Suối Đá Giăng. |
Để lên được đỉnh của Hòn Bà (cách Nha Trang 40 km), ở độ cao gần 1.570m phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị phải vượt qua quãng đường đèo dài hơn 30 km, quanh co, uốn lượn. Không ngoạn mục như đường lên đèo Hải Vân, hay vi vút thông reo như đèo Prenn, con đường dẫn đến đỉnh Hòn Bà có tên Yersin , dốc lên thoai thoải một bên vách núi, một bên róc rách suối reo. Thấp thoáng những đám mây trắng bềnh bồng trôi bên các rặng núi ngút ngàn cây xanh, không khí trong lành đến nỗi có thể cảm nhận được mùi của cỏ cây. Gần 11h trưa mà sương mờ vẫn còn phủ đầy trên những ngọn cây khô trụi lá, tại nền nhà của bác sĩ Yersin những cành địa lan vẫn thi nhau trổ hoa.
Dưới chân Hòn Bà là con suối Đá Giăng. Gọi là Đá Giăng vì con suối dài cả chục cây số chập chùng hàng vạn hòn đá lớn, nhỏ trắng phau chen chân khoe mình và ắt hẳn đã chịu sự mài dũa của nước qua hàng ngàn năm nên đá ở đây tròn nhẵn. Du khách dừng chân ở đây có thể ghé nhà dân bên cạnh suối, gửi xe, thay đồ và trầm mình thoả thích dưới dòng nước mát lạnh trong veo hay có người đem cả cần câu ngồi cả buổi mà không chán.
Dốc Lết, biển Đại Lãnh đã quá nổi tiếng vì bãi tắm đẹp, thoai thoải, lặng sóng nhưng lại xa trung tâm thành phố Nha Trang và đã trở nên khá hỗn độn khi quá nhiều du khách dừng chân nơi đây. Hãy thử đến với Bãi Dài mới được khai thác gần đây đẹp không thua biển Đại Lãnh nhưng chỉ cách Nha Trang độ 25 km đi về hướng Cam Ranh. Tuy còn rất hoang sơ, chưa có nhiều dịch vụ nhưng đã bắt đầu đông khách vì biển ở đây rất sạch với bãi cát trắng dài tăm tắp, không ghềnh đá, ít vực sâu, có thể nói không kém gì bãi Sao của Phú Quốc. Bạn có thể vào nhà dân chài chọn con mực nang to độ 1kg đang nhúc nhích trong thau, nhờ làm hai món mực nướng và hấp cuốn bánh tráng. Hoặc mua độ 2kg ngao biển đặt nấu ngay nồi cháo, và chọn cua hoặc ghẹ đang bơi thong dong trong chậu không bị quấn dây, nhúng sình như ở Sài Gòn của mình… rồi xuống bơi và sau 30 phút trở lên bạn đã có một bữa hải sản tươi ngon. Từ Bãi Dài về lại Nha Trang bạn sẽ được đi trên đường đèo Cù Hin mới thông xe tháng trước, ôm sát biển để có được cảm giác như thế nào là đi giữa núi cao, biển rộng.
Chủ nhân quán hải sản Trúc Linh, nằm trên đường Biệt Thự, nơi gần với khu phố Tây ba lô của Nha Trang bài trí từ nguyên liệu tre, cau, chuối, mái lá... tạo một không gian đặc trưng của xứ sở nhiệt đới, nhưng rượu, thức uống và phong cách phục vụ lại rất tây phương. Hải sản tươi sống được bày trước mặt tiền quán bên cạnh bếp than lửa rực hồng, khách được chọn từng con tôm, con cá và có thể tự nướng lấy. Tiếp đó là bàn chưng bày các loại rượu, các loại nước xốt, nước chấm để du khách tự chọn cho hợp với khẩu vị. Điều đặc biệt là khách Tây rất đông nhưng giá không cao lắm, thậm chí có những món bình dân như bánh mì nướng tỏi 5.000 đồng/ổ, xúp khoai tây 8000 đồng/chén. Hỏi ra mới biết chủ nhân ở đây từng là người quản lý cho khu resort Ana Mandara.
Trước khi rời Nha Trang, ra ga về Sài Gòn, du khách nhớ ghé thăm quán cơm gà Trâm Anh, ngay ngã tư đường Yersin và Bà Triệu. Quán bình dân, giá rẻ đông khách là lẽ thường nhưng nước dùng rất đậm đà vị thịt và gà ở đây không phải loại gà công nghiệp.
Có một không gian cà phê gần gũi với người thích nhạc trữ tình, tiền chiến là quán Phú Sĩ 2 trên đường Bạch Đằng. Mặt tiền quán không lớn lắm, chẳng có gì nổi bật lại nằm ở vị trí khuất biển nên du khách ít biết đến. Thế nhưng cây mận đỏ rực ngay cổng vào, dây leo xanh bên bờ dậu, thảm cỏ trên lối đi cách bài trí ấm cúng với gốm và tranh tạo cho bạn cảm giác về với "nhà mình" hơn là vào quán. Mỗi tối thứ ba, năm, bảy hàng tuần tại đây còn có nhạc sống Trịnh Công Sơn. Thức uống đặc trưng ở đây là các loại cocktail giá từ 8.000 đến 10.000 đồng/ly, đêm có nhạc sống giá cũng rất mềm từ 13.000 - 15.000 đồng/ly, anh phục vụ bàn ở đây cho biết, những ngày cuối tuần có nhạc sống quán hơn 100 chỗ vẫn đông kín, có lẽ là vì thế.