàn thắng nâng 4-3 của Phan Thanh Bình khi gặp Tuyển Bahrain cũng nhờ pha dâng cao sút xa của Phùng Văn Nhiên. Nói chung, sút xa là một vũ khí lợi hại mà bây giờ tuyển VN đã không còn ngại ngần khi biết khai thác tối đa.
Với những nét mới này, tuyển VN có thể sẽ làm được điều mà người hâm mộ mong muốn: thi đấu thật sự tự tin, thật sự hiệu quả để nếu giành được một kết quả đẹp trước 3 đối thủ mạnh trong bảng B là quá tốt. Còn nếu không, cũng để lại ấn tượng buộc đối thủ phải có cái nhìn khác về bóng đá VN.
(Theo Thanh Niên)